Sáng 13/3, tại xã Cam Hải Đông huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Chiều 12/3, ông Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết:
- Trận chiến lịch sử rạng sáng 14/3/1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng các công trình nhằm phục vụ đời sống của quân dân Việt Nam ở quần đảo Trường Sa thì bị tàu chiến Trung Quốc được trang bị vũ khí tấn công.
Ông Đặng Ngọc Tùng. |
Cuộc chiến không cân sức diễn ra khi các chiến sĩ hải quân Việt Nam không sử dụng vũ khí trong tay đã đứng thành vòng tròn để lấy thân mình bảo vệ cờ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của đất nước, quyết tâm giữ cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma.
64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương... Máu và thân xác các anh đã hòa cùng sóng biển, nhưng tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh sẽ mãi là những thiên sử anh hùng, bất diệt.
Chúng tôi muốn kêu gọi mọi người dân Việt hãy đặt quyền lợi của Tổ quốc, của dân tộc lên trên hết; hãy phát huy tinh thần của các chiến sĩ Gạc Ma, là trong ý chí của mọi người dân Việt Nam đều luôn có quyết tâm giành lại và bảo vệ bằng được Hoàng Sa, Trường Sa máu thịt của chúng ta
Ông Đặng Ngọc Tùng
- Thưa ông, ý nghĩa của khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là gì?
- Điều đau đớn nhất là 64 liệt sĩ đã ngã xuống, nhưng mình chỉ tìm được số ít hài cốt của các anh, bởi hầu hết các chiến sĩ còn kẹt lại trong tàu.
Do vậy, từ rất lâu, chúng tôi đã có ý tưởng phải xây dựng một khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma để ghi công các anh, để mọi thân nhân liệt sĩ Gạc Ma nói riêng, liệt sĩ ở Trường Sa và những người đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam nói chung có một nơi để đi về, tưởng nhớ các anh.
Đồng thời, đây cũng là nơi để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau của Việt Nam, rằng Gạc Ma là của Việt Nam, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa, chiếm Gạc Ma và một số đảo ở Trường Sa chỉ là sự xâm chiếm tạm thời, các thế hệ người Việt Nam có trách nhiệm phải đòi lại được lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Khu tưởng niệm này sẽ ôm tất cả những người con đất Việt khắp nơi trên thế giới để cùng nhìn về một hướng.
Tôi hy vọng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sau khi hoàn thành sẽ trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta, biểu tượng tình đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
- Trong chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” được tổ chức tại Đà Nẵng cũng vào thời điểm này năm 2014, ông có nhắc đến sự hòa hợp dân tộc trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có sự kiện 74 người lính Việt Nam cộng hòa ngã xuống năm 1974 ở Hoàng Sa. Thêm nữa, bảo vệ Trường Sa đâu chỉ có những chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma, mà còn nhiều người đã hy sinh ở những đảo khác. Tại sao công trình này không phải là một khu tưởng niệm chung, mà chỉ là tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, thưa ông?
- Câu hỏi này nhiều người đã đặt ra và chúng tôi cũng suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Đúng là để bảo vệ Trường Sa, có nhiều chiến sĩ của ta đã ngã xuống, nhưng chính trận chiến đấu oai hùng ở Gạc Ma, chính “vòng tròn bất tử” ấy là linh hồn, tượng trưng cho ý chí của cả dân tộc Việt Nam là quyết bảo vệ đến cùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Chị Phạm Thị Ninh, vợ liệt sĩ Phan Huy Sơn hy sinh tại Gạc Ma, không kìm được xúc động tại cuộc giao lưu “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” tổ chức tại Đà Nẵng tháng 3/2014. |
Có người còn đặt vấn đề sao không xây dựng công trình này ở Trường Sa mà xây dựng ở đất liền, lại chọn ở Khánh Hòa? Tôi xin nói là huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, còn xây dựng ở đất liền là tạo điều kiện cho mọi người Việt khắp nơi trên thế giới, mọi người yêu chuộng hòa bình được đến để thắp nén hương viếng các chiến sĩ đã hy sinh.
Tôi cũng nhận thấy rằng bây giờ hầu như mọi người Việt Nam đều không phân biệt ngày trước anh thuộc chế độ này, tôi thuộc chế độ kia nữa, mà ai cũng nghĩ rằng hễ là người lính bảo vệ chủ quyền đất nước đều đáng được trân trọng.
Cho nên, nếu chương trình này được tiếp tục thì với sự góp “gạch” của mọi người, tương lai chúng ta có thể xây dựng một công trình tưởng nhớ những người đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa tại một vị trí thích hợp, như đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi chẳng hạn.
Đó không chỉ là mong muốn của ngư dân, công nhân lao động Việt Nam, mà tôi nghĩ là tâm tư, nguyện vọng của mọi người Việt Nam.
- Ông suy nghĩ gì khi chúng ta tổ chức buổi lễ đặt viên đá để xây dựng công trình khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma thì ngoài kia, ngay chính trên đảo Gạc Ma và một số đảo khác mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép, họ đang cải tạo, xây dựng kiên cố với tốc độ chóng mặt để hiện thực hóa âm mưu độc chiếm biển Đông?
- Thời gian gần đây, chúng ta thấy rõ âm mưu của Trung Quốc là đang xây dựng rất nhanh, rất mạnh ở Trường Sa, biến các đảo mà họ cưỡng đoạt của Việt Nam, biến đảo chìm thành đảo nổi, đảo nhỏ thành đảo to, kiên cố, xây dựng sân bay và các công trình quân sự ở đó.
Đây là một điều rất nguy hiểm đối với sự hòa bình, ổn định an toàn hàng hải trên biển Đông và là mối nguy hiểm rất lớn đối với Việt Nam. Là người dân Việt Nam, không ai không lo lắng trước vấn đề này.
Cho nên, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, Chính phủ phải quốc tế hóa vấn đề biển Đông, đến thời kỳ chín muồi cần thiết đưa vấn đề này ra luật pháp quốc tế.
Đảng đoàn Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từng kiến nghị trung ương cần thiết phải nghiên cứu sớm đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa ra Tòa án công pháp quốc tế, đưa việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam ra Tòa án trọng tài quốc tế. Đây là biện pháp hòa bình hiệu quả nhất để bảo vệ chủ quyền quốc gia.