“Thi nhau” săn chuột
Chúng tôi về làng Canh Nậu, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, gặp ông Nguyễn Lương Thông, một chuyên gia bắt chuột có thâm niên và giỏi nhất làng. Theo chân ông Thông đi săn chuột, nhìn cách ông cụ gần 70 tuổi đi trên những bờ ruộng, chốc chốc dừng lại vạch bụi cỏ tìm hang chuột rồi cuốc đất, đào hang, múc nước ổ vào hang cho chuột sặc nước để chạy ra chui vào rọ... Chúng tôi ngạc nhiên trước các động tác thuần thục, dứt khoát.
Bình quân mỗi ngày, ông Thông đi bắt được từ 10 - 20 kg chuột sống, tùy vào việc gặp được nơi nhiều chuột hay ít. 10 kg chuột sống sau khi làm thịt, vứt bỏ các bộ phận không sử dụng còn lại được khoảng 6 - 7 kg thịt. Bằng động tác khá nhanh nhẹn, ông Thông khéo léo lôi trong rọ ra một con chuột đất nặng 1 kg như minh chứng cho kinh nghiệm từng trải rồi cười chia sẻ: “Giống chuột đất thịt của nó bao giờ cũng thơm và ngọt hơn các loại, vì vậy mà giá thành bán bao giờ cũng cao hơn. Giá dao động từ 100.000 đồng/kg đến 120.000 đồng/kg".
Sống ở quận Đống Đa, nhưng nhiều lúc nhóm của “Hùng phỉ” phi xe máy cả chục cây số xuống các cánh đồng ở quận Hà Đông, để săn chuột đồng.
Hùng cho biết: “Có hôm may mắn, tôi tìm được hố bắt được hơn 30 con chuột trong một hang”. Bắt chuột không khó, công việc đầu tiên và khó khăn nhất là phải lấy hết răng chuột. Chuột có răng rất nhọn nên nếu không biết cách sẽ bị thương. Thịt chuột không nên để quá nửa ngày, nên chuột được đem bán ngay khi đã làm thịt xong.
Món chuột đồng khoái khẩu của dân nhậu bị nhiều nhà hàng thay thế bằng chuột cống. |
Còn anh Đức Tuấn, ở làng Canh Nậu, người có kinh nghiệm nhiều năm săn chuột cho biết: “Việc bẻ răng nanh là rất cần thiết, bởi bẻ như vậy chuột không cắn được nhưng vẫn sống. Chuột phải sống thì thịt mới ngon. Còn chết trước khi làm thì coi như vứt, mất hết độ tươi, giòn thơm, còn có mùi hôi. Thịt chuột được chế biến thành nhiều món khác nhau như: Luộc ép lá chanh, rang khô... trong đó nấu giả cầy ăn kèm với bánh mỳ được người dân lựa chọn là món ăn ngon nhất”.
Cứ khoảng 4h chiều, chị Hằng, một tiểu thương chuyên buôn thịt chuột cho biết, cả gia đình chị đều kinh doanh mặt hàng đặc sản này. Chồng và các con chị đi bắt, còn chị mang ra chợ bán. Vừa ăn vừa bán, mỗi ngày gia đình chị cũng có thu nhập từ 800.000 - 1 triệu đồng. Theo chị Hằng, loại to khoảng 3-4 con/kg, loại nhỏ thì khoảng 10-12 con/kg.
Chuột cống cũng lên bàn nhậu
Từng chứng kiến món thịt chuột cống, anh Trần Tứ (32 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa khỏi bàng hoàng. Anh Tứ kể, năm 2013, về tỉnh Bắc Ninh dự đám cưới một người bạn, anh tá hỏa khi phát hiện món anh ăn là thịt chuột cống, anh xanh mặt bỏ bát đũa chạy ra sau nhà móc họng nôn thốc, nôn tháo.
Theo lời kể của anh Chức, một tay bắt chuột có thâm niên, cứ đêm đến ở khắp các phố phường Hà Nội có rất nhiều tay thợ từ các tỉnh lân cận tìm về để bẫy chuột. Anh Chức cho biết thêm, chuột cống khi đem bán cho các nhà hàng đặc sản đã có giá 80-100 nghìn đồng/kg. Nhiều nhà hàng do khan chuột đồng đã nhập chuột cống về chế biến thành các món hấp dẫn như chuột rán, xào, nấu đông, giả cầy, luộc rắc lá chanh, rang muối...
Tôi cùng vợ chồng anh Chức lên phố Hòe Nhai, lúc này đồng hồ đã chỉ 2h sáng. Anh Chức bắt đầu đặt bẫy bắt chuột. Theo quan sát của PV, ở các vỉa hè chợ, lũ chuột bẩn thỉu, ướt át, to sù từ cống ngầm rồng rắn kéo ra. Trong chớp mắt, lưới được dựng ở cửa, cống. Suỵt, suỵt, suỵt... Tiếng anh Chức đuổi chuột. Rào! Rào! Rào! Tiếng sào tre chọc xuyên lòng cống. Lũ chuột chạy tán loạn, kêu chít chít. Thế là chúng sập bẫy. Anh dùng kìm là một mẩu sắt uốn tròn gắn trên đầu cây gậy gỗ để bẻ răng rồi vứt tọt từng con chuột cống vào trong rọ sắt. Anh Chức tiết lộ, mỗi ngày anh bắt được 30 kg chuột cống, có hôm bỏ túi 3 triệu đồng.