Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Môn Tiếng Anh có nhiều điểm liệt nhất

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Tiếng Anh là môn duy nhất có điểm trung bình dưới 5.

Theo phổ điểm do Bộ GD&ĐT công bố, năm nay, cả nước có 749.285 thí sinh tham gia thi môn Tiếng Anh. Phổ điểm lệch về bên trái.

Diem Tieng Anh thap nhat anh 1

Điểm trung bình môn Ngoại ngữ của 5 địa phương cao nhất và thấp nhất. Ảnh: Nguyễn Sương.

Môn duy nhất trung bình dưới 5

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, 543 bài thi Tiếng Anh bị điểm liệt, chiếm 0,07%. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình ở môn này là 472.990, tương đương 63,13%.

Điểm trung bình của môn Tiếng Anh là 4,58. Điểm trung vị là 4,2 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4.

Trong khi đó, 225 thí sinh đạt điểm tuyệt đối, giảm cả số lượng lẫn tỷ lệ so với năm 2019.

Ngoài ra, Tiếng Anh cũng là môn có điểm trung bình tăng ít nhất so với năm ngoái, chỉ 0,22 (từ 4,36 lên 4,58). Đây cũng là môn duy nhất có điểm trung bình dưới 5 trong số 9 môn thi.

Đáng lưu ý, trong số 62 tỉnh, thành có thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, 6 địa phương đạt điểm trung bình Ngoại ngữ trên 5.

Trong đó, TP.HCM đứng đầu với 5,86 điểm. 5 địa phương còn lại là Bình Dương (5,51), Bà Rịa - Vũng Tàu (5,28), Hà Nội (5,18), Nam Định (5,12) và Hải Phòng (5,02).

Trong bảng xếp hạng dựa trên điểm trung bình môn Ngoại ngữ, 3 địa phương đứng cuối vẫn là cái tên quen thuộc của năm 2019: Hà Giang (3,24 điểm), Sơn La (3,36 điểm), Hòa Bình (3,4 điểm).

Địa phương có điểm trung bình thấp nhất - Hà Giang - có đến 4.625 bài thi Ngoại ngữ, tương đương 90,94% tổng số bài thi, đạt điểm dưới 5.

Diem Tieng Anh thap nhat anh 2

Phổ điểm môn Tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Nguồn: Bộ GD&ĐT.

Lý do Tiếng Anh “đội sổ”

Với 15 năm dạy Tiếng Anh, cô Vũ Thị Mai Phương đưa ra nguyên nhân chính khiến nhiều thí sinh nhận điểm dưới trung bình ở môn thi này. Phần lớn học sinh không chọn tổ xét tuyển có Tiếng Anh như D1 (Toán, Văn, Anh), A1 (Toán, Lý, Anh), A7 (Toán, Hóa, Anh) thường có tâm lý học "chống liệt", không quá quan tâm môn học.

Hơn nữa, học sinh ở các thành phố được gia đình chú trọng đầu tư môn Tiếng Anh hơn các học sinh ở vùng núi, vùng sâu vùng xa. Cô phân tích do đặc thù kinh tế, điều kiện sống, học sinh ở các khu vực này khó tiếp cận điều kiện giáo dục tốt.

Ngoài ra, cô Mai Phương cho rằng chất lượng giáo viên ở các vùng miền có sự phân tách rõ rệt. Cụ thể, giáo viên giỏi thường dạy ở thành phố. Giáo viên giỏi ở vùng nông thôn, vùng núi cũng có xu hướng lên thành phố giảng dạy, thay vì công tác tại địa phương.

Cô nói thêm nguyên nhân nhiều thí sinh bị điểm liệt có thể xuất phát từ tâm lý ngại học, không chịu học Tiếng Anh hoặc do thiếu may mắn.

“Các em có thể cải thiện khả năng học Tiếng Anh bằng cách học từ vựng đều đặn mỗi ngày, nắm vững kiến thức ngữ pháp thường xuyên xuất hiện trong đề thi các năm, đồng thời hiểu rõ cấu trúc của đề để phân bổ thời gian học tập hợp lý cho từng dạng bài”, cô Mai Phương khuyên.

Trong khi đó, thầy Lê Khánh Minh, giáo viên tại Hà Nội, phân tích điểm thi không có quá nhiều khác biệt so với năm 2019. Dù điểm trung bình tăng, nhóm điểm số nhiều nhất chỉ dao động ở mức trên 3.

Thầy giáo nhận định nguyên nhân điểm Tiếng Anh “đội sổ” chủ yếu là nhóm điểm cao tập trung ở khu vực thành thị. Vùng sâu, xa không có điều kiện học tiếng Anh nên kéo điểm trung bình đi xuống.

“Gần đây, các bộ ban ngành đã tỏ rõ quyết tâm bằng đầu tư rất lớn để nâng cao trình độ Tiếng Anh cho học sinh và cả giáo viên. Tôi nghĩ tình trạng này sẽ dần cải thiện ở các năm tới”, thầy Minh chia sẻ.

'Điểm chuẩn đại học sẽ tăng mạnh'

Điểm thi các môn tăng so với năm 2019 là cơ sở để nhiều chuyên gia tuyển sinh dự đoán điểm chuẩn các trường đại học tăng mạnh, đặc biệt ngành Y - Dược và khối trường công an.

Nguyễn Sương - Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm