Ngay đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường liên tiếp nhận các câu hỏi về vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao và giải cứu khủng hoảng thừa thịt heo.
Đại biểu liên tiếp truy trách nhiệm trong “khủng hoảng thịt heo”
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) băn khoăn về quy hoạch ngành chăn nuôi heo. Theo đó, Quyết định 124 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng đàn heo đến năm 2015 là 32,2 triệu con, đến năm 2020 là 34,4 triệu con. Tuy nhiên thực tế đến năm 2015 đàn heo mới đạt 27,7 triệu con; năm 2016 mới đạt 29 triệu con.
Đại biểu băn khoăn sản lượng thịt heo thấp hơn nhiều quy hoạch nhưng thị trường đã dư thừa hàng chục triệu con heo. Hệ quả là người chăn nuôi thua lỗ nặng nề và đầu năm đến nay phải giải cứu. Đại biểu Sơn đề nghị giải thích rõ nguyên nhân, giải pháp và làm rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Đồng tình với điều này, đại biểu Ngọc Lan (Bắc Ninh) nêu lên thực trạng giá thịt heo đang lao dốc không phanh. Ngành chăn nuôi heo và thức ăn chăn nuôi đang khủng hoảng thừa, nguồn cung quá lớn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. |
Người chăn nuôi lỗ đến 50% giá thành. Đại biểu đề nghị Bộ NN&PTNT làm rõ các giải pháp căn cơ, lâu dài khắc phục tình trạng này.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) thì quan tâm đến lượng sản phẩm tạm nhập tái xuất hàng năm.
Theo đó, hàng năm có tới 4,7 triệu tấn, tương đương với lượng thịt trong nước. Đại biểu đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương làm rõ lượng sản phẩm nhập này ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản trong nước như thế nào?
Mới làm tốt ở toa sản xuất
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết khủng hoảng thịt heo do 2 nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất là sức sản xuất trong nước tăng quá nhanh. Trong 10 năm qua, riêng thịt đã tăng 3,6 lần. Từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn; sữa tăng 15 lần lên 800.000 tấn. Cá nuôi từ 1,8-3,4 triệu tấn cùng hàng chục tỷ quả trứng.
Khối lượng khổng lồ thực phẩm phát sinh trong một thời gian ngắn. "Cách đây 10 năm, chúng ta ở mức thấp nhất trong ASEAN, giờ cám đã lên 23 triệu tấn. Heo nái tăng lên 4,2 triệu con. 3 năm gần đây thực phẩm tăng quá nhu cầu", ông nói.
Riêng về heo, trong 10 năm qua, rổ thực phẩm của người Việt Nam đã thay đổi. Trước kia các bữa cỗ, bữa ăn có tới 70-75% là thịt heo thì hiện nay đã thay thế bằng thịt bò, sữa, gà, trứng… làm cho dư thừa mất cân đối, sức cung lớn hơn sức cầu rất lớn.
Nguyên nhân thứ hai là tổ chức ngành hàng chưa tốt. Chăn nuôi chủ yếu lànhỏ lẻ với 3 triệu hộ. Lực lượng này vẫn phải duy trì, nhưng quy mô nhỏ sản xuất giá thành cao, khó kiểm soát.
Ngoài ra, chế biến không gắn liền với sản xuất. Việc chế biến thịt heo rất kém, kém nhất trong các ngành hàng. Khâu tiêu thụ vẫn theo truyền thống, 90% là thịt heo tươi, bán ở phản thịt.
Một nguyên nhân nữa, theo ông Cường, là tổ chức thị trường. Khâu tiêu thụ thịt heo trên thị trường thực phẩm là yếu nhất trong các ngành hàng hiện nay. Chúng ta mới xuất được một số ít thịt heo sữa sang 3 nước, còn lại vẫn xuất tiêu ngạch thịt heo sang Trung Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng trong 3 khâu sản xuất, chế biến và thị trường thì chúng ta mới làm tốt khâu sản xuất. Đoàn tàu mới làm tốt một toa, các toa kia vẫn yếu kém.
Quy hoạch không theo kịp thay đổi thị trường
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, quy hoạch thị trường trước kia tính nhu cầu thực phẩm theo tốc độ tăng trưởng, khả năng tiêu thụ. Tuy nhiên, quy hoạch chưa tính đến tương quan của các loại thực phẩm với nhau.
Thứ hai, việc quy hoạch cũng chưa tính đến hội nhập có các dòng thực phẩm bên ngoài vào. Chúng ta xuất đi 32 tỷ USD, thì cũng có một lượng lớn tương ứng nhập về Việt Nam.
Thứ ba tồn tại ở sản xuất nhỏ, muốn lên quy mô lớn, theo chuỗi cần có những chính sách lớn như mở thị trường, nhưng không chỉ riêng thịt heo mà các ngành hàng khác khâu này cũng rất kém.
Bộ trưởng thừa nhận có trách nhiệm của ngành nông nghiệp trong việc chỉ thực hiện tốt khâu sản xuất, trong khi khâu chế biến và thị trường yếu kém.
'Khơi thông một ngành hàng phải mất 3-5 năm'
Giải trình thêm các băn khoăn của đại biểu về thị trường tiêu thụ thịt heo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đã tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức đàm phán, xúc tiến xuất khẩu sang Trung Quốc và các quốc gia khác. Theo Bộ trưởng, việc hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật vẫn đang triển khai. Tuy nhiên, việc khơi thông một ngành hàng phải mất 3-5 năm.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết vấn đề tạm nhập tài xuất đã được quy định khi Việt Nam tham gia WTO. Theo đó, tạm nhập tái xuất tại biên giới với Trung Quốc chỉ có thủy sản, thực phẩm và thịt heo. Thịt heo chiếm tỷ trọng rất nhỏ, không đáng kể, chủ yếu là nội tạng, không phải thịt.
Bộ trưởng Tuấn Anh giải thích thêm việc tạm nhập tái xuất là chúng ta cho mượn biên giới, cửa khẩu, tạm nhập vào Việt Nam rồi tái xuất toàn bộ sang Trung Quốc. Trong thực tế, kim ngạch nội tạng heo chỉ chiếm 1% kim ngạch xuất nhập khẩu ngành hàng này, nên không ảnh hưởng đến thị trường trong nước.