Những ngày đầu năm mới, một số cá nhân có hành vi mời gọi, lôi kéo người dân đi du xuân xem bói toán, tướng số, xóc thẻ... tại các chùa, đền.
Việc làm trên có vi phạm các quy định của pháp luật? Chế tài xử phạt ra sao?
Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội
Dịp đầu năm, các địa phương thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí như lễ hội dân gian thu hút nhiều người tập trung. Ngoài hoạt động mang tính lành mạnh, một số người đã lợi dụng các sự kiện này để hành nghề mê tín dị đoan, bói toán.
Hành vi bói toán, xem tướng số hoặc các hoạt động mê tín dị đoan khác đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 15 Nghị định 158/2013 của Chính phủ, người có hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và hình thức tương tự khác để trục lợi, sẽ bị phạt hành chính 3-5 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định 144/2021 đề ra chế tài xử phạt hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc tung tin làm người khác hoang mang sẽ bị xem xét phạt hành chính 5-10 triệu đồng.
Trường hợp người hành nghề mê tín dị đoan đã bị xử phạt hành chính nhưng tái phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 320 Bộ luật Hình sự về tội Hành nghề mê tín, dị đoan. Khung hình phạt gồm phạt tiền tối đa 100 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 10 năm.
Bên cạnh đó, việc hành nghề mê tín, dị đoan thường đi kèm với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, người nào đó nói ra thông tin về bói toán, tướng số thiếu cơ sở khoa học khiến đối phương lo sợ đến mức phải đặt tiền để "hóa giải" thì đó là dấu hiệu lừa đảo.
Khi người dân phát hiện ai đó có hành vi hành nghề mê tín, dị đoan thì nên cảnh báo cho người xung quanh và trình báo cơ quan chức năng địa phương.
Ngoài ra, người dân có thể ghi lại bằng chứng của việc hành nghề mê tín, dị đoan hoặc hành vi phạm tội quả tang khác được phát hiện khi tham gia hoạt động đông người dịp đầu năm.