Corbevax do các nhà khoa học Mỹ tại Bệnh viện Nhi Texas trực thuộc Trường Y Baylor, thành phố Houston, bang Texas phát triển. Loại vaccine này sử dụng công nghệ cũ, giúp chúng dễ dàng được sản xuất hơn so với đa số chủng loại vaccine hiện hành.
Đặc biệt, các nhà sáng chế sẵn sàng chia sẻ công thức sản xuất loại vaccine này mà không đăng ký bản quyền, giúp các nước đang phát triển có thể chế tạo nhanh chóng với giá thành thấp.
“Loại vaccine này có thể được sản xuất ở mọi nơi trên thế giới. Chúng tôi đã chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất ở Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Botswana”, ông Peter Hotez, đồng lãnh đạo nhóm phát triển vaccine, viết trên Twitter.
“Chúng tôi không định kiếm tiền từ sản phẩm này. Đây là món quà cho thế giới”, ông khẳng định.
Nỗ lực âm thầm
Câu chuyện của Corbevax bắt đầu từ hai thập niên trước, khi ông Hotez và người đồng nghiệp Maria Elena Bottazzi cùng là nhà nghiên cứu về bệnh nhiệt đới tại Đại học George Washington.
Khi đại dịch SARS bùng phát năm 2003, họ quyết tâm tìm ra phương án chữa trị. Sau khi chuyển đến Houston, hai nhà khoa học này cùng tạo ra một loại vaccine sử dụng công nghệ tiểu đơn vị protein. Trong đó, protein từ một virus hay vi khuẩn được sử dụng để kích thích hệ miễn dịch mà không gây bệnh.
“Đây là công nghệ đã được sử dụng trong vaccine viêm gan B hàng thập kỷ”, ông Hotez nói, theo NPR.
Tiến sĩ Hotez và tiến sĩ Bottazzi, những người lãnh đạo nhóm nghiên cứu vaccine Corbevax. Ảnh: Bệnh viện Nhi Texas. |
Loại vaccine này không được sử dụng do đại dịch SARS dần được kiểm soát. Tuy vậy, gần hai thập niên sau, khi nhân loại một lần nữa đối mặt với đại dịch gây ra bởi một loại virus corona, ông Hotez và bà Bottazzi quyết định hành động.
Họ nhận định có thể sử dụng lại công nghệ của vaccine phòng SARS và chỉnh sửa chút ít để phù hợp với Covid-19. Ông Hotez cho biết nhóm nghiên cứu cố gắng thuyết phục chính phủ về tiềm năng của vaccine này, nhưng họ không thành công.
Khác với số tiền tài trợ “khủng” mà các loại vaccine khác nhận được (chỉ riêng Moderna được chính phủ Mỹ đầu tư 4,1 tỷ USD), đội ngũ phát triển vaccine Corbevax chỉ nhận được 7 triệu USD, hầu hết đến từ các nhà đầu tư tư nhân. Sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ là khá ít.
“Nếu chúng tôi có được phần nhỏ số tiền tài trợ cho Moderna, biết đâu cả thế giới đã được tiêm chủng. Chúng ta sẽ không phải thảo luận về biến chủng Omicron”, ông Hotez nói.
Các nhà nghiên cứu cho biết công nghệ sử dụng trong vaccine Corbevax - tiểu đơn vị protein - đã được sử dụng rộng rãi. Do đó, họ tin tưởng loại vaccine này sẽ hiệu quả và an toàn, theo Washington Post.
Dữ liệu thử nghiệm củng cố thêm nhận định của các nhà khoa học. Thử nghiệm trên 3.000 tình nguyện viên tại Ấn Độ cho thấy loại vaccine này có hiệu quả tới 90% trước chủng virus Covid-19 ban đầu, và 80% trước chủng Delta. Thử nghiệm với chủng Omicron vẫn đang được tiến hành.
Món quà cho thế giới
Tháng 12 vừa qua, cơ quan chức năng Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho Corbevax. Biological E, một doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ, được nhóm nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Doanh nghiệp này cho biết họ có thể sản xuất 100 triệu liều vaccine mỗi tháng, và đã bán 300 triệu liều cho chính phủ Ấn Độ.
Ông Hotez và bà Bottazzi không nhận được đồng nào từ quá trình sản xuất này. Trong khi đó, đơn vị của họ là Trường Y Baylor sẽ nhận được một khoản phí nhất định.
Vaccine Corbevax đã được sản xuất tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Một số chuyên gia và nhà vận động nhận định đây nên là mô hình phát triển, chia sẻ và sản xuất vaccine toàn cầu trong các đại dịch.
“Cam kết chia sẻ công nghệ của Bệnh viện Nhi Texas là lời thách thức với các ông lớn dược phẩm”, ông Peter Maybarduk, giám đốc nhóm vận động Public Citizen, nói. “Nếu Bệnh viện Nhi Texas có thể làm vậy, tại sao Pfizer và Moderna không làm được?”.
Bên cạnh đó, giá thành vaccine rất rẻ. Truyền thông Ấn Độ đưa tin giá của một liệu vaccine chỉ là 2,5 USD, giúp Corbevax trở thành loại vaccine Covid-19 rẻ nhất thế giới, theo Washington Post.
Các nhà khoa học mong muốn Ấn Độ chỉ là điểm khởi đầu. Ngoài các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất tại Indonesia, Bangladesh và Botswana, nhóm nghiên cứu cũng dự định chia sẻ công thức với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Tiến sĩ Hotez và tiến sĩ Bottazzi đã tạo ra điều tuyệt vời thực sự với vaccine Corbevax: Quyền sở hữu trí tuệ thuộc về mọi người”, bác sĩ Keith Martin, giám đốc điều hành Hiệp hội Đại học vì sức khỏe toàn cầu tại thủ đô Washington D.C., Mỹ, nói. “Do đó, các nhà sản xuất ở Senegal, Nam Phi hay Mỹ Latin đều có thể chế tạo loại vaccine này”.
“Corbevax sẽ đem lại thay đổi lớn”, bà Martin khẳng định. “Loại vaccine này sẽ giúp các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước thu nhập thấp, có khả năng sản xuất và phân phối vaccine một cách hiệu quả, an toàn và chi phí thấp”.