Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối nguy hiểm thật sự ở Biển Đông là gì?

Washington đã nói rất rõ lập trường của Mỹ về vấn đề ở Biển Đông, mặc dù Bắc Kinh có thể sẽ lại bỏ ngoài tai một lần nữa.

Một máy bay P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ đã bay trên Biển Đông và ghi lại những hình ảnh xây dựng của Trung Quốc trên các đảo. Ảnh: Hải quân Mỹ

“Một điều rõ ràng là, Hoa Kỳ sẽ điều động máy bay, tàu khu trục và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tuyên bố tại Đối thoại Shangri-la được tổ chức tại Singapore. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một phi cơ do thám P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ bay qua các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông. Hành động đó, theo ông Carter, cho thấy rằng Mỹ “sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do đi lại trên vùng biển”.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không coi hành động của Mỹ là nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế, mà là nhằm cản trở sự phát triển của họ. Đây là một giả thuyết đã tồn tại sẵn trong tiềm thức của nhiều chuyên gia chính trị Trung Quốc.

Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy. Trung Quốc cũng có lợi trong việc giữ vùng biển quốc tế tự do, bởi nền kinh tế Trung Quốc cũng như hoạt động thông thương toàn cầu đều phụ thuộc vào đó. Họ có thể sẽ không muốn ngăn chặn sự ra vào của tàu biển các nước nếu nhiều nước trên thế giới phản đối. Nhưng nếu tranh chấp trên Biển Đông trở thành một cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc, nó sẽ khiến xung đột trong khu vực leo thang và tất cả các nước trong khu vực sẽ bị cuốn theo.

Việc Washington thắt chặt kiểm soát quanh Trung Quốc có thể sẽ khiến cánh diều hâu trong chính phủ Trung Quốc lớn tiếng. Rất có thể đây chính là thành phần đã đề xuất các dự án cải tạo đảo ở Biển Đông và cũng là những người ủng hộ việc quân sự hóa các đảo để ngăn chặn hoạt động của Mỹ. Một vài quan chức của quân đội Trung Quốc đã nhận thấy rằng việc phi cơ do thám của Mỹ bay trên Biển Đông sẽ trở thành cớ để thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Sự mạnh bạo của những quan chức Trung Quốc cứng rắn sẽ khiến Washington dần nhận thấy, Bắc Kinh không chỉ có ý định thách thức vị thế của Mỹ tại châu Á, mà còn thay đổi cả trật tự thế giới hiện tại. Điều đó cũng sẽ làm cho nhiều người tin rằng Trung Quốc phải bị kiềm chế. Biển Đông có thể sẽ trở thành vũ đài của một cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, một viễn cảnh mà bất kỳ quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đều không muốn thấy.

Washington cần phải khẳng định rằng những gì nước này muốn bảo về đều dựa trên pháp luật quốc tế, không phải bằng sự áp đảo về quân sự. Hiện có rất nhiều cơ hội để thể hiện thông điệp này, khi Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long sẽ có chuyến thăm Washington trong tháng này. Tiếp sau đó sẽ là Đối thoại Chiến lược Kinh tế Mỹ - Trung vào cuối tháng, và vào tháng 9 Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ Tổng thống Barack Obama.

Nhưng sự thiếu tin tưởng đối với Washington đã ăn sâu đến mức ngay cả những cơ hội đó sẽ là chưa đủ. Trong nhiều phân tích chính trị của Trung Quốc, chính sách của Mỹ được cho là nhằm cản trở Trung Quốc. Sẽ rất khó để khiến Trung Quốc thay đổi quan niệm rằng, hoạt động của Mỹ tại Biển Đông là một ván bài nhằm gây bất ổn sân sau của họ và củng cố quân đội của các đồng minh Mỹ, phát triển tầm ảnh hưởng của nước này và khiến việc trở thành thế lực đứng đầu khu vực của Trung Quốc bị giới hạn.

Những nước trong khu vực cũng cần phải phát biểu để bảo vệ luật pháp và nguyên tắc trên biển. Một vài nước đã làm vậy: Australia và Nhật Bản đang xem xét thực hiện các hoạt động do thám quân sự trên Biển Đông. Philippines cho biết nước này sẽ cho máy bay tới Biển Đông trong phạm vi cho phép của luật pháp quốc tế.

Ảnh chụp một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa khi máy bay Mỹ bay qua khu vực này. Ảnh: CNN

Tuy nhiên hành động của các đồng minh Mỹ là chưa đủ, bởi Trung Quốc coi những nước này là “con cờ” của Mỹ. Các nước Đông Nam Á, cho dù có tham gia tranh chấp với Trung Quốc hay không, cũng phải đảm bảo rằng Biển Đông được tự do. Những nước như Indonesia cần phải liên lạc với Trung Quốc và khẳng định lập trường của mình.

Họ không cần phải sử dụng đến tàu chiến hay phi cơ quân sự, thậm chí không cần phải đối đầu trực tiếp. Các nước ASEAN có nhiều phương thức song phương và đa phương nhằm đối thoại với Bắc Kinh. Và thay vì chỉ bày tỏ quan ngại chung, họ phải giải thích được tại sao hành động của Trung Quốc đang cản trở quyền tự do đi lại trên Biển Đông.

Sự do dự của Đông Nam Á trước Trung Quốc là điều dễ hiểu khi xét đến sự bất cân xứng về sức mạnh quân sự, kinh tế và tầm ảnh hưởng quốc tế giữa hai phía. Nhưng các nước đã bỏ qua một lợi thế không hề nhỏ. Trung Quốc không muốn sự bất ổn trong khu vực và cũng không muốn thấy các nước láng giềng tìm đến Washington để bảo vệ. Bắc Kinh cũng muốn cùng khu vực hợp tác để cùng thực thi chính sách đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thực thi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ra đến châu Âu.

Động thái gửi phi cơ do thám của Washington có thể coi là một sự thúc đẩy tinh thần, nhưng điều đó không được thay thế các chính sách ngoại giao trong khu vực Đông Nam Á. Sự quá phụ thuộc vào Mỹ sẽ biến nỗi lo xung đột giữa hai cường quốc trong khu vực trở thành hiện thực.

TQ nổ súng trước tàu Philippines, dọa bắn máy bay Australia

Bất chấp làn sóng phản đối 
dữ dội của cộng đồng quốc tế, 
Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng trên Biển Đông bằng những hành vi và tuyên bố hiếu chiến.

http://infonet.vn/moi-nguy-hiem-that-su-o-bien-dong-la-gi-post166208.info

Theo Anh Tuấn/Infonet

Bạn có thể quan tâm