Hàng nghìn người ủng hộ một đảng có nguy cơ bị giải thể đã biểu tình ở thủ đô Bangkok hôm 14/12 - cuộc biểu tình lớn nhất kể từ đảo chính năm 2014. Ảnh: Reuters. |
Cuộc biểu tình được khởi xướng bởi lãnh đạo Thanathorn Juangroongruangkit (áo trắng, giơ tay) của đảng Future Forward, đảng bị chính quyền Thái Lan cấm hoạt động. Ảnh: AFP. |
Đám đông tập trung tại lối đi trên cao nối một số trạm phương tiện công cộng và các khu thương mại, tràn xuống dưới đường, cùng nghe ông Tharnathorn phát biểu một cách khí thế, “kêu gọi họ đứng lên và đấu tranh cho dân chủ”, AP mô tả. Ảnh: AFP. |
Quy mô của cuộc biểu tình làm gợi nhớ lại cuộc đảo chính năm 2014. Người phát ngôn của đảng Future Forward nói 10.000 người đã biểu tình, trong khi chính quyền không đưa ra con số ước tính, theo Reuters. Ảnh: Reuters. |
Lãnh đạo đảng Future Forward, cũng là một tỷ phú, là một trong những người phản đối chính phủ kịch liệt nhất kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 3, là lần đầu tiên người Thái đi bỏ phiếu kể từ cuộc đảo chính quân sự 2014. Phe đối lập cho rằng cuộc bầu cử đã bị thao túng, giúp phe quân đội của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đắc cử. Ảnh: AFP. |
Những ý tưởng, đề xuất cấp tiến, chống chính quyền quân sự của đảng Future Forward đã làm hệ thống chính trị bảo thủ của Thái Lan khó chịu, nhưng lại được lòng giới trẻ, theo AP. Ảnh: Reuters. |
Nhiều người giơ tay chào ba ngón để thể hiện sự phản kháng đối với chính quyền hiện tại, vốn là chính quyền quân sự tại vị sau cuộc bầu cử 2014, theo Reuters. (Chào ba ngón là một biểu tượng từ phim The Hunger Games.) Ảnh: AFP. |
Nhiều người trẻ tới biểu tình lần đầu tiên trong đời. “Đã đến lúc rồi”, nhân viên văn phòng Pantipa Tiakhome, 30 tuổi, nói với Reuters. “Họ đã tìm mọi cách để nền dân chủ không phát triển”. Ảnh: AFP. |
"Đây mới chỉ là bắt đầu. Hôm nay là màn phô diễn sức mạnh để sắp tới, những người khác có thể tham gia với chúng tôi. Chúng ta ở đây hôm nay giống như diễn tập", ông Thanathorn nói. “Cuộc biểu tình thật là vào tháng tới”. Ảnh: AP. |
Không có dấu hiệu nào cho thấy cảnh sát được huy động quy mô lớn hay nỗ lực ngăn chặn cuộc biểu tình này. Ảnh: Reuters. |
Kể từ cuộc bầu cử, Future Forward đã vướng vào các vụ kiện. Ngày 11/12 vừa qua, Hội đồng bầu cử Thái Lan đã yêu cầu tòa án hiến pháp giải tán đảng Future Forward, cáo buộc họ vi phạm luật quản lý các đảng chính trị do nhận nhiều khoản vay trị giá hàng triệu USD từ ông Thanathorn. Ảnh: AP. |
Từ tháng 11, tòa án hiến pháp, được cho là thân chính phủ và hoàng gia, ra phán quyết nói ông Thanathorn nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông vào ngày ứng cử, khiến ông không đủ tư cách trở thành thành viên quốc hội. Ông Thanathorn không chấp nhận phán quyết này. Ảnh: AFP. |
Ông Thanathorn thành lập đảng của mình vào tháng 3/2018, ban đầu được giới trẻ ủng hộ, nhưng sau được nhiều tầng lớp khác hưởng ứng. Đảng này vận động thay đổi hiến pháp theo hướng dân chủ hơn. Hiến pháp hiện tại được chính quyền quân sự thông qua khi nắm quyền sau đảo chính năm 2014, theo đó trao nhiều quyền lực cho quân đội. Ảnh: AP. |
Ông đã ký một thỏa thuận liên minh đối lập với sáu bên để thúc đẩy thay đổi hiến pháp. Các đảng cũng ủng hộ ông kêu gọi cuộc biểu tình. Ảnh: AP. |