Công Phượng và Văn Quyến thuộc số ít cầu thủ mang tới nhiều cảm xúc nhất cho người hâm mộ Việt Nam vài chục năm trở lại đây. Cả hai đều lớn lên từ Nghệ An, thi đấu ở vị trí “số 10”. Họ sáng tạo, kỹ thuật, giàu đột biến. Thứ bóng đá của họ nhiều cảm hứng, mang tới xúc cảm cho người hâm mộ. Cả hai đều có khả năng bùng nổ ở những thời khắc quyết định.
Công Phượng đang làm mới mình ở CLB TP.HCM sau những chuyến xuất ngoại thất bại trong vài năm qua. Ảnh: Duy Anh. |
Một chút Văn Quyến
Với Văn Quyến, đó là điều không cần bàn cãi. Sự nghiệp của anh ngắn ngủi nhưng rực sáng. 16 tuổi, Văn Quyến đã cùng U16 Việt Nam vào tốp 4 châu Á. Lên U23, Văn Quyến nhiều lần phá lưới Thái Lan và Malaysia tại SEA Games, sút tung lưới tuyển Hàn Quốc vừa giành hạng 4 World Cup.
Ở cấp độ thấp hơn, Phượng cũng có “một chút” của Văn Quyến. Anh hai lần khiến người Australia phải ôm hận ở cấp độ U19, từng chơi những trận xuất thần trước Malaysia tại SEA Games, ghi 2 bàn ở Asian Cup 2019.
Cựu HLV trưởng SLNA Nguyễn Thành Vinh cho rằng: “Ở Nghệ An trước đây, chúng tôi thường nói Công Phượng có nhiều nét giống như Văn Quyến của SLNA. Đó là tài năng mà nếu được đào tạo và chăm sóc đúng mực, cậu ấy sẽ phát triển hơn”.
Họ có nhiều ưu điểm giống nhau và cũng chia sẻ những điểm yếu tương tự. Văn Quyến ngày còn chơi bóng thường bị chê lười phòng ngự, ít di chuyển. Đó cũng là nhược điểm của Công Phượng, người chưa từng được đánh giá cao về thể lực cũng như tư duy chiến thuật. Hạn chế ấy của Công Phượng đã được không ít HLV, chuyên gia cả trong và ngoài nước nói tới.
Trong khi đó, Công Phượng chưa đủ xuất chúng để che lấp những hạn chế của mình. Anh có một chút chứ không phải tất cả tài năng của Văn Quyến.
Văn Quyến ngày còn thi đấu là cầu thủ có khả năng bùng nổ và định đoạt trận đấu hay nhất của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Getty. |
Điều còn thiếu của Công Phượng
Thứ bóng đá đầy cảm hứng và sáng tạo từng giúp Công Phượng được so sánh với Văn Quyến, từng giúp anh làm nên tên tuổi ở các đội trẻ là không đủ cho Công Phượng trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp khắc nghiệt.
So với các đồng đội và đàn em cùng thế hệ, Công Phượng là người lên tuyển sớm nhất khi được HLV Toshiya Miura triệu tập hồi năm 2015. Ngày đó, anh là lựa chọn thứ 3 sau Lê Công Vinh và Nguyễn Văn Quyết. Ở trận gần nhất của tuyển Việt Nam với Thái Lan hồi tháng 11/2019, Công Phượng vẫn chỉ là lựa chọn thứ 3.
Nghĩa là suốt 5 năm đã qua, vị trí của anh ở đội tuyển quốc gia gần như không được cải thiện.
5 năm ấy, Phượng chỉ lấy được vị trí chính thức ở một giải Asian Cup khi Anh Đức, Văn Quyết không lên tuyển còn Tiến Linh chưa có vị trí. Còn lại, anh đều dự bị hoặc cho người này hoặc cho người khác. Anh lần lượt bị đồng đội và đàn em vượt mặt ở đội tuyển. Ít tuổi hơn Phượng, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng, Nguyễn Quang Hải đều đang là trụ cột tại tuyển quốc gia.
Ít tuổi hơn Công Phượng, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng, Nguyễn Quang Hải... đều đang là trụ cột tại tuyển quốc gia.
Những thứ làm nên tên tuổi Công Phượng ở đội trẻ trở thành rào cản với anh tại đội tuyển quốc gia. Lối chơi cầm bóng có phần bản năng giúp Phượng thăng hoa ở các giải trẻ không phát được hiệu quả ở trình độ đội tuyển, trước những đối thủ lọc lõi và kinh nghiệm hơn. HLV Toshiya Miura và Park Hang-seo không xếp Phượng đá chính vì những hạn chế về thể lực, chiến thuật và khả năng hỗ trợ phòng ngự. HLV Nguyễn Hữu Thắng dù rất ưu ái HAGL cũng phải để Công Phượng ngồi ngoài.
Ở độ tuổi phát triển quan trọng nhất, Phượng lẽ ra phải được uốn nắn, chỉ bảo để hoàn thiện từng bước. Tuy nhiên, anh không gắn bó với nơi nào đủ lâu để trang bị đủ những điều mình cần. 5 năm từ khi lên chuyên nghiệp, Phượng đã khoác áo 4 CLB khác nhau, không ở đâu quá 2 mùa giải. TP.HCM là đội bóng thứ 5 trong sự nghiệp của Phượng.
Sau những chuyến xuất ngoại, không nhiều người kỳ vọng Công Phượng làm nên chuyện ở đội bóng vừa giành á quân V.League mùa trước. Nhưng dường như vận may cuối cùng đã mỉm cười với anh.
Công Phượng và Phi Sơn đang trở thành cặp bài trùng mới ở CLB TP.HCM. Ảnh: Duy Anh. |
Tìm thấy hy vọng với thầy Hàn
Những tín hiệu tích cực đã có ở TP.HCM trong giai đoạn đầu mùa giải có lẽ là điều mà Công Phượng và bầu Đức hoàn toàn không lường tới. Tại đây, Phượng dường như đã tìm được mọi thứ anh cần.
Rời khỏi tổ ấm HAGL, bước tới đội bóng xa lạ, làm việc trong môi trường kỷ luật của HLV Chung Hae-seong, Phượng đã bất ngờ chơi khởi sắc. Thành công bước đầu của Phượng với HLV Chung gợi nhớ thời kỳ bùng nổ của anh với HLV Toshiya Miura tại U23 Việt Nam. Tính kỷ luật và sự chuyên nghiệp của những chuyên gia ngoại này dường như là chất xúc tác cần thiết cộng hưởng với sự sáng tạo của Công Phượng.
Tại TP.HCM, Công Phượng chơi đơn giản, kỷ luật hơn. Anh nhường vị trí “số 10” cho Phi Sơn, tiến gần vị trí đá cắm. Phượng chạm bóng ít hơn nhưng hiệu quả hơn, rê dắt ít hơn nhưng hợp lý hơn.
Cũng tại TP.HCM, Phượng lần đầu tiên được chơi bóng trong một môi trường có nhiều đồng hương Nghệ An, lần đầu tiên được đá cặp với một cầu thủ có cùng phong cách với mình là Trần Phi Sơn. Sự kết hợp của hai cầu thủ ham rê dắt bậc nhất Việt Nam hóa ra lại mang tới hiệu quả không ngờ.
Chia sẻ với báo giới, Phi Sơn từng nói về Công Phượng: “Khi Phượng mới về, Sơn đã nói chuyện với Phượng nhiều hơn. Phượng cũng chia sẻ với Sơn. Hai người đều hiểu lối chơi của nhau nên cũng dễ để Phượng và Sơn hòa nhập. Không chỉ bóng đá, chúng tôi còn chia sẻ với nhau, nói chuyện với nhau nhiều để hiểu nhau”.
“Phượng là cầu thủ có thể gây đột biến, Sơn rất tin tưởng Phượng. Có lúc người ta kèm Phượng sát và Sơn lại có khoảng trống. Hai anh em đều cố làm sao vì nhau, vì đội bóng cho tốt nhất kể cả không ghi bàn cũng được, miễn là chúng tôi giúp nhau để đội bóng chiến thắng”, Phi Sơn nói.
7 trận tại TP.HCM mùa này, Công Phượng đã có 3 bàn, 1 kiến tạo. Anh có lẽ đang ở thời điểm phong độ cao nhất sự nghiệp dù mới gia nhập đội bóng này.