Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong năm 2016, cả nước phát hiện, bắt giữ, xử lý 223.262 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (tăng 8,23% so với năm 2015). Đáng chú ý, chỉ 2 tháng đầu năm 2017 (dịp Tết Nguyên đán), cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 27.327 vụ vi phạm.
Số vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được phát hiện năm 2016 theo các cơ quan chức năng. Đồ họa: Hiếu Công. |
Tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước từ phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế là 21.556 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng cũng khởi tố 1.560 vụ đối với 1.863 đối tượng.
Tính trung bình, một ngày trên địa bàn mỗi tỉnh phát hiện khoảng gần 12 vụ việc vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả chủ yếu diễn ra ở các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ. Sản phẩm chủ yếu được phát hiện là ma túy, pháo, vật liệu nổ, động vật hoang dã và sản phẩm của động vật hoang dã quý hiếm, rượu ngoại, thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, quần áo, đồ điện tử, điện lạnh, thực phẩm, gia cầm, gia súc, hàng bách hóa tiêu dùng,...
Tình trạng buôn lậu xăng dầu nổi cộm ở biên giới Tây Nam. Ảnh: N.Trinh. |
Trên các vùng biển, khu vực miền Trung và Tây Nam nổi lên là hoạt động buôn lậu xăng, dầu, thuốc lá điếu,... Các cửa khẩu cảng hàng không, sân bay quốc tế nổi cộm là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, sản phẩm của động vật hoang dã và các loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Trong nội địa, vi phạm chủ yếu là niêm yết giá bán hàng, sản xuất, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ trái phép các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp không đảm bảo, sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và trong chăn nuôi,… diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.