"Quan hệ ký tác (Parasocial Relationship): Ảo tưởng về tình bạn với một người nổi tiếng tốt đẹp hơn là chẳng có gì, nhưng mối quan hệ này cũng có thể trở thành điều độc hại", SCMP mở đầu bài viết về mối quan hệ luôn tồn tại giữa nghệ sĩ và người hâm mộ.
Ảo tưởng tình bạn, tình thân
"Khi diễn viên hài người Mỹ John Mulaney và nữ diễn viên Olivia Munn thông báo có con, một số người hâm mộ đã chỉ trích họ. Và nhiều người cho rằng nhóm fan buông lời chỉ trích này có sự 'ký tác' với hai ngôi sao trên. Cuộc thảo luận bùng nổ trên mạng xã hội và dẫn đến câu hỏi: Quan hệ ký tác là gì và phải chăng điều đó không lành mạnh?", SCMP tiếp tục viết.
Quan hệ ký tác có thể là thuật ngữ mới lạ với phần lớn khán giả. Nhưng thực tế, bản chất về mối quan hệ trên luôn tồn tại và hầu như người hâm mộ nào cũng từng trải qua, từ mức độ nhẹ tới nặng, nhưng không hề hay biết.
Thuật ngữ "Quan hệ ký tác" được nhà tâm lý học Donald Horton và Richard Whorl đưa ra lần đầu vào năm 1956. Định nghĩa trên là kết quả của hoạt động nghiên cứu về mối quan hệ giữa khán giả và các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, truyền hình.
Những người hâm mộ phụ thuộc vào quan hệ ký tác đã chỉ trích John Mulaney và Olivia Munn. Ảnh: Page Six. |
Nói đơn giản, quan hệ ký tác được hình thành khi khán giả nảy sinh cảm xúc vượt ngoài phạm vi tương tác ký tác với nghệ sĩ.
Tương tác ký tác là cảm xúc như đang giao tiếp, trò chuyện và có cảm xúc đồng cảm với nhân vật trong phim ảnh, sản phẩm truyền hình. Khi mối quan hệ vượt xa khỏi phạm vi tác phẩm, bắt đầu nảy sinh cảm xúc thân thuộc như đã trở thành bạn bè, người quen thật sự của nghệ sĩ, đây được gọi là quan hệ ký tác.
Elizabeth Perse - giáo sư danh dự về giao tiếp tại Đại học Delaware (Hoa Kỳ) - định nghĩa quan hệ ký tác bằng câu nói "ảo tưởng về tình bạn". Tình trạng này thường xuất hiện ở cộng đồng người hâm mộ cuồng nhiệt nghệ sĩ. Người hâm mộ theo dõi, chia sẻ cảm xúc và kể chuyện về thần tượng của mình như thể họ là người quen.
Ngày nay, thuật ngữ quan hệ ký tác ngày càng phổ biến trên mạng xã hội, và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều về tác động và hệ quả của mối quan hệ ảo.
Nguyên nhân tạo nên hiện tượng fan cuồng?
Theo nghiên cứu của chuyên gia tâm lý học Lynn McCutcheon và cộng sự, có thể chia quan hệ ký tác thành ba mức độ.
Cấp độ 1 được gọi là giải trí - xã hội. Ở cấp độ này, khán giả chỉ coi nghệ sĩ là nguồn giải trí thuần túy, theo dõi tác phẩm và bàn tán về những câu chuyện xoay quanh nghệ sĩ này khi tán gẫu với bạn bè.
Cấp độ 2 là cấp độ trung gian, khi khán giả đã bị ám ảnh bởi mối quan hệ với người nổi tiếng họ yêu thích, coi họ là tri kỷ cuộc đời dù thực tế nghệ sĩ này không biết đến sự tồn tại của khán giả.
Người hâm mộ luôn ở trong một mối quan hệ ký tác với thần tượng, mối quan hệ được chia theo các cấp độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Ảnh: Tùng Đoàn, Việt Hùng. |
Cuối cùng là cấp độ bệnh lý ranh giới. Đây là mức độ cao nhất, khán giả gần như tôn thờ và có thể nảy sinh hành vi cực đoan với nghệ sĩ.
Các hành vi cực đoan có thể chia tiếp thành nhiều cấp độ khác như tiêu rất nhiều tiền để phục vụ công cuộc theo đuổi nghệ sĩ, hoặc sẵn sàng đeo bám, xâm phạm đời tư và thực hiện hành vi phạm pháp với thần tượng.
Từ định nghĩa của Lynn McCutcheon, không khó để nhận ra hiện tượng fan cuồng, đặc biệt là fan cuồng của thần tượng Kpop, là những đối tượng đã chạm đến cấp độ bệnh lý ranh giới của quan hệ ký tác.
Trong lịch sử ngành giải trí, không khó để tìm thấy ví dụ về hành vi cực đoan của fan nhắm đến thần tượng. Ví dụ điển hình như vụ việc fan cuồng Mark David Chapman bắn chết John Lennon vì quá yêu thích giọng ca của The Beatles. Hay như vụ án fan cuồng ám sát thí sinh The Voice Mỹ Christina Grimmie vào năm 2016.
Elizabeth Perse - giáo sư danh dự về giao tiếp tại Đại học Delaware (Hoa Kỳ) - định nghĩa quan hệ ký tác bằng câu nói "ảo tưởng về tình bạn".
Ở thị trường giải trí châu Á, gần như không có trường hợp người hâm mộ sát hại nghệ sĩ để thỏa mãn tính chiếm hữu của bản thân. Nhưng môi trường giải trí của các nước Á Đông lại hình thành loại hình sasaengfan - fan cuồng chuyên đeo bám, xâm phạm đời tư nghệ sĩ.
Sasaengfan nổi tiếng bậc nhất lịch sử Kpop là fan DBSK, từng đột nhập vào nhà riêng để ngủ chung giường với Kim Jae Joong, hoặc đầu độc Jung Yun Ho bằng keo dán. Các thành viên EXO từng bị fan cuồng lừa lên xe để bắt cóc, nhưng sự việc được phát hiện sớm. Fan cuồng của nhóm nhạc nhà SM cũng nhiều lần đột nhập vào khách sạn để đánh cắp đồ dùng, lắp máy quay trộm thần tượng.
Ở showbiz Hoa ngữ, đối tượng fan cuồng cũng có những hành động tương tự với nghệ sĩ. Mạnh Mỹ Kỳ, Cung Tuấn từng bị fan cuồng đánh cắp thông tin để đổi chuyến bay nhằm phá hoại lịch trình làm việc. Vương Nhất Bác bị gắn máy theo dõi, nghe trộm trên xe riêng...
EXO, DBSK và phần lớn các nhóm nhạc Kpop đều bị sasaengfan đeo bám, xâm phạm đời tư một cách nghiêm trọng. Ảnh: SM Entertainment. |
Mối quan hệ nhận nhiều ý kiến trái chiều
Vì vấn đề fan cuồng nảy sinh, nhiều người cho rằng quan hệ ký tác là mối quan hệ độc hại, cần loại bỏ.
Nhưng thực tế, nhiều chuyên gia tâm lý, xã hội học cho rằng các quan hệ ký tác vẫn mang lại lợi ích nhất định, nhất là trong việc trị liệu bệnh lý.
Nhà trị liệu cai nghiện Audrey Hope cho biết: “Không ít lần quan hệ ký tác đã thực sự giúp ích cho chúng tôi, đặc biệt trong giai đoạn xã hội phải thực hiện cách ly như hiện nay".
Trong thời điểm đại dịch bùng phát, vấn đề giao tiếp xã hội có nhiều thay đổi. Theo SCMP, nhiều người cảm thấy thiếu thốn trong giao tiếp xã hội, cần được tương tác để chia sẻ cảm xúc vì phải thực hiện cách ly trong thời gian dài.
“Đôi khi khán giả hình thành quan hệ ký tác, gắn bó chặt chẽ với ngôi sao bởi họ không được đáp ứng nhu cầu chia sẻ ở thực tế, và bằng những cách khác", giáo sư ngành tâm lý, xã hội học Wendi Gardner thuộc Đại học Northwestern University (Illinois, Mỹ) giải thích.
Loạt nghệ sĩ Hàn tham dự AAA 2019 tại Hà Nội từng khiến cộng đồng fan Việt Nam náo loạn. Ảnh: Việt Hùng. |
Gardner đưa ra quan điểm thà có một mối quan hệ ký tác với nghệ sĩ, vẫn tốt hơn khép kín bản thân và không có bất kỳ quan hệ xã hội nào. "Dĩ nhiên quan hệ ký tác không tốt đẹp bằng mối quan hệ thật, nhưng vẫn hơn là không quan hệ với ai", cô nói.
Audrey Hope đồng ý với quan điểm trên. Cô cho rằng các mối quan hệ ký tác vẫn mang lại mặt lợi ích, cho đến khi những mối quan hệ ảo này được sử dụng như một chiếc nạng cho các quan hệ xã hội ở đời thực.
Wendi Gardner tiếp tục chỉ ra ranh giới giữa quan hệ ký tác có lợi cho bệnh ám ảnh với người nổi tiếng chính là nhận thức của khán giả.
“Bạn có thể là một người hâm mộ cuồng nhiệt của nghệ sĩ nào đó, nhưng điều này không có nghĩa bạn sẽ nảy sinh quan hệ ký tác độc hại với họ. Nếu ngưỡng mộ ai đó, bạn có thể xem phim, nghe nhạc vì họ, nhưng bạn không nên nảy sinh cảm giác mình phải và sẽ trở thành bạn bè đời thực với ngôi sao ấy", giáo sư tâm lý xã hội học chia sẻ.