Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (ảnh nhỏ). |
- Thưa Chủ tịch, đội U19 Việt Nam kết thúc giải Hassanal Bolkiah 2014 với ngôi vị á quân. Ông đánh giá thế nào về màn trình diễn của đội ở giải?
- Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: 4 lần trước dự giải này, chúng ta đều bị loại sớm. Nhưng VFF vẫn cử đội U19 Việt Nam tham dự để tạo cơ hội rèn luyện thêm cho các cầu thủ trẻ, giúp họ hoàn thiện kỹ thuật, chiến thuật, tích lũy kinh nghiệm cho mục tiêu xa hơn. Cái được lớn nhất là các cầu thủ đã ý thức rõ ràng về khả năng của mình, biết mình mạnh yếu ở đâu để từ đó cải thiện và phát huy. Đội đã chơi một trận chung kết tốt, đạt yêu cầu. Nếu đội giành chức vô địch thì rất tốt, nhưng ngôi á quân cũng là đạt yêu cầu vì chúng ta không đặt nặng thành tích. Nếu đặt nặng thành tích, chúng ta đã không cử đội U19 Việt Nam dự giải. Và trước giải, VFF cũng không giao mục tiêu cho đội U19 Việt Nam. Tôi thấy, thất bại ở trận chung kết lại mang đến cho ta nhiều kinh nghiệm quý giá.
- Thời gian qua, nhiều quan điểm trái ngược từ các chuyên gia và các nhà báo cho rằng, U19 Việt Nam vẫn nằm trong quy luật “thử kêu – đốt xịt”. Chủ tịch nghĩ sao về ý kiến này?
- Mỗi người có góc nhìn riêng, những đóng góp tích cực và có tính xây dựng, cá nhân tôi và VFF sẽ lắng nghe một cách cầu thị. Nhưng có người “giậu đổ, bìm leo”, đội thua là xông vào chê bai đủ điều. Tôi thấy, những người chê là những người không làm, chỉ múa bút hoặc lên giọng thôi. Nói thật, những lời nói đó, tôi cũng không để ý vì những nhà chuyên môn, những HLV ấy đều thất bại trong sự nghiệp huấn luyện của họ. Tôi còn có câu chuyện vui thế này, một anh nhà báo gọi điện bảo: “Anh có xem em bình luận trên truyền hình không? Tôi bảo có, bình luận hay lắm, tốt lắm vì tôi cứ đoán ngược là y như rằng chính xác”.
- Nhưng rất có thể, những lời phê bình nặng nề đó sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của các cầu thủ trẻ, thưa Chủ tịch?
- Tôi không nghĩ những lời chỉ trích thiếu sự đồng cảm ấy có thể tác động nhiều đến tâm lý các em vì thật sự, các em cũng được đào tạo để vượt qua sức ép ấy một cách khoa học. Trong bóng đá, có người thích triết lý này, người mê mô hình kia nhưng xây dựng một nền bóng đá, đào tạo cầu thủ trẻ cần phải có phương pháp phù hợp với điều kiện. Năm 2000, Singapore triển khai dự án Xổ số bóng đá, họ đặt mục tiêu vào VCK World Cup 2010 và thuê chuyên gia Hà Lan. Họ có nền tảng tài chính vững chắc, được chính phủ hùng mạnh hậu thuẫn mà còn không thành công. Nhưng chẳng có ai trách móc gì cả. Có làm mới thấy khó, chứ nếu ai nói mà cũng làm được thì CLB nào giờ chẳng thành M.U, Barca, Real, Bayern hết, đội nào cũng vô địch thế giới rồi.- Tuần qua, đại diện của một CLB châu Âu đã đến TP.HCM để làm việc với Chủ tịch. Xin ông cho biết kết quả của cuộc làm việc ấy?
- Đó là đại diện của CLB Feyenoord (Hà Lan). Họ tới TP.HCM gặp tôi để bàn bạc về phương án hợp tác giữa hai bên. Họ đánh giá rất cao tiềm năng và khả năng đào tạo trẻ ở Việt Nam. Feyenoord cũng là tên tuổi lớn trong việc đào tạo cầu thủ trẻ, đặc biệt, ở ĐT Hà Lan dự World Cup 2014 vừa rồi, có 5 cầu thủ đến từ CLB này (đó là chưa kể Robin van Persie cũng xuất thân từ đây). Họ đánh giá cao chúng ta và nhờ tôi giới thiệu cho một số CLB để hợp tác.
- Chiến thắng ấn tượng 5-1 trước U19 Australia (năm 2013) của các cầu thủ trẻ Việt Nam đã khiến báo chí thế giới nói rất nhiều về sự tiến bộ trong đào tạo của bóng đá chúng ta. Vậy các đối tác nước ngoài đã nói gì với ông?
- Vừa rồi có một đội bóng lớn ở Anh sang gặp tôi và đề nghị giúp đỡ để mua 2 cầu thủ trẻ của U19 Việt Nam về thi đấu cho đội trẻ của họ. Tôi thì phân vân, còn anh Đoàn Nguyên Đức bảo không bán vì chẳng cần tiền. Mặt khác, các cầu thủ đã tập luyện với nhau được 7-8 năm rồi, đội hình đang thống nhất và ổn định, không nên phá vỡ. Anh Đoàn Nguyên Đức cũng sẽ đôn lứa cầu thủ này lên thi đấu ở V.League 2015 nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm.
Một đội bóng lớn ở Anh đã sang gặp ông Dũng và đề nghị giúp đỡ để mua 2 cầu thủ trẻ của U19 Việt Nam về thi đấu cho đội trẻ. |
- Vậy kế hoạch của đội U19 Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa Chủ tịch?
- Tới đây, đội sẽ dự giải vô địch U19 Đông Nam Á 2014 và tiếp tục tập luyện, cải thiện, chỉnh sửa hợp lý cho tương lai mà mục tiêu tiếp theo là VCK U19 châu Á ở Myanmar, SEA Games 2015, 2017 và xa hơn nữa. Theo tôi, đây là lứa cầu thủ được đào tạo bài bản nhất từ trước đến nay. Anh Đoàn Nguyên Đức đã làm đúng, đào tạo bài bản, toàn diện, không chỉ về bóng đá mà còn về văn hóa, ngoại ngữ, với giáo án, kinh nghiệm của đội bóng lớn hàng đầu thế giới là Arsenal. Chúng ta cần thêm những mô hình học viện như HA.GL – Arsenal JMG. Mục tiêu của VFF trong nhiệm kỳ này là có thêm 1 hoặc 2 học viện như HA.GL, tạo đà cho tương lai.
- Xin hỏi Chủ tịch câu cuối: Hình ảnh làm Chủ tịch xúc động nhất ở giải Hassanal Bolkiah 2014 là gì?
- Tôi hài lòng với màn trình diễn của toàn đội, hàng công chơi tương đối tốt nhưng vẫn còn nhiều điểm cần phải cải thiện thêm. Tôi rất xúc động khi VTV phát chương trình thể thao có cảnh NHM ở Nhà văn hóa Thanh niên (TP.HCM) đội mưa xem U19 Việt Nam thi đấu. Có CĐV còn khóc nức nở vì tiếc nuối nhưng vẫn rất tự hào về các cầu thủ trẻ. Đó là hình ảnh tuyệt vời, tiêu biểu về hình ảnh CĐV chân chính. Có người muốn chê bai thì cứ chê bai, còn người quản lý không được chùn bước và phải kiên trì đi theo con đường mình đã chọn!