Theo đó, ước thu đến hết ngày 25/12 đạt 261.490 tỷ đồng, thấp hơn gần 8.510 tỷ đồng so với dự toán được giao.
Theo báo cáo trong 25 ngày làm việc của tháng cuối năm, hải quan đã thu ngân sách Nhà nước bình quân 1.255 tỷ đồng/ngày. Như vậy, ngành có thể thu thêm hơn 6.275 tỷ đồng, nâng tổng số thu cả năm lên khoảng 267.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, số hụt thu vẫn là hơn 2.200 tỷ đồng.
Đây là năm đầu tiên ngành hải quan có nguy cơ hụt thu lớn so với dự toán được giao. Những năm trước đó, ngành thường đạt mục tiêu, thậm chí vượt dự toán được giao.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại với mặt hàng ôtô nhập khẩu diễn biến phức tạp, gây thất thu ngân sách. Ảnh: Lê Hiếu. |
Số thu ngân sách cho ngành này chủ yếu là thu hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, thuế từ hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam.
Tuy nhiên trong năm 2016, Việt Nam thực hiện cam kết cắt giảm thuế xuất nhập khẩu một loạt các mặt hàng từ 10 hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang nhập hàng hóa tại những thị trường có ưu đãi thuế đặc biệt.
Đơn cử với xăng, hơn 80% lượng xăng nhập về Việt Nam là từ Hàn Quốc, do thuế nhập khẩu mặt hàng này giảm còn 10%. Do vậy, chỉ với xăng, dầu, ngành hải quan đã bị giảm thu hơn 5.000 tỷ đồng tiền thuế so với số thu của năm ngoái.
Tổng cục Hải quan cho biết sẽ cố gắng đạt nhiệm vụ thu 270.000 tỷ đồng trong năm nay.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại với mặt hàng ôtô nhập khẩu diễn biến phức tạp, gây thất thu ngân sách, mất bình đẳng trong cạnh tranh, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh.
Tổng cục Hải quan đang phải cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu giá và Danh mục hàng hóa rủi ro về trị giá hàng tháng, làm cơ sở để tham vấn giá của mặt hàng ôtô nhập khẩu sát với giá thực tế trên thị trường.