Lúc ấy là mùa xuân ở Pháp, những cánh đồng xanh tươi, nắng ấm. Tôi nhìn thấy St. Denis, đi qua các thành lũy mới xây của Paris, và chẳng mấy chốc đã ngồi trong phòng của mình ở Hotel Valois, đường Rue de Richelieu, đối diện thư viện.
Trên tờ Revue de Paris, Marmier trước đây đã viết một bài về tôi, La Vie d’un Poete (Đời một thi nhân). Anh ấy cũng đã dịch một số bài thơ của tôi sang tiếng Pháp và thực tế đã làm tôi vinh dự khi cho in một bài thơ của tôi bên trên tên tờ báo Revue. Nhờ đó tên tuổi tôi đã được một số người trong văn giới chú ý, thế nên khi ở đây tôi đã được đón tiếp thân ái đến lạ thường.
Tôi thường đến nhà Victor Hugo và được đón tiếp rất ân cần, điều mà Oehlenschläger trong cuốn tự truyện của mình đã phàn nàn rằng ông đã không được tiếp đãi như thế, cho nên tôi phải cảm thấy hãnh diện.
Theo lời mời của Victor Hugo, tôi đến nhà hát Théâtre Français xem vở bi kịch bị gièm pha của ông, vở Các quan tổng trấn (Les Burggraves), tối nào vở này cũng bị huýt gió chê bai và chế nhạo ở các rạp hát nhỏ. Vợ của Hugo rất đẹp và có tính cách hòa nhã đặc biệt hay thấy ở các phụ nữ Pháp, khiến những người nước ngoài cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi tiếp xúc với họ.
Tranh vẽ Andersen. Ảnh: Libriebambini. |
Ông bà Ancelot đã rộng cửa đón tiếp tôi, và ở đây tôi đã gặp Martinez de la Rosa cùng nhiều người đáng chú ý khác của thời ấy. Tôi ngưỡng mộ De la Rosa đã lâu, từ trước khi biết ông là ai. Toàn bộ dung mạo và ấn tượng khi được nghe ông nói chuyện đã khiến tôi phải hỏi bà Ancelot rằng quý ông đó là ai.
“Tôi chưa giới thiệu với cậu sao?”, bà nói. “Ông ấy là chính khách kiêm nhà thơ Martinez de la Rosa”. Bà liền giới thiệu hai chúng tôi với nhau, cho ông ấy biết tôi là ai. Ông hỏi thăm cụ Bá tước Yoldi ở Copenhagen. Sau đó nói cho cả nhóm biết Vua Frederick VI đã có hảo ý quan tâm đến người Tây Ban Nha và còn tỏ ra thông cảm thế nào khi ông hỏi ý Nhà vua về việc nên tham gia đảng nào ở quê nhà; và khi đảng của ông thất thế, vị vua Đan Mạch này đã cấp cho ông một văn phòng và nhà ở tại Đan Mạch.
Đối với tôi, Lamartine với toàn bộ dung mạo và phong thái trong nhà dường như là ông hoàng của cả nhóm này. Khi tôi xin lỗi vì nói tiếng Pháp quá kém, anh ta trả lời rằng chính anh mới đáng trách vì không biết các ngôn ngữ Bắc Âu mà những năm gần đây anh mới biết là vốn có một nền văn chương mới lạ và đầy sức sống, cũng như Bắc Âu là vùng đất màu mỡ của thi ca tới mức ta chỉ cần cúi xuống là nhặt được một báu vật.
Lamartine hỏi tôi về kênh đào Trollhätte, tỏ ý ước ao được đến thăm Đan Mạch và Stockholm. Anh cũng nhớ lại chuyện đã từng đến thăm Vua Christian VIII của chúng ta khi ngài còn là hoàng tử ở Castellamare. Là một người Pháp nhưng Lamartine rất quen thuộc với nhiều tên tuổi và địa danh ở Đan Mạch. Khi tôi rời Paris, anh đã viết tặng tôi một bài thơ nhỏ mà tôi còn lưu giữ trong số những kỷ vật thân yêu nhất của mình.
Tôi thường gặp nhà văn vui tính Alexandre Dumas hay nằm trên giường, thậm chí lúc trời đã xế chiều; anh ta nằm cùng với giấy, bút và mực, và viết vở kịch mới nhất của mình. Một hôm tôi đã gặp anh trong cảnh tượng như vậy; Dumas ân cần chào tôi rồi nói “Ngồi chờ một chút, tôi vừa mới có cảm hứng nên phải viết ngay kẻo quên”. Anh tiếp tục vừa viết vừa nói oang oang rồi hét lên một tiếng “Viva!”, nhảy bật ra khỏi giường và bảo tôi, “Màn thứ ba đã xong!”.
Dumas sống trong khách sạn Hotel des Princes trên đường Rue de Richelieu, vợ anh ở Florence, còn con trai anh, Dumas con, sau này cũng theo con đường văn chương của cha, thì có nhà riêng ở thành phố này.
Dumas nói “Tôi sống không ngăn nắp nên anh đừng có khó chịu nhé!”. Một buổi tối, anh đưa tôi đến các nhà hát khác nhau để tôi có thể nhìn thấy cuộc sống đằng sau hậu trường. Chúng tôi đến Palais Royal, trò chuyện với hai diễn viên Dejazet và Anais, rồi khoác tay nhau đi tha thẩn trên đại lộ nhộn nhịp đến nhà hát Théâtre St. Martin. “Lúc này họ không mặc phục trang!” Dumas nói, “Ta cứ vào đi!”.
Và phía sau các tấm phông màn, chúng tôi lang thang qua một cảnh tượng như trong truyện Nghìn lẻ một đêm. Dumas kéo tôi vào giữa một đám đông nhân viên kỹ thuật, ca sĩ hợp xướng và vũ công. Lúc trở về nhà theo đường cũ, chúng tôi gặp một thanh niên ngăn chúng tôi lại. “Con trai tôi đó!”, Alexandre Dumas nói, “Nó sinh ra lúc tôi mười tám tuổi; bây giờ nó cũng đã mười tám tuổi rồi mà chưa có con trai”. Chàng trai ấy sau này nổi tiếng làng văn với cái tên “Dumas con”.