Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Mới tăng lương được một chút, sao đã vội tăng thuế?’

Các chuyên gia kinh tế đều lo ngại việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) làm tăng giá cả tiêu dùng, không thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, làm sản xuất trong nước kém phát triển.

Xung quanh đề án tăng mức thuế VAT và thay đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân Bộ Tài chính đề xuất, các chuyên gia đều lo ngại sẽ tác động đến nền kinh tế và đời sống của người dân.

'Tăng thuế là chưa thuyết phục, không hay chút nào"

Trao đổi với Zing.vn, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết trong bối cảnh hiện nay thì chưa nên đặt vấn đề tăng thuế, càng không nên so sánh với nước nọ nước kia.

de xuat tang thue vat cua bo tai chinh anh 1
Mức thuế VAT của một số quốc gia trên thế giới.

Theo ông Lịch, vấn đề đơn giản nhất hiện tại là tăng thuế phải đồng bộ với việc giảm chi tiêu thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, đi liền với tăng thuế thì phải tăng hiệu quả sử dụng ngân sách, khi đó người dân mới ủng hộ.

“Nếu cứ tăng thuế trong khi chi tiêu công, chi tiêu thường xuyên không giảm thì chúng ta không để đặt vấn đề. Người dân không thể ủng hộ. Tăng thuế phải đi kèm với tiết kiệm, đi kèm với chống lãng phí, đi kèm với hiệu quả. Hai cái đó phải song song, phải đi liền với nhau”, TS. Trần Du Lịch nêu quan điểm.

de xuat tang thue vat cua bo tai chinh anh 2
TS. Trần Du Lịch. Ảnh: Hoàng Hà.

Cũng theo ông Lịch, hiện nay chưa thấy được động thái cụ thể của Chính phủ trong việc tiết kiệm giảm chi thường xuyên. Khi tăng thuế, cần phải chứng minh tiền thu được có hiệu quả.

Hiện tại mức chi thường xuyên tuy có tăng cao, nhưng không thể bù đắp bằng tiền thuế. Vấn đề vay nợ, đầu tư cũng phải có lộ trình với việc trả nợ nước ngoài.

Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng đây mới chỉ là đề xuất riêng của Bộ Tài chính. Chính phủ vẫn chưa thảo luận vấn đề này.

de xuat tang thue vat cua bo tai chinh anh 3
 

“Nếu tăng thuế, gánh nặng chắc chắn sẽ đè lên người tiêu dùng, người dân. Tôi cho rằng vấn đề tăng thuế là rất khó thuyết phục. Tăng lương mới được một chút sao đã tăng thuế. Mà thuế là gián thu, đánh vào người tiêu dùng. Rõ ràng lúc này là chưa thuyết phục, không hay chút nào”, Trần Du Lịch nói.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết nếu thuế VAT tăng thì giá thành hàng hóa chắc chắn phải tăng. Giá hàng hóa tăng làm tiêu dùng giảm. Sức mua của thị trường nội địa sẽ giảm.

Việc tăng thu có thể có lợi cho ngân sách nhưng làm tiêu dùng nội địa giảm. Điều này trái với chủ trương phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ kiến tạo…

Tăng thuế, cần tăng có chọn lọc

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, việc tăng thuế là cần thiết ở góc độ quản lý Nhà nước, đặc biệt là trong chuyện cân đối ngân sách. Hiện tại, một số loại thuế nhập khẩu đã giảm thì việc tăng một số thuế trong nước để bù đắp cũng là điều dễ hiểu.

Bộ Tài chính có cơ sở để đề xuất việc tăng thuế.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Phong đề xuất không nên tăng đồng loạt thuế VAT cho tất cả các mặt hàng, mà nên bóc tách tùy loại một cách cụ thể.

“Cái nào không khuyến khích thì tăng, cái nào khuyến khích thì giữ mức hiện nay, hoặc có thể giảm để hỗ trợ tiêu dùng cho người dân”, ông Phong nêu quan điểm.

de xuat tang thue vat cua bo tai chinh anh 4
 

Ông Phong cho rằng một số hoạt động tiêu dùng không khuyến khích có thể dùng thuế để điều tiết, như rượu, bia, thuốc lá, đồ ngọt… Những mặt hàng thiết yếu khác phục vụ đời sống, ảnh hưởng đến phúc lợi người dân thì không nên tăng thuế. Nếu tăng thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển thì nói tăng thu thuế trước mắt không chỉ tác động đến người dân mà còn cả nguồn thu trong tương lai. Ông đề xuất Chính phủ nên tìm thêm nguồn thu khác, mang tính công bằng hơn.

“Chúng ta có thể nhắm nguồn thu vào đối tượng có tài sản lớn, thu nhập cao. Xem xét đánh thuế tài sản, thuế bất động sản, tiền gửi ngân hàng… Nguồn thu này mang tính ổn định hơn, không làm ảnh hưởng giá thành hàng hóa, phù hợp với xã hội.

Đối tượng thu lại là người khá giả, phù hợp với cơ cấu thuế của các nước phát triển. Bộ Tài chính cần xem xét thêm thông lệ quốc tế”, ông Hiển nhấn mạnh.

Thu 5% thuế của người giàu lớn hơn 95% thuế còn lại

Theo ông Đinh Thế Hiển, Bộ Tài chính đang nhắm thuế thu nhập cá nhân vào những người làm công ăn lương, cũng là những người dễ thu thuế. Đó là những người có thu nhập chịu thuế khoảng 10 triệu đồng. Thu nhập của đối tượng này phải trang trải nhiều khoản.

de xuat tang thue vat cua bo tai chinh anh 5
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển.

Ông Hiển nhấn mạnh trong thực tế còn những người thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm. Ở các nước phát triển người ta thu 30-40% thuế thu nhập cá nhân của người giàu. Nếu thu được thuế từ những người siêu giàu thì số tiền có được rất lớn so với người làm công ăn lương.

Bộ Tài chính cũng chưa có nhiều biện pháp thu triệt để, hoặc tính thu nhập chính xác của người siêu giàu để đánh thuế.

“Đây là nguồn thu quan trọng. Người giàu thì nộp quá ít, người thu nhập thấp thì nộp quá nhiều. Nếu chỉ cần thu được thuế của 5% những người giàu nhất, thì số tiền thu được còn lớn hơn thuế của 95% số dân còn lại”, ông Hiển nói.

Chuyên gia này đề xuất cần có chế tài trong việc kê khai tài sản một cách minh bạch. Nếu ai không kê khai minh bạch thì tài sản của người đó có nguồn gốc không đàng hoàng, có thể tham nhũng hoặc buôn lậu. Các tài sản đó sẽ không được Nhà nước bảo vệ.

Vị này nói rằng các nước châu Âu đang đánh thuế vào những người siêu giàu rất cao.

“Chúng ta liên tục có tin người giàu với tài sản hàng tỷ USD. Đó là tin mừng, nhưng họ đã nộp thuế bao nhiêu cho ngân sách so với số tài sản đang có? Ở nước ngoài, một tuyển thủ bóng đá, vận động viên tennis khi đạt chức vô địch cũng phải nộp thuế chứ chưa nói người giàu”, ông Hiển bày tỏ quan điểm.

Đề xuất của Bộ Tài chính

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân và thuế Tài nguyên, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế suất thuế VAT theo hai phương án. Phương án 1 tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019, phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.

Biểu thuế thu nhập cá nhân mới dự kiến chỉ còn 5 bậc thuế, thay vì 7 bậc như hiện nay. Theo Bộ Tài chính, mục tiêu sửa đổi là để phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Kiến nghị giữ nguyên thuế VAT với bất động sản

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị giữ nguyên thuế suất thuế VAT là 10% từ nay đến năm 2021. HoREA giải thích đối với thị trường bất động sản, đặc biệt là nhà ở có sử dụng hàng nghìn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, thi công xây dựng, kinh doanh, dịch vụ.

Việc đề xuất tăng thuế VAT lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 theo phương án chọn của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên liệu, nhận thầu thi công, nhân công...tăng lên, giá bán nhà tăng lên.

HoREA cũng kiến nghị áp dụng ưu đãi thuế VAT ở mức 5% tương tự như ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội để khuyến khích và hỗ trợ các chủ đầu tư tham gia chương trình cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.





Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm