Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một cách nhìn về người trí thức hôm nay

Trong tiểu thuyết "Vạn sắc hư vô", cái ăn cái mặc, việc làm với người trí thức hiện đại không còn là mối lo lắng thường trực nữa. Thay vào đó là “nơi chốn”.

Viết về người trí thức trong văn học Việt vốn không phải là điều hiếm hoi gì. Xa thì có Sống mòn của Nam Cao, Lan Hữu của Nhượng Tống, các nhân vật tầng lớp trên trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng… Gần hơn có thể kể đến các tác phẩm như Thời xa vắng của Lê Lựu, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà... Gần hơn nữa là Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.

Có thể thấy các tác phẩm viết về người trí thức trước đây thường xoay quanh những chủ đề nhân phẩm, sự đấu tranh giữ lấy phần lương thiện trong mỗi người. Ở tình thế có học, nhiều chữ, họ không thể hồn nhiên sống với muôn trạng đời sống hiện tại. Họ nhìn các tầng lớp người xung quanh trong nỗi thèm khát, ghen tị, lẫn đôi chút khinh ghét.

Trước mỗi cảnh huống diễn ra hàng ngày họ luôn luôn đắn đo, cân nhắc, hành xử đúng sai. Trước mỗi biến thiên thời cuộc họ khó thích nghi với cuộc sống mới, thường hoài nhớ cái cũ, cái đã diễn ra. Họ cũng suy nghĩ về tính dục, nhưng chỉ là tính dục đơn thuần nam nữ, trong khuôn khổ giằng níu của Nho giáo. Và tính dục cũng không phải là chủ đề chính mà các tác phẩm viết về người trí thức trước đây thường hướng đến.

Nguoi tri thuc anh 1

Sách Vạn sắc hư vô. Ảnh: T.Đ.

Tính dục mở đến cái tôi

Cũng viết về người trí thức, nhưng ở tiểu thuyết mới Vạn sắc hư vô - tác giả Nguyễn Khắc Ngân Vi - đã vượt ra được cái khung chung viết về người trí thức trước đây: Đó là đi sâu vào tính dục, để từ đó mở ra cái tôi đầy rẫy tổn thương của người trí thức trẻ trong xã hội hiện đại biến đổi từng giờ.

Tính dục ở đây không chỉ đơn thuần là nam và nữ mà nó là tính dục ở thể lưỡng tính, có xu hướng tình dục với cả hai giới. Chỉ Kỳ, nhân vật chính của tiểu thuyết, có một người chồng hơn nhiều tuổi sống cùng, đồng thời cô cũng có quan hệ tình cảm với Nhàn - người dạy Hán ngữ của mình.

Cô hầu như không có quá khứ, không bận tâm tới quá khứ, mọi thứ chỉ có hiện tại. Mà hiện tại là tìm kiếm cái “tôi” trong các hoạt động nghĩ về cái chết, tìm đến cái chết cùng các chất kích thích - từ bia rượu đến ma túy và cuối cùng là tình dục. Tương lai của Chỉ Kỳ mờ mịt không lối thoát, bản thân không biết mình muốn gì cần gì, cuối cùng gieo mình từ tầng thượng nhà hàng xuống kết thúc mọi sự.

Trái ngược với Chỉ Kỳ, là Nhàn - giảng viên đại học khoa tiếng Trung, từng đi du học. Nhàn có một quá khứ rõ ràng, rành mạch với đằng nội theo đạo Phật và đằng ngoại theo Thiên Chúa. Cô có những mùa hè êm ả nơi làng quê với những người phụ nữ có giới tính bất bình thường là dì Nữ (một nữ tu nhưng thích mặc đồ màu hồng) và Lam - người phụ nữ có vóc dáng lớn như đàn ông, hay mặc áo khoác da màu đen, đi môtô phân khối lớn.

Mầm mống sự bất thường được đẩy lên cao trào khi cô biết dì Nữ và Lam có quan hệ với nhau. Đến cuối cùng cả hai bỏ trốn khỏi làng quê đầy rẫy phán xét, tránh ánh mắt nghi kị, xét nét của mọi người.

Quá khứ của Nhàn còn là cảnh gia đình không hạnh phúc. Ba cô, chủ thầu xây dựng thất bại tụt xuống thợ hồ luôn luôn sống với những người phụ nữ mới, ở trong những căn nhà xây dở ngổn ngang vôi vữa sắt thép. Còn mẹ cô dửng dưng sống với ba đứa con đã trót sinh ra, mặc kệ đời sống suy nghĩ của chúng, cuối cùng vùi đầu vào bài bạc.

Cô gồng lên giống một người đàn ông để vượt qua nghịch cảnh gặp phải. Cho đến khi gặp Chỉ Kỳ thì Nhàn mới phát hiện ra con người thật của mình. Cô dần dần biết yêu thương, giận hờn, lệ thuộc vào cảm xúc của người mình yêu.

Nhàn biến đổi thành Chỉ Kỳ phẩy lúc nào không biết; cũng sống hết mình cho hiện tại, mặc dù chẳng cắt đứt hẳn được với quá khứ dằng dai phía sau, với người thân lúc nào cũng bíu lấy cô như một phao cứu sinh trong cuộc sống nơi Sài thành đô hội.

Mối bận tâm về “nơi chốn”

Trong tiểu thuyết Vạn sắc hư vô, cái ăn cái mặc, việc làm với người trí thức hiện đại không còn là mối lo lắng thường trực nữa. Thay vào đó là “nơi chốn”.

Nguoi tri thuc anh 2

Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi. Ảnh: Tang Tang/FBNV.

Nhân vật Nhàn mong ước có được một ngôi nhà cho riêng mình. Vì từ bé gia đình cô đã sống trong ngôi nhà chung của ông nội. Lớn lên là những ngôi nhà thuê tạm bợ vất vưởng từ quận này sang quận khác. Có lúc cả gia đình phải ở tạm trong sạp bán hàng ở chợ.

“Nơi chốn” cũng luôn luôn là mối quan tâm của Chỉ Kỳ. Cô luôn luôn hối thúc Nhàn phải có được một ngôi nhà mà mình đứng tên làm chủ. Và chắc chắn rằng tìm kiếm “nơi chốn” cũng là cách để nhân vật nhìn rõ, định danh được bản thể sống của mình.

“Nơi chốn” là mục đích cũng là điều hướng đến. Oái oăm thay, ngay kể cả khi có “nơi chốn” rồi người trí thức vẫn chẳng thể yên với “nơi chốn” ấy. Như Chỉ Kỳ, có căn hộ đứng tên mình rồi vẫn thường xuyên thấy bất an. Vì “nơi chốn” của cô do chồng cô mang lại, cô luôn luôn băn khoăn về di chúc nếu một ngày chồng qua đời. Thế “nơi chốn” thực sự của cô ở đâu?

Có thể nói điều đọng lại cuối cùng nơi cuốn tiểu thuyết là các mảnh ghép nhân vật đan chéo qua nhau. Là Chỉ Kỳ, người chồng, Nhàn, Thu, Nhuân, Mây, Lam, dì Nữ, Thụy Miên... Họ là những trí thức trẻ, sống hiện sinh, phá phách, chiều cảm xúc của mình.

Nhưng rốt cuộc cảm xúc dẫn họ đi đâu trong thế giới đang tan vỡ này. Tưởng rằng họ đang có đầy đủ phương tiện để làm chủ cuộc đời mình. Nhưng soi kĩ lại, hình như họ chẳng có gì để đề phòng các biến cố đang trực ập đến…

Viết lời yêu cho đạo Mẫu trong ‘Tứ phủ’ của Hoàng Thùy Linh

Ngân Vi - tác giả lời thơ trong ca khúc "Tứ phủ" - không mô phỏng lại đạo Mẫu mà lồng ghép vào tác phẩm câu chuyện tình cảm của người phụ nữ.

Chân dung nhiều mặt của 'Đàn bà vui buồn bé mọn'

Đọc "Đàn bà vui buồn bé mọn", đàn bà như soi gương để thấy mình trong đó, còn đàn ông thì đọc để hiểu, và yêu hơn... đàn bà.

Mộc Uyển

Bạn có thể quan tâm