Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới, phức tạp, số lượng bệnh nhân nhiều, chiến lược xét nghiệm nhanh giúp ngành y tế kiểm soát dịch tễ và đánh giá nguy cơ trong cộng đồng.
Làm gì khi mất dấu F0?
- Hiện tại, Việt Nam xuất hiện một số ca nhiễm chưa rõ nguồn lây. Việc truy vết xác định nguồn gốc F0 lúc này có còn cần thiết?
- Hiện tại, nhiều người cảm thấy lo lắng về tình hình dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh khi số ca nhiễm liên tục tăng. Tuy nhiên, các ổ dịch này gần như đã được phong tỏa, cách ly. Do đó, tình hình dịch tại các khu công nghiệp có thể cơ bản được kiểm soát.
Diễn biến dịch Covid-19 trong nước xuất hiện điều đáng lo ngại là những ổ dịch nhỏ, chưa xác định được nguồn lây. Điều này xuất hiện ở những ca Covid-19 được ghi nhận tại Đà Nẵng, TP.HCM và mới đây là chùm ca bệnh ở TP. Hà Nội.
Trong tình huống này, việc truy lùng nguồn gốc F0 dĩ nhiên vẫn cần thiết nhưng chúng ta không nên đặt nặng. Việc tìm được F0 giúp chúng ta đánh giá được mức độ đi xa thế nào của SARS-CoV-2.
Còn nếu không, chúng ta xử lý như ổ dịch mới bùng phát, khoanh vùng, cách ly và xét nghiệm diện rộng để ngăn chặn dịch lây lan, như các chiến dịch từ trước đến nay Việt Nam đã áp dụng.
- Có những phương pháp nào để tìm kiếm F0 khi phát hiện ca nhiễm mới ngoài cộng đồng?
- Để xác định một người có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không, chúng ta có rRT-PCR. Đây là xét nghiệm quan trọng nhất với độ đặc hiệu đáng tin cậy để chẩn đoán xác định bệnh dựa trên nguyên tắc phát hiện đoạn gene RNA của SARS-CoV-2.
Ngoài ra, chúng ta có 2 loại xét nghiệm bằng test nhanh để phát hiện kháng thể và kháng nguyên.
Trong đó, test nhanh kháng thể là phương pháp giúp chúng ta xác định được một người từng nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Người nghi ngờ sẽ được lấy mẫu máu để tìm kiếm sự hiện diện hay vắng mặt của kháng thể IgM và IgG đặc hiệu cho SARS-CoV-2 trong mẫu máu. Nếu có sự hiện diện của kháng thể đặc hiệu, nghĩa là người này từng nhiễm virus.
Test nhanh kháng thể có thể dùng tầm soát diện rộng trong một cộng đồng. Khi nghi ngờ số lượng ca nhiễm lớn, việc áp dụng phương pháp này giúp nhà chuyên môn phán đoán được tiến trình và quy mô dịch.
Phương pháp test nhanh thứ 2 là xét nghiệm kháng nguyên. Bằng cách đưa dịch ngoáy mũi, họng, nước bọt…, tác dụng lên que thử, nếu có phản ứng trên vạch chỉ thị, nghĩa là có SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm.
Tuy nhiên, test nhanh kháng nguyên chỉ mang tính chất tầm soát nhanh. Nếu kháng nguyên dương, chúng ta cần làm lại rRT-PCR để khẳng định chắc chắn.
Công nhân làm việc tại Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức, quận 9 cũ) được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 sau khi F1 của bệnh nhân Covid-19 làm việc tại đây. Ảnh: Chí Hùng. |
Linh hoạt chiến lược xét nghiệm
- Ông từng chia sẻ rằng diễn biến dịch bệnh trong các khu công nghiệp nếu bùng phát, mức độ phức tạp có thể hơn cơ sở y tế. Vậy, chúng ta có nên thay đổi chiến lược xét nghiệm tầm soát chủ động tại khu vực này?
- Tất nhiên điều này rất cần thiết. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 3 ở Hải Dương và hiện tại là ở Bắc Ninh, Bắc Giang là bài học. Với hàng chục nghìn F1 phải cách ly, sản xuất ngưng trệ, chúng ta cần linh hoạt thay đổi chiến lược xét nghiệm, sáng tạo hơn thay vì áp dụng theo quy trình trước đây.
Nguyên tắc chung vẫn là vây càng rộng, xét nghiệm càng rộng càng tốt theo thứ tự nguy cơ cao từ F1, F2..., sau đó thu hẹp phạm vi phong tỏa.
- Khi một doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu được làm xét nghiệm cho cán bộ, công nhân viên, họ có được phép triển khai và bằng cách nào?
- Tôi cho rằng với điều kiện của chúng ta hiện nay, nhu cầu này khả thi. Nguyên nhân là doanh nghiệp cũng cần xét nghiệm để tự đánh giá nguy cơ. Hiện nay, Bộ Y tế cấp phép thêm cho sinh phẩm kháng nguyên nhanh (test nhanh).
Với phương pháp này, các đơn vị có thể phối hợp những cơ sở được phép sử dụng test nhanh để xét nghiệm, sàng lọc Covid-19 cho nhân viên của mình. Nhiều nơi sẽ được phép làm test nhanh hơn xét nghiệm rRT-PCR.
Xí nghiệp, công ty, doanh nghiệp..., thực tế cũng là cộng đồng thu nhỏ. Những công nhân, nhân viên đến từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau, tương tự cơ sở y tế. Do đó, tôi cho rằng nếu doanh nghiệp, công ty có khả năng chi trả chi phí xét nghiệm thì khuyến khích họ làm.
- Bộ Y tế có quy định nào về việc tự xét nghiệm Covid-19 tại các khu công nghiệp, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh?
- Hiện nay, Bộ Y tế chưa có văn bản quy định điều này. Tuy nhiên, theo tình hình mới, đây là nhu cầu tất yếu.
Tuy nhiên, việc xét nghiệm rRT-PCR với mẫu đơn hay mẫu gộp, khi nào dùng test nhanh và trường hợp nào có thể dùng test nhanh kháng nguyên, test nhanh kháng thể cần được quy định rõ ràng. Bộ Y tế đã có hướng dẫn chung về test nhanh, nhưng với các khu công nghiệp, doanh nghiệp cần cụ thể hơn.
- Chi phí của các phương pháp xét nghiệm Covid-19 hiện nay cụ thể ra sao?
- Với trường hợp xét nghiệm rRT-PCR, Bảo hiểm Xã hội có văn bản cụ thể về việc thanh toán chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2.
Việc thực hiện xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng bằng phương pháp rRT-PCR có mức giá là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm.
Còn thực hiện xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng bằng phương pháp test nhanh mức giá thanh toán rẻ hơn, khoảng 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm rRT-PCR chỉ có thể thực hiện ở một số phòng xét nghiệm có đủ năng lực và được công nhận.
- Trong giai đoạn tháng 7-8/2020, Hà Nội và một số địa phương từng triển khai test nhanh kháng thể nhưng đã tạm ngưng vì không hiệu quả. Ông đánh giá như thế nào nếu chúng ta áp dụng lại biện pháp này?
- Mỗi giai đoạn của dịch, Bộ Y tế sẽ có chiến lược chống dịch sáng tạo khác nhau. Trước đó, một số địa phương sử dụng test nhanh để rà soát người về từ vùng dịch. Phương pháp test nhanh được áp dụng trong giai đoạn đó không có hiệu quả và phản tác dụng. Một nguyên nhân khách quan khác là lúc đó, việc sản xuất kit test nhanh chưa chuẩn và trong cộng đồng chưa có nhiều ca nhiễm.
Nhân viên y tế Hà Nội thực hiện test nhanh kháng thể cho người trở về từ Đà Nẵng hồi tháng 8/2020. Ảnh: Việt Linh. |
Trong diễn biến dịch hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép thêm cho sinh phẩm kháng nguyên nhanh (test nhanh). Xét nghiệm nhanh nhằm giúp ngành y tế điều tra dịch tễ học trong cộng đồng. Khi trong cộng đồng có thể xuất hiện nhiều ca bệnh, test nhanh được triển khai có thể giúp chúng ta tổng kết, so sánh và điều chỉnh chiến lược chống dịch tốt hơn.
- Ông có thể đưa ví dụ cụ thể trường hợp nào cần dùng test nhanh, khi nào dùng xét nghiệm rRT-PCR?
- Nếu người có nguy cơ cao, tiếp xúc F0 hay đi đến vùng dịch tễ, xuất hiện triệu chứng bệnh, cần lập tức lấy mẫu bệnh phẩm và xét nghiệm rRT-PCR cho kết quả khẳng định.
Trường hợp cần giám sát dịch tễ đối với một hoặc nhiều nhóm quần thể, tầm soát Covid-19 trong khu công nghiệp, cộng đồng nhỏ… Xét nghiệm nhanh có thể được áp dụng nếu không thể hoặc không làm kịp bằng phương pháp rRT-PCR.
Ngoài ra, các cơ sở y tế có thể dùng test nhanh để đánh giá nguy cơ định kỳ đối với người bệnh và thân nhân. Trường hợp người bệnh cấp cứu, bệnh viện có thể test nhanh trước, sau đó xét nghiệm lại bằng rRT-PCR. Cơ sở y tế chưa đủ điều kiện để xét nghiệm rRT-PCR cũng có thể sử dụng test nhanh để tầm soát người nguy cơ. Hiện tại, một số phòng khám tư, bệnh viện tư nhân có sử dụng.
Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR. Tuy nhiên, chúng tôi có dự trữ nguồn test nhanh để sử dụng trong tình huống quá tải.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.