Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Montenegro lao đao vì dính 'núi nợ' với Trung Quốc

Trước áp lực hoàn trả khoản vay gần một tỷ USD cho chủ nợ Trung Quốc, Montenegro buộc phải cầu viện Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ. Tuy nhiên, đề nghị này bị bác bỏ thẳng thừng.

eu khong tra no thay Montenegro anh 1

Montenegro hồi tháng trước phải lên tiếng cầu viện EU tái cấp tài chính cho khoản vay sắp đến hạn thanh toán cho Trung Quốc trị giá gần một tỷ USD, trong một dự án xây đường cao tốc bị cho là đắt đỏ nhất thế giới.

Trước khẩn cầu từ Montenegro, EU vào đầu tuần này thẳng thừng từ chối giúp trả nợ thay - điều mà các nhà quan sát cho rằng khối này có thể tự làm mất cơ hội ngăn chặn sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Tây Balkan.

Dính nợ với Trung Quốc

Sự việc xuất phát từ khoản vay mà chính phủ Montenegro ký với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc hồi năm 2014, trị giá gần một tỷ USD, để phục vụ việc xây dựng đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Montenegro - Serbia.

“Đối với cơ sở hạ tầng, chúng tôi đang dựa vào Trung Quốc”, Bộ trưởng Tài chính Montenegro Milojko Spajic cho biết.

Mặc dù việc xây dựng tuyến cao tốc hay bị hoãn, khoản trả nợ đầu tiên sẽ đến hạn thanh toán vào tháng 7.

eu khong tra no thay Montenegro anh 2

Dự án cao tốc Bar - Boljare nối Montenegro và Serbia đang được xây dựng. Ảnh: Reuters.

Nếu Montenegro không có khả năng chi trả, Trung Quốc sẽ có quyền tiếp cận đất đai của Montenegro làm tài sản thế chấp theo các điều khoản của hợp đồng, Financial Times cho biết.

Theo số liệu được Nghị viện châu Âu trích dẫn, khoản vay này đã làm tăng tỷ lệ nợ công ở Montenegro từ 65,9% lên 80% GDP. Vào năm ngoái, Montenegro đã có khoản nợ 4,33 tỷ euro (khoảng 103% GDP).

Để bù đắp chi phí, nước này phải huy động tiền từ các khoản khác, như thuế giá trị gia tăng 21% đối với các hoạt động phi du lịch.

Reuters cho hay khả năng trả nợ ngày càng xa vời trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây tổn hại nghiêm trọng với nguồn thu chủ yếu từ du lịch của Montenegro.

Hồi tháng 3, trong bài phát biểu trước Ủy ban đối ngoại của Nghị viện châu Âu, Phó thủ tướng Montenegro Dritan Abazovic đề nghị thay thế khoản nợ nói trên bằng khoản tín dụng từ các ngân hàng ở châu Âu. Điều này có thể giúp Montenegro giảm bớt ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Ngày 11/4, trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, Bộ trưởng Tài chính Spajic cho biết khoản tiền này chẳng đáng là bao đối với EU.

Đáp lại, trong phát biểu ngày 12/4, Người phát ngôn EU về đối ngoại và an ninh Peter Stano nói rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ "không hoàn trả khoản vay từ bên thứ ba của các đối tác". Đồng thời, ông cũng bày tỏ lo ngại "tác động về kinh tế - xã hội và tài chính mà khoản đầu tư của Trung Quốc tại Montenegro có thể gây ra".

eu khong tra no thay Montenegro anh 3

Người phát ngôn EU về đối ngoại và an ninh Peter Stano. Ảnh: Agenda.ge

Trung Quốc, quốc gia đang nắm giữ phần lớn số nợ của Montenegro, bị cáo buộc triển khai dự án này như một phần của “chính sách ngoại giao bẫy nợ”, thông qua việc cung cấp vốn vay hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế ở các quốc gia đang phát triển.

Phía Trung Quốc phản bác

Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc trên, nói không có ràng buộc trong các khoản vay dành cho những nước đang phát triển.

Ngày 14/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Montenegro khẳng định khoản vay từ Bắc Kinh không phải là nguyên nhân khiến tình trạng nợ công của quốc gia Balkan thêm trầm trọng.

Trong thông báo trên website chính thức, Đại sứ quán Trung Quốc nêu rõ: "Montenegro vay 944 triệu USD từ Trung Quốc để xây dựng đường cao tốc (Bar-Boljare), chưa bằng một phần tư tổng số nợ của Montenegro. Lãi suất khoản vay của Trung Quốc chỉ là 2%, tương đối thấp so với tổng số nợ của Montenegro".

Chi phí khoản vay cao xuất phát từ điều kiện địa hình, địa chất vô cùng bất lợi, thông báo cho biết.

eu khong tra no thay Montenegro anh 4

Chính quyền Thủ tướng Montenegro Zdravko Krivokapic tìm cách đổ lỗi vấn đề cho những người tiền nhiệm. Ảnh: FT.

Theo ước tính của Financial Times, mỗi km của tuyến cao tốc nối cảng Bar đến Serbia trị giá 23,8 triệu USD, khiến nó trở thành một trong những tuyến đường đắt nhất thế giới.

Hơn nữa, Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh đây là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất của Montenegro từ khi giành độc lập đến nay.

Dự án có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch dài hạn ở Montenegro, cải thiện tình trạng mất cân bằng kinh tế khu vực, và tăng cường kết nối Montenegro với các nước châu Âu.

Theo ông Matej Simalcik, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Châu Á Trung Âu, cho biết vấn đề tài chính của Montenegro đã được dự báo từ trước.

"Đã có nhiều cảnh báo về một dự án không khả thi, nhưng Montenegro vẫn quyết định chấp nhận khoản tài chính từ Trung Quốc”, ông nói.

Theo người phát ngôn Stano của EU, trong khi các quốc gia được tự do thiết lập những mục tiêu đầu tư của mình, EU lo ngại về các tác động kinh tế - xã hội và tài chính mà một số khoản đầu tư của Trung Quốc vào Montenegro có thể gây ra.

Cụ thể, Brussels lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực, trong bối cảnh nước này xây dựng quan hệ chặt chẽ với Serbia - quốc gia ở khu vực phía tây bán đảo Balkan.

Người phát ngôn EU cho biết dù Montenegro phải tự tìm cách xử lý khoản nợ dành cho đoạn cao tốc dài 44 km với Trung Quốc, EU sẵn sàng hỗ trợ hoàn thành 121 km còn lại bằng khoản tiền 9 tỷ euro từ Kế hoạch Đầu tư và Kinh tế cho khu vực tây Balkan, dưới hình thức tài trợ hoặc khoản vay ưu đãi, theo Reuters.

EU thiệt đôi đường nếu không giải cứu?

Một số nhà quan sát lại cho rằng lời đề nghị giúp đỡ từ Montenegro lại là cơ hội dành cho Brussels.

Theo bà Tena Prelec, một nhà nghiên cứu về khu vực, EU nên ra tay trong trường hợp này. “Montenegro là sân sau của EU, đó là cơ hội để EU chứng tỏ khối này một nhân tố địa chiến lược thực sự”, bà nói thêm.

eu khong tra no thay Montenegro anh 5

EU lo ngại các tác động về kinh tế - xã hội và tài chính mà khoản đầu tư của Trung Quốc gây ra. Ảnh: AFP.

Ông Jonathan Hillman, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), nói rằng dự án ở Montenegro đã vạch rõ cái gọi là "rủi ro đạo đức" từ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Ông cho biết động lực chính trị, thay vì tính khả thi, thúc đẩy các nhà đầu tư đổ tiền vào dự án.

Các nghiên cứu năm 2006 và 2012 đã kết luận rằng dự án thiếu tính khả thi. Khi đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu đều không quan tâm đến việc tài trợ cho dự án.

Tuy nhiên, ông Simalcik cho biết EU đang bị đẩy vào một tình thế "thiệt cả đôi đường".

Một mặt, EU buộc phải tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Tây Balkan. Mặt khác, châu Âu phải thúc đẩy đẩy hoạt động tài chính có trách nhiệm của các thành viên tương lai.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu mất ngủ sau cuộc họp bẽ mặt

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông bị mất ngủ sau sự kiện bẽ mặt trong cuộc họp giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tuần.

Mỹ, EU, NATO lên án Trung Quốc hành xử ‘gây hấn, ép buộc’

Mỹ và các nước châu Âu cùng phản đối hành vi “gây hấn và ép buộc” của Bắc Kinh, vài ngày sau khi công bố những biện pháp trừng phạt quan chức Trung Quốc ở Tân Cương.

Kỳ Sơn

Bạn có thể quan tâm