Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nêu lên một khả năng, đó là ông Vladimir Putin có thể thực hiện một số cuộc tấn công quy mô nhỏ, chẳng hạn tấn công mạng, nhưng cũng đủ gây phức tạp cho các biện pháp đối phó của Washington và đồng minh phương Tây.
"Không cuộc tấn công nào là nhỏ"
Giữa tuần qua, Tổng thống Biden hứng chỉ trích vì phát biểu cho rằng sự trả đũa đối với Nga sẽ tùy vào việc nước này có hành động gì với Ukraine. "Nếu đó là một cuộc tấn công nhỏ, chúng ta sẽ thảo luận nên hoặc không nên làm gì", ông nói.
Ông Biden nhấn mạnh rằng nếu “đơn vị quân đội nào của Nga di chuyển qua biên giới Ukraine, đó là một cuộc xâm lược". Khi đó, Moscow sẽ phải đối mặt với một “sự trả đũa kinh tế nghiêm ngặt và thống nhất (từ phương Tây)”.
Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại về quan điểm "quy mô nhỏ" của ông Biden. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nằm trong số này.
“Chúng tôi muốn nhắc nhở các cường quốc rằng không có cuộc xâm lược nào là nhỏ. Cũng như không có thương vong nào là nhỏ, tương tự với sự đau buồn trước mất mát về những người thân yêu”, ông nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters. |
“Điều này rất nguy hiểm”, Hạ nghị sĩ Liz Cheney, đảng viên Cộng hòa ở Wyoming và là đồng minh quan trọng của đảng Dân chủ trong một số vấn đề, bình luận về tuyên bố của Biden.
Gay gắt hơn, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Garcia ở California nói “Mỹ bật tín hiệu cho ông Putin tấn công Ukraine”.
Một khả năng để hạn chế hành động quân sự của Nga chính là việc nước này di chuyển lực lượng mặt đất rời khỏi biên giới, nhưng tiếp tục tăng cường hỗ trợ lực lượng ly khai đang kiểm soát khu vực Donbas, miền Đông Ukraine. Khu vực này chứng kiến nhiều vụ xung đột trong 8 năm qua, khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.
Tổng thống Biden cũng lưu ý "Nga có thể dùng chiến thuật bán quân sự để gây hấn, như tấn công 'vùng xám', điều động binh sĩ Nga không mặc quân phục để hành động".
Đồng minh châu Âu bối rối
Mỹ và các đồng minh châu Âu đều thống nhất sẽ trừng phạt nghiêm khắc nếu quân đội Nga tiến sâu vào Ukraine. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến trái chiều về việc lệnh trừng phạt sẽ nghiêng về tài chính hay là tác động chính trị nhiều hơn, và đâu là "giới hạn đỏ" để kích hoạt cấm vận.
Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định “bất kỳ cuộc tấn công nào vào Ukraine” đều sẽ là một thảm họa đối với Nga và thế giới, nhưng ông không nêu rõ phản ứng của phương Tây sẽ là gì.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói trước Quốc hội rằng chính phủ đã có một loạt các biện pháp trừng phạt sẵn sàng công bố. "Chính phủ Nga sẽ bị trừng phạt nếu vượt qua ranh giới", ông Wallace nói, nhưng không xác định ranh giới đó.
Một nhà ngoại giao Pháp cho biết phát biểu của ông Biden không đề cập việc "châu Âu đã đồng thuận" về những hậu quả mà Nga sẽ hứng chịu nếu xâm lược Ukraine.
Ngoại trưởng Anthony Blinken tuần qua đã trao đổi với những người đồng cấp châu Âu về tình hình Ukraine. Tuy nhiên, chưa bên nào nêu cụ thể những hoàn cảnh để tuyên bố cấm vận, cũng như hậu quả mà Nga sẽ đối mặt là gì, ngoài những cảnh báo chung chung.
Moscow từng đối mặt với lệnh trừng phạt quốc tế sau khi sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, cũng như bị cấm vận vì sự hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.
Một người lính Ukraine đứng ở chiến hào trên ranh giới ngăn cách phiến quân Nga ở Mariupol. Ảnh: AP. |
Yêu cầu then chốt của ông Putin đối với các nước phương Tây là NATO phải đảm bảo Ukraine sẽ không bao giờ được tham gia liên minh, nhưng Washington và các đồng minh bác bỏ hoàn toàn yêu cầu này.
Bên cạnh cảnh báo răn đe, Tổng thống Biden cũng lưu ý việc phối hợp thực hiện chiến lược trừng phạt sẽ còn phức tạp hơn. Trên thực tế, các hình phạt nhằm làm tê liệt hoạt động ngân hàng của Nga cũng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Mỹ và châu Âu.
“Vì vậy, tôi phải đảm bảo rằng mọi người đều thống nhất khi chúng ta cùng hành động”, ông nói.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeanne Shaheen đến thăm Ukraine hồi giữa tháng 1. Bà cho biết không có dấu hiệu rạn nứt giữa Mỹ với châu Âu về sự thống nhất trước từng nấc thang trong hành động của Nga để đưa ra phản ứng.
Trong một phân tích về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhà khoa học chính trị Seth Jones và cựu nhân viên CIA Philip Wasielewski đưa ra một số viễn cảnh có thể xảy ra trong trường hợp Nga tiến hành một cuộc tấn công toàn diện.
Các kịch bản bao gồm khả năng Nga đưa quân đội đến khu vực ly khai ở Donetsk và Luhansk với tư cách "những người gìn giữ hòa bình". Nga cũng có thể từ chối rút quân cho đến khi các cuộc đàm phán hòa bình kết thúc thành công.
“Tất cả kịch bản khác đều sẽ dẫn đến lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm trọng và ảnh hưởng đến kinh tế. Chúng cũng đi ngược lại với mục tiêu của Nga nhằm làm suy yếu NATO hoặc tách Mỹ khỏi các cam kết đối với an ninh châu Âu”, họ viết.