Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Một chương trình nhiều sách giáo khoa cần hết sức thận trọng'

Một số đại biểu Quốc hội cùng quan điểm sách giáo khoa sử dụng một lần gây lãng phí lớn đối với gia đình, xã hội.

Chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Giáo dục (sửa đổi). Nhiều đại biểu quan tâm vấn đề áp dụng một chương trình nhiều sách giáo khoa (SGK)...

Không thể chạy theo nhóm lợi ích khi in SGK

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng giáo dục phổ thông cần thống nhất chung cả nước, không thể quy định chỗ này, chỗ kia được thêm vào chương trình giáo dục mà không ghi rõ là chương trình nhiều hay ít, thời lượng thế nào, chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm.

"Có những chương trình đưa ra thực nghiệm mà vừa rồi nói là Công nghệ Giáo dục, mỗi nơi dạy một kiểu. Trường nào muốn dạy thì dạy, không muốn dạy là thôi. Tôi nghĩ cùng hệ thống giáo dục quốc dân, thậm chí trong một địa phương mà có trường dạy, trường không dạy. Bộ Giáo dục giải thích nhiều kiểu, nhiều chiều nhưng tôi thấy chưa hài lòng", ông Hòa nêu quan điểm.

Theo đại biểu Hòa, muốn chương trình thực nghiệm đưa ra giảng dạy đại trà, cơ quan chức năng phải có tổng kết, rút kinh nghiệm. Ông cho rằng từ chỗ nhiều SGK dẫn đến tùy tiện trong chọn lựa sách. Do đó, SGK thiếu cục bộ, có nơi thừa SGK môn này, chỗ lại thiếu môn khác.

Mot chuong trinh nhieu sach giao khoa anh 1
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng cần thận trọng, chặt chẽ khi áp dụng một chương trình nhiều SGK. Ảnh: Bảo Lâm.

Đại biểu này dẫn chứng tỉnh Đồng Tháp vừa rồi thiếu sách Toán, chữ tiếng Việt của lớp 1, lớp 10. Địa phương tìm các tỉnh lân cận, rồi lên TP.HCM mua cũng không có. Lý do được đưa ra là đến lúc khai giảng, giáo viên, nhà trường mới thông báo cho học sinh, phụ huynh biết học theo chương trình, SGK này, lúc đó ra thị trường mua không có nữa.

"Đây là vấn đề hết sức bất cập. Do đó, nếu thực hiện một chương trình nhiều SKG phải có quy định hết sức chặt chẽ, thận trọng. Sử dụng SGK một lần hay nhiều lần? Hiện, các giáo sư biên soạn SGK áp dụng theo mô hình học tiên tiến của thế giới để minh họa hình ảnh rất phù hợp, rất tốt", ông Phạm Văn Hòa nói.

Tuy nhiên, Ủy viên Ủy ban Pháp luật cũng phân tích từ chỗ minh họa hình ảnh để học sinh dễ hiểu này, dẫn đến SGK chỉ sử dụng được một năm vì trong chương trình dạy, sách chính có ô trống, bài tập.

Băn khoăn về những bất cập, đại biểu Đồng Tháp nhìn nhận bây giờ, học sinh làm bài tập trong sách, rồi chấm điểm luôn nên SGK chỉ sử dụng được một lần.

"SGK nên sử dụng nhiều lần để đỡ tốn tiền của gia đình, xã hội, ngân sách thì phù hợp hơn, không thể theo kiểu cạnh tranh SGK với nhau vì lợi ích của nhóm nào đó. Mỗi năm lại bỏ SGK gây lãng phí nguồn lực vô cùng lớn", ông Hòa nhấn mạnh.

"Không phải thích dạy con người ta cái gì cũng được"

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) bày tỏ lo ngại về vấn đề biên soạn SGK. Ông Sinh phân tích nếu thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, quy trình lựa chọn SGK phải là quy trình chuẩn.

"Trong dự thảo luật, vai trò quản lý Nhà nước chưa thể hiện. Việc ổn định trong công tác giảng dạy rất khó đảm bảo vì không được quy định rõ trong luật. Nếu có chuyện vụ lợi thì không kiểm soát được", ông Sinh bày tỏ.

Mot chuong trinh nhieu sach giao khoa anh 2
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình). Ảnh: Duy Ngọc.

Đại biểu Sinh đưa vấn đề cụ thể SGK Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Thực tế, phương pháp của GS Đại được áp dụng ở tỉnh này, bỏ ở tỉnh khác, rất phức tạp.

Ông thừa nhận đưa phương pháp dạy tiếng Việt này vào giáo dục đại trà có nhiều ưu điểm, nhưng phải có quyết định rõ ràng về việc đi theo hướng này không. Sau đó phải có quy trình chuẩn, xác định ai được quyền quyết định triển khai việc giảng dạy theo sách Công nghệ Giáo dục chứ không thể để cho hiệu trưởng mỗi trường tự quyết.

"Qua vụ sách vuông vuông, tròn tròn này thấy chỉ chuyện sử dụng SGK đã tranh cãi phức tạp như vậy rồi. Ngành giáo dục cần chú ý quan tâm ý kiến của phụ huynh, không phải thích dạy con người ta cái gì cũng được, nếu không sẽ xảy ra những bất ổn về xã hội như thế", ông Sinh nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận sách giáo khoa gây lãng phí Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về tình trạng lãng phí sách giáo khoa và cho biết sẽ khắc phục trong quá trình biên soạn sách mới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình về tiêu cực thi cử, sách giáo khoa

Bộ trưởng GD&ĐT thừa nhận kỳ thi THPT quốc gia còn nhiều bất cập. Bộ sẽ giữ ổn định, đồng thời khắc phục hạn chế trong kỳ thi sắp tới. Ông cũng đề cập sách giáo khoa mới.

250 tỷ đồng chiết khấu và những con số bất cập về sách giáo khoa

199 đầu sách, hơn 100 triệu bản in, doanh thu đạt 703 tỷ đồng, chiết khấu 250 tỷ đồng và lỗ 40 tỷ đồng là những con số đáng chú ý về phát hành sách giáo khoa (SGK) năm 2017.

Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm