Theo chia sẻ từ nhà văn Hà Thủy Nguyên (người tham gia sản xuất cuốn Lịch sử Ramen và bộ sách về lịch sử văn hóa ẩm thực), chị và đơn vị Book Hunter rất muốn tìm kiếm một nhóm tác giả hay nhà nghiên cứu độc lập để làm về lịch sử văn hóa các món ăn Việt Nam. Nhưng sau thời gian dài tìm kiếm kết quả vẫn không mấy khả quan.
Việc thiếu lực lượng tác giả tập trung vào vi lịch sử có thể khiến dòng sách này vẫn còn khá mới lạ so với độc giả trong nước.
Các công ty sách đi tìm tác giả
Trong quá trình khảo sát về thị trường sách lịch sử vi mô, có thể nhận thấy đa phần là sách của tác giả nước ngoài. Kể cả những cuốn sách nghiên cứu về đời sống xã hội Việt Nam, đó cũng là sách của học giả đến từ châu Âu, Mỹ. Ngược lại, tác phẩm Việt Nam vẫn còn hạn chế về số lượng. Thực trạng này cho thấy thị trường sách vi lịch sử trong nước là vùng đất mới mẻ chưa được khai thác sâu rộng và toàn diện. Tuy nhiên, sức hút từ ngành xuất bản chưa đủ để hình thành các nhà nghiên cứu hay nhóm nghiên cứu độc lập gắn bó với hướng đi này.
Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho biết rằng sau quá trình làm cuốn Đời sống cà phê và Lịch sử Ramen, chị có cơ hội hiểu rõ hơn vai trò của nghiên cứu vi lịch sử. Thông qua các tác phẩm này, độc giả có thể thấy được sự chuyển dịch của đời sống xã hội thông qua những thứ rất đơn giản hàng ngày.
Hơn hết là đời sống dân cư trong quá khứ đã lưu lại các dấu vết văn hóa, quá trình mà con người sáng tạo và tương tác với nhau. Nghiên cứu lịch sử vi mô còn góp phần đưa ra những bài học và kinh nghiệm cho quá trình chuyển dịch xã hội trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Dù ý nghĩa thực tiễn lớn, việc tạo ra một chuỗi tác phẩm nghiên cứu lịch sử vi mô về Việt Nam không phải là điều đơn giản. “Tôi đã dành nhiều thời gian để tìm kiếm các nhóm, cá nhân nghiên cứu độc lập về văn hóa lịch sử ẩm thực. Đến nay, tôi vẫn chưa thể tìm được. Các nhà nghiên cứu độc lập thường gặp một khó khăn là họ ít có cơ hội tiếp cận các nguồn tài liệu được thẩm định, hơn nữa kinh phí cũng là một rắc rối lớn với họ. Trong thời gian tới, tôi mong các cá nhân hay nhóm nghiên cứu trong nước đi theo hướng vi lịch sử có thể phát triển hơn”, chị Hà Thủy Nguyên cho biết.
Với xuất thân là một nhà văn, Hà Thủy Nguyên thấy rằng bản thân khó có thể tạo nên một tác phẩm lịch sử chuyên sâu như một nhà nghiên cứu. Do nguồn lực còn hạn chế, nên chị Hà Thủy Nguyên đành để lại một phần ý tưởng trên giấy.
Ông Vũ Trọng Đại (Giám đốc công ty sách TIMES) cũng nhận định: “Nghiên cứu lịch sử vi mô về mảng giáo dục trong gia đình tại Việt Nam vẫn còn khá ít ỏi. Vì vậy, chúng tôi thường phải tìm tới các tác phẩm nước ngoài. Tôi cho rằng một phần nguyên nhân đến từ kinh phí. Lịch sử vi mô nói về những thứ nhỏ bé nhưng quá trình để nghiên cứu về chúng có thể tốn một lượng chi phí lớn. Không phải nhóm nghiên cứu độc lập nào cũng đáp ứng được điều này”.
Thế khó của các tác giả lịch sử vi mô
Anh Dương Phạm Trí (thành viên nhóm Việt Sử liên minh, nghiên cứu về cổ phục) cho biết nguồn tư liệu luôn là một vấn đề nhức nhối trong giới nghiên cứu văn hóa lịch sử. Từ việc có nhiều định kiến đã tồn tại nhiều thập kỷ, thông tin sai lệch, cho đến sự ngộ nhận giữa chính sử và thần thoại, hay thất thoát nguồn tư liệu do chiến tranh, mất mát hiện vật, văn vật, các yếu tố trên đều làm cho việc nghiên cứu vi lịch sử gặp nhiều thử thách.
Vào giữa năm 2023, cộng đồng này mang tên gọi Việt Sử Liên Minh, là nơi chia sẻ kiến thức, tài liệu chéo đa ngành nghề như mĩ thuật, kĩ thuật, thời trang, kiến trúc trong lịch sử, cũng như xây dựng mạng lưới mối quan hệ đế kết nối và hợp tác tạo ra sản phẩm ứng dụng văn hóa. Các thành viên có thể cùng nhau nghiên cứu và đóng góp ý kiến phản biện, xây dựng.
“Chỉ có cùng nhau chung tay đóng góp đa ngành nghề, chúng ta mới có cơ hội bổ khuyết được những phần còn thiếu sót hay bị mất mát trong lịch sử. Vì khi chúng ta nhìn nhận cuộc sống này, hay cuộc sống trong quá khứ là một thể những kết nối thì ta sẽ thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận tài liệu”, anh Dương Phạm Trí chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Phan Thanh Nam cho rằng mặt hạn chế là các nhóm, cá nhân nghiên cứu độc lập thiếu các phương tiện, khả năng tiếp cận các kho lưu trữ quốc gia, cũng như nguồn kinh phí thực nghiệm, thực địa hoặc đơn giản là để hoạt động lâu dài. Họ cũng thiếu các đơn vị, đoàn thể , dự án, hội thảo khoa học cấp nhà nước bảo chứng cho các nghiên cứu đó. Chưa kể những nhầm lẫn và sai lệch thông tin vô tình hoặc hữu ý.
Những hạn chế anh Phan Thanh Nam nêu ra cũng là thắc mắc của các học giả quốc tế khi nói về lịch sử vi mô. Đa phần các tác phẩm này đều được tạo nên bởi các cá nhân, không có hội đồng nghiệm thu hay đánh giá thông qua các cuộc hội thảo.
Để vượt qua các khó khăn này, các tác giả lựa chọn hướng đi lịch sử vi mô có thể phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Thành công không đến từ một cơ may, giống Albert Einstein từng nói: “Lý do khiến tôi thành công là tôi ở lại và dành thời gian đương đầu với một vấn đề hóc búa lâu hơn người khác”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Nhà bác học Newton đã thay đổi lịch sử vật lý thế nào?
Ông đã đặt nền móng cho những thứ mà bây giờ chúng ta gọi là cơ học “cổ điển” hay đơn giản là cơ học “Newton”.
Bên cạnh đại sử chú trọng vào góc nhìn chính trị, những khía cạnh khác như con người, nghệ thuật, văn hóa, ẩm thực cũng góp phần khắc họa rõ nét và toàn diện hơn bức tranh lịch sử.
'Cuộc chiến xứ Gallia' và quyết định quan trọng nhất của Caesar
Nhờ tập ký sự "Cuộc chiến xứ Gallia” của Julius Caesar mà một góc quá khứ đã thoát khỏi số phận chìm nghỉm mãi mãi trong lỗ đen của lịch sử.