Xúc xích nướng tồn tại trong các cuộc biểu tình ở Pháp suốt nhiều thập niên. Ảnh: Reuters. |
Biểu tình tại Pháp là thời điểm kinh doanh cạnh tranh, khi những công dân tức giận hạ biểu ngữ xuống, họ sẽ bắt đầu tìm kiếm đồ ăn. Người biểu tình không đòi những món ăn kinh điển của Pháp, mà họ cần xúc xích cay.
Theo công thức nhập từ Bắc Phi, xúc xích thịt bò và thịt cừu, được tẩm gia vị với thì là, ớt hoặc harissa, là món ăn đường phố Pháp. Món ăn này đã phổ biến từ lâu, trước cả các cuộc biểu tình gần đây phản đối cải cách hưu trí trên khắp cả nước.
Tháng 5/1968, loại xúc xích cay merguez xuất hiện trong cuộc nổi dậy của sinh viên, và một lần nữa có mặt khi đám đông giận dữ xé nát các kế hoạch cải cách phúc lợi vào năm 1995.
Lò nướng lại nổi lửa và xúc xích lại ra lò, khi phong trào áo vàng lan rộng khắp nước Pháp yêu cầu thay đổi chính trị và kinh tế khiến nhiều vùng “đóng băng” hoạt động.
Theo CNN, vai trò duy trì phong trào áo vàng của những miếng thịt ấy quan trọng tới mức François Ruffin - chính trị gia người Pháp, ứng viên lãnh đạo phe cực tả trong kỳ bầu cử tiếp theo - coi xúc xích là “công cụ cách mạng”.
"Madeleine de Proust" của phong trào công nhân
Emmanuelle Reungoat - phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Montpelier - đã quan sát vai trò của xúc xích trong thúc đẩy các cuộc biểu tình năm nay. Ông đã dành thời gian gặp gỡ những người biểu tình và nhận thấy nhiều người lần đầu tham gia vì đây là cơ hội đi chơi với bạn bè và thưởng thức tiệc nướng.
“Họ mang theo những thói quen nhàn nhã thường thấy. Điều này thật thú vị khi tạo nên phong trào xã hội rộng lớn. Phong trào xã hội có thể dẫn đến nổi dậy hoặc cách mạng”, ông Reungoat nói.
Ngày lễ Lao động hàng năm của Pháp là sự kết hợp giữa tiệc tùng và chính trị. Tổ chức hàng năm vào ngày 1/5, đây là dịp tôn vinh đóng góp của người lao động, đồng thời cũng là cơ hội để mọi người tận hưởng ngày nghỉ.
Hầu như mọi năm, các nghiệp đoàn của Pháp đều tổ chức diễu hành để đánh dấu dịp này. Vào năm 2023, lần thứ 3 kể từ khi Thế chiến II kết thúc, họ tổ chức sự kiện chung ở Paris, đoàn kết phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 của Tổng thống Emmanuel Macron.
Ông David Joncalves đã bán merguez suốt 15 năm. Ảnh: CNN. |
Tất nhiên, xúc xích lại xuất hiện. Gần điểm tập hợp ở Quảng trường République, khói và mùi thơm bốc lên khắp đại lộ.
Tiểu thuyết gia người Pháp Marcel Proust từng viết một cách tôn kính về mùi hương của những chiếc bánh madeleine (bánh sò) mới nướng có thể khơi dậy ký ức về những điều đã qua.
Tờ Le Monde mô tả những miếng xúc xích là “madeleine de Proust của phong trào công nhân”. Theo Local, madeleine de Proust là thành ngữ mô tả mùi, vị, âm thanh hoặc mọi giác quan gợi nhớ người nói về thời thơ ấu hoặc những ký ức đáng nhớ trong quá khứ.
Tại gian hàng thực phẩm, người bán hàng David Joancalves đang đảo thịt trong nồi chiên ngập dầu và chờ khách hàng gọi món. Ông đưa khách hàng nửa chiếc bánh mì baguette thịt và mời họ “tự chấm nước sốt”, gồm hàng gia vị có màu sắc đỏ và cam.
Ông Joancalves đã bán merguez trong 15 năm và tham gia mọi cuộc biểu tình trong mùa này. Tại các cuộc biểu tình ngày 1/5 năm nay, ông đã kỳ vọng về bầu không khí hòa bình.
“Tôi nghĩ sẽ diễn ra nhiều lễ hội hơn, có các gia đình tham gia”, ông nói. Trên thực tế, đỉnh điểm của đợt biểu tình là màn đối đầu giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động.
Ông Joancalves bán 7 euro (7,7 USD) cho món merguez. CNN nhận định giá này hơi đắt so với món bánh mì rẻ tiền kẹp xúc xích đường phố.
Trụ vững suốt các cuộc đấu tranh xã hội
Giá cả hợp lý hơn với các quầy ở quảng trường, nơi các xe tải đầy màu sắc của nghiệp đoàn được xếp thành từng hàng. Tại đây, đảng Cộng sản Pháp bán sâm panh phía sau xe tải của họ với giá 5 euro/ly.
Bên trong một xe tải bán xúc xích. Ảnh: CNN. |
Chính đảng Cộng sản Pháp đã giúp đưa merguez vào các cuộc biểu tình hồi những năm 1950. Xúc xích lần đầu tiên xuất hiện tại lễ hội âm nhạc Humanité, sự kiện diễn ra từ năm 1930 để tài trợ cho tờ báo Humanité của đảng Cộng sản.
“Món merguez nướng ra đời, với cuộc đấu tranh giành độc lập của Algeria, là dấu hiệu đoàn kết với những người lao động vùng Maghreb”, Noelle Gérôme - nhà dân tộc học từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) - viết trong bài báo về vị trí của xúc xích trong biểu tình Pháp.
Dễ nấu và thậm chí còn dễ ăn hơn, món merguez thường đi kèm với “khoai tây chiên cách mạng”, tạo ra những bữa ăn rẻ tiền xuất hiện trong các cuộc đấu tranh xã hội không hồi kết của Pháp.
Tại Quảng trường République, Force Ouvrière - một liên đoàn lao động khác - bán khoai tây chiên với giá 2 euro, còn merguez giá 3 euro.
“Chúng tôi bán không bị lỗ, nhưng cũng không kiếm được tiền từ quầy hàng này”, Pierre Maunier - một công nhân đường sắt - cho biết. “Chúng tôi có xe đồ ăn cho tất cả thành viên, cho những ai muốn ăn, uống, trò chuyện, chia sẻ”.
Ánh sáng và bóng tối trên châu Âu
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Ánh sáng và bóng tối trên châu Âu”. Là hồi ký về cuộc đời nhà văn Stefan Zweig, cuốn sách đưa độc giả đi qua thời kỳ hoàng kim của thế kỷ XIX, tiếp đến sự tàn phá kinh hoàng của Thế chiến I và thời kỳ trỗi dậy của Đức quốc xã.
Cuốn hồi ký sẽ giúp bạn đọc biết châu Âu trong những ngày tháng đó ra sao: Chân thực và thô ráp.