Trong hai ngày 21-22/10, hàng chục nhà cung cấp đã tìm đến trụ sở của Công ty Huy Việt Nam, chủ thương hiệu Món Huế trên đường Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang (quận 1, TP.HCM) để yêu cầu Công ty này thanh toán các khoản nợ tiền hàng.
Theo số liệu Zing.vn thu thập từ 44 nhà cung cấp tính đến sáng ngày 23/10, tổng số tiền Công ty Huy Việt Nam chưa thanh toán cho các đơn vị này đã lên đến hơn 30 tỷ đồng, bao gồm nhiều loại mặt hàng từ thực phẩm như thịt bò, thịt heo, giò chả, rau củ quả... cho đến các dịch vụ truyền thông và thiết bị văn phòng, nhà hàng như camera, máy in...
Tuy nhiên, đây chưa phải con số cuối cùng bởi còn rất nhiều nhà cung cấp chưa cho về số tiền nợ cũng như không có đủ giấy tờ giao dịch với Công ty Món Huế nên chưa thể trình báo đầy đủ.
Nợ từ tiền lá chuối
Chiều 22/10, tìm đến địa chỉ được cho là nhà riêng của ông Huy Nhật ở phường An Phú, quận 2, anh T. (xin được giấu tên), chủ cơ sở kinh doanh chuyên cung cấp lá chuối cho Công ty Món Huế cùng một nhóm hơn 10 nhà cung cấp khác đã túc trực ở đây để yêu cầu chủ doanh nghiệp này thanh toán khoản nợ đã lên đến hơn 160 triệu đồng.
"Tôi phải xin nghỉ phép 3 ngày hôm nay để cùng mọi người đi đòi tiền. Đồng tiền đi liền khúc ruột, số tiền này đều làm từ mồ hôi nước mắt của chúng tôi. Có khi đi làm một năm lương cũng không đủ số tiền họ lấy của mình", anh T. bức xúc nhưng cũng không giấu nổi sự buồn bã.
Nhà anh T. cung cấp cho thị trường TP.HCM khoảng 2 tấn lá chuối mỗi ngày. Ảnh: NVCC. |
Là hộ kinh doanh riêng lẻ nhưng nhà anh T. đã cung cấp hai sản phẩm là lá chuối và các sản phẩm từ dừa cho Món Huế được 3 năm. Tuy nhiên từ tháng 10/2018, doanh nghiệp này bắt đầu có dấu hiệu chậm trễ trong thanh toán tiền.
"Khi được yêu cầu trả tiền, họ chỉ nói là đang đề xuất lên cấp trên và chưa được duyệt. Lý do này cứ được viện trong khoảng 10 lần, sau đó nhân viên giao dịch với tôi lại nói là đã nghỉ công tác, người khác thì báo nghỉ đẻ, nghỉ ốm", anh T. nhớ lại.
Anh cho biết toàn bộ số lá chuối được gia đình anh trồng ở miền Tây, trung bình mỗi ngày cung cấp 2 tấn cho thị trường TP.HCM. Số tiền hàng của riêng Công ty Món Huế anh T. đã phải bỏ tiền riêng của mình để gửi về quê cho gia đình trước.
"Tôi đứng tên đơn vị cung cấp, nhưng thực tế mẹ tôi ở quê mới là người trực tiếp sản xuất. Tôi đã trả hết cho mẹ 165 triệu đồng chứ chuyện này tôi chưa dám nói với mẹ, để mẹ biết được buồn quá lại đâm đổ bệnh còn khổ hơn", anh T. nói.
Gần 4,3 tỷ đồng tiền thịt bò từ hàng chục nhà cung cấp
Cũng có trong danh sách nhà cung cấp đến Công an phường Cô Giang, quận 1 tố cáo Công ty Món Huế, anh Lê Tống Bảo, Phó giám đốc Công ty Lê Tống, chuyên cung cấp thịt bò tươi, cho biết sáng 22/10, anh đã cử nhân viên mang hồ sơ lên công an.
Chiều cùng ngày, anh tự mình đến địa chỉ được cho là nhà riêng của ông Huy Nhật để theo dõi tình hình. Số tiền mà Công ty Lê Tống chưa thu về được là khoảng 657 triệu đồng.
Thịt bò được xem là một trong những mặt hàng chủ lực của các chuỗi nhà hàng do Công ty Huy Việt Nam sở hữu. Ảnh: Lê Quân. |
Tính đến nay đã có hơn 10 nhà cung cấp cho biết họ cung cấp thịt bò cho Món Huế.
"Thịt bò là một trong những mặt hàng chủ lực của công ty này nên họ nhập rất nhiều", chị Minh, nhân viên của Công ty Love Food, nhận định.
"Khi nhập hàng của một nhà cung cấp mà không thanh toán nợ, họ sẽ bị ngừng hàng. Tuy nhiên, công ty này lại tìm đến một nhà cung cấp mới và thường nhập với số lượng lớn. Chỉ riêng những đơn vị cung cấp bò cũng đã lên đến hàng chục người, nợ từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng", chị nói.
"Họ hẹn 25-28/10 sẽ chuyển khoản trả nợ và chia làm hai đợt. Tuy nhiên, khi nghe tin cả công ty nghỉ việc và có dấu hiệu trốn nợ, chúng tôi vô cùng hoang mang. Nếu nhà cung cấp cứ im lặng mà đợi đến ngày 25/10 thì chắc lên không còn nổi tờ giấy,” chị Minh sốt ruột.
Tuy nhiên, chị cũng cho biết công ty chị may mắn hơn khi chỉ bị Món Huế nợ hơn 88 triệu đồng, trong khi một số hộ kinh doanh thịt bò khác đang đứng trước nỗi lo không đòi được số tiền lên đến cả tỷ đồng như Công ty Thanh Nhân Food hay thương hiệu Bò Thoa.
Cùng với đó, một số nhà cung cấp thịt heo tại TP.HCM cũng đã báo số tiền doanh nghiệp này đang nợ đã hơn 1-2 tỷ đồng. Cụ thể, nhà cung cấp thịt heo Hoàng Huy báo đang bị nợ 1,650 tỷ đồng, số tiền này của đơn vị thịt heo Thuỷ là 2,5 tỷ đồng.
Rau củ quả cũng nợ gần 5 tỷ đồng
Nhận được thông tin về sự việc, nhà cung cấp rau củ quả Phương đã tìm đến Công an phường Cô Giang để trình báo về khoản nợ lên đến 2,758 tỷ đồng mà Công ty Huy Việt Nam chưa thanh toán từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay.
Các nhà cung cấp mang băng rôn đến trụ trở của Công ty Huy Việt Nam trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1) yêu cầu trả tiền. Ảnh: NVCC. |
Cùng với đó, Công ty rau củ quả Bảy Hùng cũng cho biết chưa thể thanh toán được số tiền 1,3 tỷ đồng do doanh nghiệp này nợ.
Một số nhà cung cấp cũng tỏ ra nghi ngờ về cách thu mua hàng của Công ty Huy Việt Nam.
Đại diện nhà cung cấp thực phẩm Nhật Phú Sĩ kể lại: "Khi nợ của công ty này lên đến hơn 70 triệu, chúng tôi đã chủ động không cho nhập hàng nữa. Tuy nhiên, họ lại cho nhân viên đến mua theo kiểu khách lẻ, nhập những đơn vài triệu đồng, chấp nhận mua với giá bán lẻ."
Ngoài ra, anh cũng cho biết tại thời điểm xem xét trước khi thu mua, phía Công ty Huy Việt Nam cũng không quá xem trọng việc giá cả nguồn hàng đắt hay rẻ. "Công ty gì mà hàng giá bao nhiêu cũng nhập", người này nói.
Trước vấn đề này, Zing.vn liên hệ với Công ty TNHH Món Huế và Công ty Huy Việt Nam cũng như ban lãnh đạo Công ty nhưng chưa có phản hồi.
Công ty Huy Việt Nam hiện vận hành nhiều chuỗi nhà hàng khác như Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Banhmi & Cafe, trà sữa TP Tea, 99 House of Phở, Mì Quảng Bếp Tâm, món Hàn Shilla, món Nhật Iki, Captain Lobster, Soi 615 với khoảng 200 cơ sở.
Ngày 2/10, thời điểm chỉ hơn 1 tuần trước khi các nhà hàng Món Huế bắt đầu đóng cửa, công ty Huy Việt Nam thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh. Ông Quỳnh Anh sinh năm 1984 và giữ vị trí giám đốc công ty.
|