Những chiếc máy bay ném bom chiến lược hạng nặng Tupolev Tu-160M sẽ được chuyển giao cho quân đội Nga trước khi năm 2022 kết thúc, tập đoàn sản xuất máy bay United Aircraft Corporation xác nhận.
"Chúng tôi nâng cấp phi đội máy bay Tu-160 hiện tại, đồng thời thiết lập một dây chuyền sản xuất mới ở Kazan", Yury Slyusar, giám đốc United Aircraft Corporation, cho biết hôm 23/13, theo TASS.
Sức mạnh của 'Thiên nga trắng'
Tu-160M là phiên bản nâng cấp của máy bay ném bom chiến lược hạng nặng Tu-160. Cùng với các máy bay ném bom Tu-95MS, Tu-160M được kỳ vọng sẽ tiếp nối thế hệ Tu-160 cũ trở thành xương sống của lực lượng tấn công tầm xa không quân Nga, theo Reuters.
Tu-160 được thiết kế có khả năng sử dụng đồng thời vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, bao gồm tên lửa tầm xa, do đó chúng có thể tấn công các mục tiêu của đối phương từ khoảng cách xa.
Máy bay dòng Tu-160 được mệnh danh là "Thiên nga trắng". Ảnh: TASS. |
Với hai khoang vũ khí, Tu-160 mang theo một lượng lớn bom và tên lửa. Các máy bay Tu-160 được trang bị 12 tên lửa hành trình chiến lược Kh-55MS, mỗi khoang vũ khí chứa 6 tên lửa.
Tên lửa Kh-55MS có động cơ phản lực cánh quạt, tầm bắn tối đa 3.000 km, có thể lắp đầu đạn hạt nhân với sức công phá 200 kiloton.
Tu-160 cũng mang theo tên lửa Kh-15P có tầm bắn 200 km. Loại tên lửa này chạy bằng nhiên liệu rắn, có thể lắp đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường nặng 250 kg. "Thiên nga trắng" cũng có thể mang theo bom với tổng trọng lượng lên đến 40 tấn.
Hiện nay, phiên bản nâng cấp Tu-160M có tầm hoạt động khoảng 13.000 km, trần bay 16.000 m. Tu-160M được trang bị thêm tên lửa dẫn đường X-101 với nhiều loại đầu đạn như nổ mạnh, nổ theo cụm, kích nổ âm thanh. Ngoài ra, tên lửa cũng có thể lắp đầu đạn hạt nhân.
Bởi lớp sơn phủ bên ngoài màu trắng, các máy bay dòng Tu-160 được mệnh danh là "Thiên nga trắng". Tuy nhiên, ngoài chức năng làm đẹp, lớp sơn phủ này cũng có khả năng bảo vệ phi hành đoàn trong trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo tuyên bố của quân đội Nga, Tu-160M hiện là máy bay quân sự siêu thanh lớn nhất thế giới.
Tham vọng của quân đội Nga
Nga bắt đầu nâng cấp phi đội Tu-160 lên phiên bản Tu-160M từ năm 2015 theo chỉ đạo của Tổng thống Vladimir Putin. Việc nâng cấp máy bay được tiến hành theo hai giai đoạn.
Theo Eurasia Times, trong giai đoạn đầu, các kỹ sư thay thế một số hệ thống cũ của máy bay như hệ thống ngắm bắn của bom. Các hệ thống tiên tiến hơn được lắp đặt như hệ thống định hướng K-042k-1, hệ thống lái tự động ABSU-200-1.
Trong giai đoạn hai, việc thay thế các hệ thống trung tâm được thực hiện. Máy bay được trang bị động cơ NK-32 mới, giúp tăng tầm hoạt động từ hơn 12.000 km lên gần 13.000 km.
Tu 160M cũng sử dụng các chất liệu hấp thụ tín hiệu radar, giúp tăng khả năng sống sót của chúng. Máy bay được trang bị thêm radar Novella NV1.70, các thiết bị chống nhiễu, thông tin liên lạc, lắp đặt các loại vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân đời mới.
Quân đội Nga dự định mua 50 chiếc Tu-160M. Ảnh: TASS. |
Hồi tháng 1/2021, chiếc máy bay Tu-160M mới sản xuất đã cất cánh thử nghiệm. Máy bay xuất phát từ sân bay của công ty hàng không Kazan, một công ty con của tập đoàn Tupolev. Tại thời điểm đó, chiếc máy bay đã hoàn tất bài thử nghiệm 30 phút ở độ cao 600 m.
Tuần qua, một chiếc Tu-160M khác cũng bay thử nghiệm. Chuyến bay cho phép kiểm tra khả năng kiểm soát và sự ổn định của máy bay, cũng như hoạt động của các hệ thống điện tử và động cơ.
Theo Business Insider, ngoài việc nâng cấp phi đội Tu-160 hiện nay, quân đội Nga dự tính mua ít nhất 50 máy bay ném bom Tu-160M sản xuất mới. Dự kiến, quân đội Nga sẽ nhận ít nhất 3 máy bay Tu-160M mới mỗi năm. Chiếc máy bay cuối cùng sẽ được bàn giao vào 2027. Giá mỗi chiếc Tu-160M khoảng 227 triệu USD.
Việc quân đội Nga đặt mua lượng lớn máy bay ném bom Tu-160M một phần do kế hoạch sản xuất máy bay ném bom tàng hình PAK-DA bị trì hoãn. Tuy nhiên, các chuyên gia hoài nghi khả năng quân đội Nga có thể mua đủ 50 chiếc Tu-160M, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp và nguồn cung các bộ phận của máy bay ngày càng khan hiếm.