Những ngày gần đây, hình ảnh một gương mặt phụ nữ với mái tóc đen, vầng trán nhô cao, hai mắt mở to và miệng mở rộng ra đến mang tai đã gây ám ảnh với hàng triệu người dùng WhatsApp - ứng dụng nhắn tin được Facebook mua lại vào năm 2014.
Hầu hết người từng thử gọi hay nhắn tin đến Momo - tên gọi của nhân vật này, cho biết họ đều lấy được số của "nó" trên các diễn đàn, hội nhóm Facebook. Sau khi nhập số điện thoại vào WhatsApp, người dùng sẽ thấy cái tên Momo cùng hình đại diện hiện ra.
Sự tò mò khiến người dùng tìm đến để trò chuyện với Momo khiến nhân vật này được săn lùng trên mạng xã hội. Ảnh: El Nuevo Dia. |
Hầu hết tin nhắn được gửi đi bởi Momo đều có nội dung, hình ảnh gây ám ảnh hoặc thông tin của người thân, bạn bè người nhắn. Đôi khi tin nhắn được gửi bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên không phải ai cũng được Momo "hồi âm".
Câu chuyện truyền thuyết thời hiện đại này thậm chí còn là đề tài bàn tán của người dùng Reddit, Facebook. "Cơn sốt Momo" còn lan tỏa đến mức khiến những ai không dùng WhatsApp cũng tải ứng dụng này xuống chỉ để nhắn tin với Momo.
Những số điện thoại được cho là của Momo. |
Tuy nhiên, không quá khó để giải thích "huyền thoại Momo". Điểm phi logic đầu tiên nằm ở đầu số ba số điện thoại của Momo phía trên. Ở đầu số 81 (con số được nhiều người khẳng định là số điện thoại đầu tiên của Momo) thuộc về mã quốc gia Nhật Bản, song người dùng lại có thể dễ dàng "tám" chuyện với Momo bằng tiếng Tây Ban Nha.
Hai đầu số 52 và 57 còn lại thuộc về mã quốc gia Mexico và Colombia, hai cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha, cũng là khu vực mà "huyền thoại Momo" được bắt đầu và ngày càng lan rộng. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy, sau khi Momo nổi tiếng, bắt đầu xuất hiện thêm các phiên bản copycat (thường xuất hiện trong cùng cộng đồng ngôn ngữ) ăn theo.
Đối với những thông tin mà những người dùng từng tương tác với Momo cho rằng người lạ không thể biết được, có thể giải thích bằng việc nhiều người dùng thường có thói quen sử dụng số điện thoại để đăng ký cho nhiều ứng dụng. Rất có thể "Momo" đã lợi dụng thói quen này để tìm hiểu thông tin của họ trên Facebook mà nạn nhân không hề hay biết.
Hình ảnh trọn vẹn của Momo với phần chân chim trong một sự kiện từng diễn ra tại Nhật Bản hồi năm 2016. Ảnh: Knowyourmeme. |
Riêng về hình ảnh Momo, thực chất đây là một tác phẩm điêu khắc thuộc sở hữu của Link Factory, một công ty chuyên về dàn dựng, hiệu ứng hình ảnh tại Nhật Bản, với quyền tác giả là Aiso Keisuke từng được trưng bày tại triển lãm Vanilla Gallery diễn ra tại quốc gia này vào năm 2016.
Không rõ "huyền thoại Momo" được những người dàn dựng ra với mục đích gì, song nhìn chung đây chỉ đơn thuần là trò hù dọa giống như những câu chuyện creepypasta đầy rẫy trên mạng, nhưng được dàn dựng một cách công phu và lan truyền nhanh chóng nhờ sự trợ giúp của Internet.