Bạn bè trong giới giáo viên chia sẻ khá nhiều những kỷ niệm tốt đẹp về tân bộ trưởng ngành giáo dục, chân dung ông cũng toát lên vẻ thiện cảm và tin tưởng. Điều này là khởi đầu thuận lợi vì ấn tượng ban đầu rất quan trọng.
Là giáo viên, tôi mạnh dạn chia sẻ mấy nút thắt của giáo dục với bộ trưởng.
Thầy Hà Đình Lực, giáo viên Maya School (Hà Nội), mong muốn tân bộ trưởng chăm lo cho đội ngũ giáo viên. Ảnh minh họa: Lê Hiếu. |
Chăm lo cho giáo viên
Tôi mong bộ trưởng tăng lương để giáo viên toàn tâm, toàn ý dạy học.
Lương giáo viên vẫn loay hoay so sánh với lao động phổ thông thì bảo sao đa số thầy, cô phải dạy thêm, làm thêm việc khác để đủ chi phí cho cuộc sống tối thiểu.
Ngoài ra, tăng lương giáo viên có thể giúp thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm thay vì điểm chuẩn thấp như hiện nay.
Tôi cũng mong bộ trưởng thực sự coi mỗi giáo viên là một nhà giáo dục đích thực.
Bộ cần xóa bỏ, đơn giản nhất các thứ đang tiêu tốn nhiều thời gian, năng lượng của giáo viên như thi giáo viên giỏi, hội diễn, chứng chỉ, sổ sách, giáo án. Những thứ này mới nhìn tưởng giúp nâng cao chất lượng giáo dục nhưng thực chất tạo nên những thầy cô “đồng phục”.
Ai làm bố mẹ đều hiểu việc nuôi dạy mỗi đứa con trong gia đình cần phương pháp khác nhau, đằng này mỗi lớp học mấy chục học sinh. Bạn thích nhẹ nhàng, bạn cần áp lực, bạn tự giác học, bạn chưa …. Điều này cần thầy cô thực sự có thời gian, tâm huyết để tìm gia giải pháp phù hợp cho các con.
Nếu coi thầy, cô như những công chức, chỉ cần thực hiện tròn vai những gạch đầu dòng đáp ứng yêu cầu nâng hạng, nâng lương, chúng ta sẽ được những sản phẩm là học sinh “đồng phục”, triệt tiêu cá tính, sự sáng tạo và óc phản biện vốn rất cần thiết trong cuộc đời mỗi người.
Ngoài ra, bộ trưởng cần có biện pháp để loại bỏ tâm lý chung coi giáo dục đại học khó hơn giáo dục phổ thông, dạy cấp 3 khó hơn cấp 1, dễ nhất là dạy trẻ mầm non.
Thực chất, mỗi cấp học có một đặc thù riêng biệt và đều vất vả. Các thầy cô đều cần được đối xử, trả lương công bằng và xứng đáng như nhau.
Khi nền tảng giáo dục mầm non, phổ thông tốt giống như cái cây có bộ rễ được vun trồng cẩn thận sẽ khỏe mạnh, tốt tươi, cho trái ngọt ở bậc đại học.
Đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm cần điều chỉnh theo hướng giảm tính hàn lâm phục vụ nghiên cứu sang tăng thêm thời gian thực hành, thực tế cho sinh viên.
Việc đào tạo hiện nay chưa giúp sinh viên hình dung thực tế công tác chủ nhiệm, giảng dạy một lớp 40-50 học sinh to lớn, lộc ngộc hơn thầy cô phức tạp thế nào.
Chỉ 2-3 tháng thực tập cuối năm, giáo viên đa số cưỡi ngựa xem hoa, ra trường rất bỡ ngỡ và phải mất một vài năm đầu mới dần quen với thực tế công việc trong nhà trường.
Thầy Hà Đình Lực mong xây dựng văn hóa đọc sách trong trường. Ảnh: Thu Hằng. |
Xây dựng văn hóa đọc trong trường
Tôi cũng mong xây dựng văn hóa đọc sách trong nhà trường, bắt đầu từ bộ trưởng và các thầy cô. Hàng tuần, trường cần có tiết đọc sách, thư viện hoạt động thực chất. Từ đó, học sinh cũng dần hình thành thói quen và yêu thích đọc sách.
Đây là nền tảng quan trọng hình thành con người tự chủ, độc lập về tư duy. Từ đó, không chỉ chất lượng giáo dục mà cả đạo đức, lối sống của học sinh cũng được cải thiện rõ rệt.
Xét cho cùng, bộ trưởng sẽ bận rộn với rất nhiều việc, những thay đổi chính sách đến được các trường và mỗi gia đình sẽ còn khá lâu.
Cách nhanh nhất là mỗi bố mẹ dành thời gian rèn nhân cách, thói quen tốt cho con từ nhỏ. Giáo dục gia đình là gốc rễ, còn nhà trường thực ra chỉ là một phần thôi. Mỗi thầy cô chúng ta tâm huyết, chủ động làm hết khả năng của mình, không chờ đợi.
Những điều này kết hợp với những thay đổi chính sách nếu có mới tạo nên hiệu ứng cộng hưởng giúp giáo dục thực sự cất cánh.