Chúng tôi đến thôn 7, xã Mê Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, vào buổi chiều mưa rát mặt, sau khi nghe tin những cây cầu gỗ ở đây bị lũ cuốn trôi, cô lập 180 hộ với hàng trăm con người. Con đường đi duy nhất bị mất, các em học sinh nơi đây phải ngồi rọ sắt, đu dây cáp vượt dòng nước xiết để đến trường.
Đến trung tâm xã hỏi đường vào thôn 7, người chỉ đường vừa nói vừa cảnh báo: "Mười cây số nữa, trên đỉnh đèo Tà Pứa, đường xấu lắm đấy”. Quả thật, con đường DT 713 này xấu hơn chúng tôi tưởng tượng, sình lầy, đá lởm chởm và những "ổ voi" rộng cả mét.
Cây cầu treo đã xuống cấp là con đường độc đạo vào thôn 7. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Đường xấu chưa phải là nỗi ám ảnh khi đến đèo Tà Pứa, kinh khủng hơn, chỉ còn khoảng 2 km là đến nơi, nhưng không còn là đường. Nước chảy thành những con mương lớn, cắt ngang mặt lộ, nhựa đường bong tróc.
Thôn 7 nằm cô lập trên đỉnh Tà Pứa, giáp với huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng. Mê Pu là xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bình Thuận. Muốn vào thôn, phải đi qua cây cầu treo dài 50 m được làm từ năm 1995 đã xuống cấp. Ván lót mặt cầu đã mục, bung ốc để lộ những khoảng hở lớn. Mỗi lần có người đi qua, cầu rung lên bần bật. Còn lại là những cây cầu gỗ tạm và con đường đất do người dân tự làm để nối thôn với thế giới bên ngoài.
Ông Đinh Xuân Tài, già làng ở đây, cho hay thôn 7 được thành lập năm 1993, sau những đợt dân di cư vào đây khai hoang làm rẫy. Để phục vụ cho việc đi lại làm ăn, những người dân tự chung tay làm những cây cầu gỗ bắc qua suối Đạ Tằm.
Vùng đất này rất trù phú, nông sản đạt năng suất cao nhưng người dân vẫn rất vất vả vì giao thông đi lại cực kỳ khó khăn. Cơn lũ vừa qua đã cuốn trôi các cây cầu gỗ khiến việc đi lại càng khó khăn hơn.
Anh Trần Hữu Tân, người làm chiếc rọ sắt để đưa học sinh qua sông, cho biết thôn 7 có hơn 180 hộ gia đình. Người dân ở đây chủ yếu trồng cao su, cà phê, tiêu, điều và tất cả điều phải đi qua con đường này.
Người chạy xe máy và học sinh đến trường thì đi qua những chiếc cầu gỗ tạm, còn những loại xe khác đều phải lội suối. Những ngày nước lớn, những phương tiện như xe 3 bánh hay ôtô tải nhẹ không thể lưu thông, nông dân không dám thu hoạch vì không đưa nông sản về được.
Mỹ, cậu học trò lớp 4 Trường tiểu học – trung học cơ sở Tà Pứa, vẫn còn run khi vừa ngồi rọ sắt qua suối, kể chiều thứ hai (2/10) vừa học xong thì nghe thầy cô báo nước lũ cuốn trôi cầu. Ba của em không dám qua suối để đón em, Mỹ phải cùng hơn 20 bạn khác ở lại trường.
Mỹ nói phải đi học qua những cây cầu tạm khiến em đã sợ, nay ngồi rọ sắt đung đưa qua dòng nước xiết làm em càng sợ hãi hơn.
Những học sinh phải có người lớn kéo qua suối. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Còn nhà anh Trần Hữu Tân bây giờ là điểm gửi xe miễn phí cho bà con trong thôn. Khi cầu sập, thấy phụ huynh phải cõng con em qua suối để đến trường, anh Tân mua thêm dây và cùng bà con làm đường cáp treo cho các em học sinh ngồi rọ sắt qua suối. Dù sao vẫn an toàn hơn khi cha mẹ phải cõng các em lội suối và lũ dữ có thể ập về bất cứ lúc nào.
“Người dân nơi đây mong chờ có được những cây cầu kiên cố để thuận tiện cho việc đi lại, làm ăn, học sinh đến trường an toàn hơn. Trước đây có nhiều đoàn lên đo đạc, rồi họ về và những cây cầu đi theo họ mãi không thấy. Những cây cầu kiên cố vẫn là niềm mơ ước của người dân”, ông Tài, người kéo chiếc rọ sắt đưa các em học sinh qua suối, nói.
Tôi rời thôn 7 khi màn đêm ập xuống, con đường DT 713 trên đèo Tà Pứa mây mù giăng trước mặt. Vừa căng mắt chạy xe qua đường đèo đầy ổ gà, ổ voi, tôi cũng vừa mơ về chiếc cầu kiên cố và một con đường bằng phẳng hơn cho thôn 7, nơi có những nông dân đã chịu lắm nhọc nhằn ở chốn "thâm sơn cùng cốc".
Ngày 6/10, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký văn bản duyệt cấp kinh phí xây dựng 6 cây cầu bị lũ cuốn trôi tại thôn 7, xã Mê Pu, huyện Đức Linh.
Theo đó, UBND tỉnh duyệt xuất chi 225 triệu đồng từ quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh để hỗ trợ huyện Đức Linh xây 6 cây cầu bằng thép liên hợp, thay thế 6 cây cầu gỗ đã gãy.
Trước đó, khoảng 16h ngày 2/10, lũ quét đã cuốn trôi 6 cây cầu gỗ do người dân tự bắc qua suối tại thôn 7, xã Mê Pu. Đây là tuyến đường chính của thôn 7 nên việc đi lại của người dân và học sinh hết sức khó khăn.
Để khắc phục tạm sự cố, người dân ở đây đã chế 1 dây cáp treo, rọ sắt, ròng rọc để đưa người qua suối.
Địa điểm (chấm trắng) học sinh phải ngồi lồng sắt qua suối. Ảnh: Google Maps. |