Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Món quà an ủi của U22 Việt Nam

Huy chương đồng SEA Games 32 là món quà an ủi rời Campuchia và thắp lên tia hy vọng cho HLV Philippe Troussier trên dặm dài với U22 Việt Nam.

Highlights U22 Việt Nam 3-1 Myanmar Hồ Văn Cường tỏa sáng với cú đúp trong chiến thắng 3-1 của U22 Việt Nam trước Myanmar ở trận tranh huy chương đồng môn bóng đá nam SEA Games 32 chiều 16/5.

HCĐ không phải đích đến của tập thể U22 Việt Nam tại kỳ SEA Games này. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, nó thể hiện nỗ lực đáng trân trọng của cả thầy và trò HLV Philipp Troussier khi tàn cuộc.

Quyết tâm của ông Troussier

Một trận tranh giải ba ở bất kỳ sân chơi nào cũng khó trở thành động lực khiến các đội bóng vào cuộc với quyết tâm hừng hực. Tuy vậy, U22 Việt Nam đã dùng lực lượng tốt nhất, quyết tâm cao nhất với ước mong xoa dịu nỗi đau bán kết.

1U221_zing.jpg

U22 Việt Nam chơi tốt trước Myanmar. Ảnh: Y Kiện.

Ông Troussier tung đội hình mạnh nhất trong khả năng có thể với Lê Văn Đô đá chính tất cả các trận tại giải này cùng Lê Quốc Nhật Nam, Nguyễn Thái Sơn, Khuất Văn Khang, Hồ Văn Cường, Võ Minh Trọng tạo ra hàng tiền vệ giàu sức tấn công. Thủ môn Đoàn Huy Hoàng bắt thay Quan Văn Chuẩn đã chơi không xuất sắc ở trận trước trong khi Nguyễn Văn Trường là người duy nhất còn khoẻ mạnh trên hàng tiền đạo.

Không hề có sự “tri ân” đội hai hay các vị trí ít có thời gian đá chính như người ta vẫn tưởng tượng về một trận cầu an ủi. Nhà cầm quân người Pháp hiểu rằng một chiến thắng sẽ làm vơi đi phần nào sức ép đang trĩu nặng vai ông và các cầu thủ cũng cần như vậy để ghi thêm dấu ấn.

Chúng ta khó mà đong đếm được sự máu lửa của U22 Myanmar nhưng từ góc nhìn chủ quan, U22 Việt Nam đã nhập cuộc tốt, có một trận đấu thượng phong và ghi được những bàn thắng đẹp từ phối hợp. Đó là những tín hiệu đầy tích cực.

Hồ Văn Cường với cú đúp sút như búa tạ là cầu thủ hay nhất trận nhưng nhiều vị trí khác như Khuất Văn Khang, người ghi bàn thứ 3, Võ Minh Trọng với những kiến tạo “đều chân” từ đầu giải... cũng là những điểm sáng nổi bật.

Nụ cười đã nở và nét kiêu hãnh dần dần trở lại trên những gương mặt tự tin “dàn trận” ăn mừng trước ống kính phóng viên. Chúng ta có lẽ chẳng thể đòi hỏi gì hơn thế.

Tia hy vọng cho HLV người Pháp

Dĩ nhiên, U22 Việt Nam chưa thể nói đã trình diễn một trận cầu viên mãn. Cách bỏ lỡ cơ hội của Nguyễn Văn Trường, Lê Văn Đô ở những phút đầu vẫn khiến người xem kinh ngạc, hay bàn thua của cả một hàng thủ bị động không hề hỗ trợ thủ môn Huy Hoàng cũng là vấn đề rất cũ.

Nhìn toàn cục chặng đường SEA Games, bóng dáng chiến thuật của HLV Philippe Troussier đã hiện hữu rất rõ ràng. Các học trò của ông đã thi triển tốt thứ bóng đá pressing tầm cao, đồng bộ qua nhiều trận.

Ở trận tranh hạng ba, họ buộc hậu vệ U22 Myanmar liên tục để mất bóng ở phần sân của họ. Những đường chuyền trung bình hoặc tương đối dài nhắm vào “ngách” giữa cầu thủ chạy biên và trung vệ đối phương cũng nhiều lần phát huy tác dụng, đưa Nguyễn Văn Trường, Võ Minh Trọng, Lê Văn Đô vào thế thuận lợi để dứt điểm hoặc chuyền nhìn thấy “cửa ăn”.

Troussier156_zing.jpg

Khởi đầu của HLV Troussier với U22 Việt Nam không như kỳ vọng nhưng cũng không hoàn toàn tuyệt vọng. Ảnh: Quang Thịnh.

Có một điểm mà ông Troussier rất ưa chuộng là những đường phát động tấn công ngay từ vị trí trung vệ, đặc biệt ưu tiên trung vệ lệch cánh. Phan Tuấn Tài, Nguyễn Ngọc Thắng đã thực hiện điều này khá ổn trong một cuộc đối đầu mà cự ly đội hình của đối thủ khá rời rạc, thiếu ý thức bọc lót và thường chỉ có chiều dâng lên mà ít quan tâm đến lối lùi về.

Sở thích này của ông Troussier có cơ sở để thực hiện trên tuyển lớn vì Quế Ngọc Hải, Nguyễn Thanh Bình hay Bùi Hoàng Việt Anh đều là mẫu trung vệ có thể chuyền dài tốt và xâm nhập ghi bàn nhanh nhạy.

Quay trở lại với U22 Việt Nam, khâu ghi bàn, giải quyết tình huống bị coi là thứ rất tệ trong hai trận then chốt (hòa U22 Thái Lan khi có nhiều cơ hội hơn và thua U22 Indonesia khi chơi hơn một người). Nhưng trước U22 Myanmar, cơn khát bàn thắng đã được giải tỏa.

Cả 3 bàn mà U22 Việt Nam ghi được đều thể hiện sự bình tĩnh của người kiến tạo và khả năng chọn khoảng trống của người kết thúc. Nếu nhìn vào kết quả, đây là một tấm huy chương đồng chất lượng. Còn nếu nhìn vào diễn biến, đây là một buổi tập hoàn thành tốt mục tiêu.

Ai đó cũng sẽ có lý khi cho rằng đối thủ chỉ là U22 Myanmar thôi nên thầy trò ông Troussier mới phô diễn được sức mạnh và một vài miếng đánh có hồn. Nhưng dù sao đi nữa, chiến thắng vẫn có tiếng nói riêng của nó, rằng lứa trẻ này nếu được cọ xát quốc tế nhiều hơn, được thực chiến ở V.League, hạng Nhất thường xuyên hơn, được thẩm thấu lâu hơn triết lý bóng đá của thầy Philippe, thì tương lai chắc cũng không đến nỗi nhuốm màu u ám.

Ông Troussier còn những cơ hội khác để làm việc với những tuyển thủ khác, ở một đẳng cấp cao hơn là đội tuyển quốc gia. Rời Campuchia bằng một chiến thắng an ủi, ông cũng có thêm những tự tin và tự tôn cần thiết cho mình để đi tiếp trên một chặng đường dài. Chặng đường ấy, thực ra ông mới chỉ dè dặt bước những bước đầu tiên...

Việt Nam vượt chỉ tiêu, giành ngôi nhất toàn đoàn SEA Games 32

Kết thúc SEA Games 32, Đoàn Thể thao Việt Nam giành tổng cộng 136 HCV để chiếm ngôi nhất toàn đoàn.

Trưởng đoàn U22 Indonesia bị tấn công tại chung kết SEA Games

Truyền thông Indonesia đưa tin trưởng đoàn bóng đá nước này bị hành hung trong màn ẩu đả ở chung kết SEA Games 32 tối 16/5.

HLV U22 Indonesia: Chính Thái Lan khơi mào cho cuộc ẩu đả

HLV trưởng Indra Sjafri của U22 Indonesia thất vọng khi không chỉ đội ngũ trợ lý và cầu thủ Thái Lan mà học trò của ông cũng tham gia cuộc ẩu đả ở chung kết SEA Games 32 tối 16/5.

Quốc Bảo

Bạn có thể quan tâm