Trong năm mà Lionel Messi bước sang tuổi 31, Cristiano Ronaldo chạm mốc 33, bóng đá thế giới bỗng chứng kiến sự vụt sáng của "vua Ai Cập" Mohamed Salah.
Không phải Neymar, chính Salah mới là ứng cử viên lớn nhất cho vị trí kế thừa “Quả bóng vàng" châu Âu từ tay song tấu Ronaldo - Messi.
Đó là phản ứng của huấn luyện viên Juergen Klopp trong lần chạm mặt đầu tiên với Salah vào tháng 7/2013, khi Dortmund của ông đối đầu Basel trong một trận giao hữu.
Dortmund khi đó của Klopp đang là á quân Champions League và vừa trải qua một mùa hè sôi động khi chào đón Henrikh Mkhitaryan và Pierre-Emerick Aubameyang tới sân Signal Iduna Park. Với đẳng cấp chênh lệch, Dortmund dễ dàng giành chiến thắng 3-0 sau những pha lập công của Marco Reus, Mkhitaryan và Jonas Hoffman.
Nhưng Klopp buộc phải để ý tới cầu thủ chạy cánh nhỏ con bên phía đối thủ. Đó là Mohamed Salah. Dù không ghi bàn, tiền đạo người Ai Cập khiến những ngôi sao Dortmund thực sự gặp khó với tốc độ đáng sợ của mình. Ngay sau trận cầu đó, Juergen Klopp bí mật cử những trợ lý theo dõi Salah. Ông muốn một ngày mình sở hữu chàng trai này trong đội hình.
Cùng chung hứng thú với Klopp khi đó còn là Liverpool. Đội bóng thành phố cảng bắt đầu ngắm nghía Salah sau khi cầu thủ người Ai Cập ghi bàn giúp Basel đả bại Chelsea 1-0 tại Champions League.
Những tuyển trạch viên khi đó của "The Kop" đã ghi chép lại rất tỉ mỉ những chỉ số của Salah, bao gồm cả những chi tiết nhỏ như tinh thần thi đấu, cách anh tập luyện cũng như các giao tiếp với đồng đội.
Mọi chỉ số đều cho thấy Salah sẽ là người thích hợp với Liverpool. Nhưng sau cùng cả Dortmund của Klopp lẫn Liverpool đều không có được Salah, Chelsea của Jose Mourinho đã tới và đưa cho Salah một lời đề nghị không thể chối từ.
“Basel đã từ chối nhiều hơn một lời đề nghị dành cho tôi. Câu lạc bộ cho rằng tôi xứng đáng với mức giá cao hơn. Tôi thích Liverpool vào lúc ấy, và thực sự rất gần tới việc gia nhập họ”, Salah kể lại. “Thế rồi Mourinho gọi điện và tất cả thay đổi. Ông ấy nói rằng cần tôi ở Chelsea”.
Cập bến Stamford Bridge trong vai trò người thay thế Juan Mata chuyển sang MU, Salah không có nhiều cơ hội dưới quyền Jose Mourinho. Anh chỉ có 19 trận, ghi được 2 bàn trước khi bị đẩy tới Fiorentina trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2015 theo hợp đồng cho mượn có thời hạn 6 tháng, kèm điều khoản gia hạn thêm 12 tháng khi hết hạn.
Sau này chính Salah thừa nhận anh luôn cảm thấy “cô đơn” tại đội chủ sân Stamford Bridge. Eden Hazard, Didier Drogba, Willian hay Oscar là những cái tên quá lớn để Salah có thể cạnh tranh. Anh cũng cảm thấy ngột ngạt vì “không khí quá lạnh” tại London.
Thành Firenze cổ kính cuối cùng cũng là nơi để Salah chứng minh cho cả thế giới thấy anh là ai. Anh ghi 1 bàn giúp Fiorentina đả bại Tottenham 2-0 trên sân nhà để tiến vào vòng 1/8 Europa League.
Đó là ngày 26/2/2015, hơn một tuần sau, Salah ghi tiếp một cú đúp giúp Fiorentina vượt qua Juventus 2-1 trong trận bán kết lượt đi Copa Italia.
Xen giữa hai bàn này là cú sút tung lưới Inter tại Serie A ngay trên sân khách. Cả Italy phát điên vì Salah. “Ma thuật”, tờ Gazzetta dello Sport đưa Salah lên trang nhất. Với các cổ động viên Fiorentina, Salah vụt biến thành thần tượng số một sân Artemio Franchi.
Tháng 6/2015, HLV trưởng của Fiorentina Vincenzo Montella chơi bài ngửa với nhà Della Valle. Ông muốn có Salah trong đội hình trong mùa giải mới, bằng không ban lãnh đạo Fiorentina cứ việc… sa thải mình.
Kết quả: Montella rời Artemio Franchi. Người Firenze lại càng phát điên khi AS Roma bất ngờ nhảy vào đàm phán thẳng với Chelsea về Salah. Cuối cùng, “Bầy sói” chiến thắng bằng giao kèo mượn một mùa kèm điều khoản mua đứt trị giá 25 triệu euro. Fiorentina biết rằng mình đã đánh mất một viên ngọc, trong khi Roma thực sự có được món hời.
Trong hai năm khoác áo AS Roma, Salah đã trở lại với vị thế của một trong những cầu thủ tấn công đáng chú ý bậc nhất lục địa già. HLV Luciano Spalletti đã hoàn thiện cầu thủ người Ai Cập. Ông giúp Salah cải thiện phần thân trên bằng những bài tập cơ bắp nhằm giúp anh xử lý tốt hơn trong phạm vi hẹp, điều tối quan trọng ở nền bóng đá đòi hỏi tính chiến thuật cao như Italy.
Bên cạnh đó, Spalletti cũng điều chỉnh Salah theo hướng chơi đồng đội hơn. Sau 83 trận khoác áo AS Roma trong hai mùa giải, Salah có 34 bàn, 24 kiến tạo. Kết thúc mùa 2016/17, Roma buộc phải bán Salah để tránh khỏi việc vi phạm “Luật công bằng tài chính của UEFA”.
Cùng lúc ấy, những người theo đuổi Salah năm nào là Klopp và Liverpool nay đã về chung một nhà. Cả hai đều biết rằng đây sẽ là cơ hội duy nhất để họ sở hữu ngôi sao tấn công người Ai Cập...
37,8 triệu bảng đã được Liverpool chi ra để đưa Salah trở về xứ sở sương mù, tính cả các khoản phụ phí, giá trị vụ chuyển nhượng có thể lên mức 45 triệu bảng. Dẫu vậy, không khó để thấy chính những người Liverpool cũng hoài nghi về khả năng của Salah. Những CĐV Liverpool từng nổi điên khi tài khoản trang cá nhân của Liverpool thản nhiên đăng một bài viết về thủ thành Simon Mignolet trong khi Salah đang thực hiện cuộc kiểm tra y tế.
Hãy nhớ rằng, Salah đến sân Anfield với mức giá chuyển nhượng cao nhất lịch sử câu lạc bộ, vượt qua cả những Fernando Torres hay Luis Suarez. Ấy vậy mà những gì anh nhận được trong ngày hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng là sự thờ ơ của đội ngũ truyền thông mạng xã hội.
Những người Liverpool có lẽ chưa chuẩn bị cho cơn sốt mang tên Salah. Mối quan tâm khi đó của "The Kop" là Philippe Coutinho sẽ đi hay ở. Tiền vệ tấn công người Brazil đã rất muốn chuyển tới Barcelona nhưng bộ sậu của Liverpool nhất quyết không chấp nhận.
Ngày 2/1/2018, Klopp phẩy tay trong phòng họp báo: “Lạy Chúa, anh không còn câu hỏi gì mới sao, hôm nay là ngày đầu năm mới mà” khi các phóng viên một lần nữa hỏi Klopp về tương lai của Coutinho. Năm ngày sau, Coutinho sang Barca với phí chuyển nhượng 108 triệu bảng.
Lý do nào để Liverpool cuối cùng cũng chấp nhận để Coutinho ra đi? Câu trả lời dĩ nhiên là Salah. Tính đến đúng thời điểm Coutinho rời đi, Salah đã có 22 bàn cho Liverpool và là chân sút số một của CLB.
Sau khi Coutinho ra đi, Salah có thêm 21 bàn để nâng số bàn thắng có được trong mùa giải này lên thành 43 bàn. Anh là người đạt tới con số này nhanh nhất trong lịch sử Liverpool và đang tiến sát tới kỷ lục 47 bàn của huyền thoại Ian Rush lập được vào mùa giải 1983/84 (cũng là mùa Liverpool vô địch châu Âu).
Salah cũng đang độc chiếm ngôi vị số một trong cuộc đua tranh danh hiệu “Chiếc giày vàng" châu Âu với 31 bàn tại Premier League. Mới đây, anh cũng vượt mặt Kevin De Bruyne của Man City để giành danh hiệu cầu thủ hay nhất mùa giải do PFA (Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh bầu chọn).
Trong trận bán kết lượt đi với AS Roma tại Anfield, một mình Salah gần như hủy diệt đội khách khi ghi 2 bàn, góp 2 đường kiến tạo vào chiến thắng chung cuộc 5-2.
Tại Liverpool lúc này, Salah là tất cả. Anh chiếm trọn niềm tin của những CĐV Liverpool bằng sự chuyên nghiệp tuyệt đối, tính cách vui vẻ cùng phong độ không tưởng trên sân cỏ, chiếm trọn cả những trang thông tin. Quan trọng hơn cả, Salah luôn đặt tập thể lên trên bản thân mình. Anh thừa nhận mình “không cần” danh hiệu “Vua phá lưới”.
Thứ Salah muốn là danh hiệu vô địch Champions League cùng Liverpool. Salah chỉ thực hiện đúng… 2 cuộc phỏng vấn kể từ khi chuyển tới Liverpool. Trong cả hai lần mở lời với báo chí, anh đều tự hạ thấp những bàn thắng của mình và ghi nhận công sức của những đồng đội như Roberto Firmino, Sadio Mane hay Jordan Henderson.
Nếu như người Liverpool từng phát điên vì Torres hay Suarez như thế nào, câu chuyện với Salah mùa giải này là điều tương tự. Những chiếc áo đấu số 11 bán chạy như tôm tươi, kiểu đầu xù trở thành mốt.
Salah còn tiếp tục ghi điểm với các CĐV Liverpool khi giao lưu với Moin Younis, người chiến thắng trong cuộc thi “Thiếu niên dũng cảm” của vương quốc Anh vào năm ngoái. Younis bị một chứng bệnh hiếm gặp liên quan đến da, bác sĩ đã lắc đầu trước việc điều trị và dự đoán cậu sẽ không thể sống quá 17 tuổi.
Younis đã chứng minh các bác sĩ sai khi gần như đánh bại căn bệnh hiếm gặp này. Cậu chỉ có một ước vọng, là nói chuyện với Salah. Tiền đạo người Ai Cập đã biến giấc mơ của Younis trở thành hiện thực khi tới trò chuyện với cậu thay vì nán lại, đưa ra một bài phát biểu hùng hồn với những nhà báo và đồng nghiệp sau khi giành được danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất Premier League”.
Chủ tịch của AS Roma, CLB đối đầu với Liverpool tại vòng bán kết Champions League, ông James Palotta thừa nhận người đồng cấp với mình bên phía Liverpool, John Henry tỏ ra khá bực bội khi cho rằng mình bị “hớ” khi mua Salah với giá 45 triệu bảng.
“Tôi đã phải mời John đi ăn trưa để xoa dịu”, Palotta nhớ lại. Giờ thì John Henry hẳn phải thở phào vì đã duyệt chi tiền để chiêu mộ ngôi sao người Ai Cập. Không có Salah, thật khó để biết Liverpool sẽ đi đến đâu trong mùa giải này.
Người dân Ai Cập sẽ không thể quên ngày 8/10/2017, ĐT Ai Cập chỉ cần thắng CHDC Congo là sẽ chính thức giành vé tham dự World Cup 2018. Đã 28 năm trôi qua kể từ lần cuối cùng Ai Cập xuất hiện tại cúp thế giới, người dân xứ sở kim tự tháp không thể chờ đợi thêm được nữa. Phút thứ 94, tỷ số vẫn là 1-1, nếu hòa, Ai Cập sẽ phải tử chiến với Ghana ở lượt trận cuối cùng. Bỗng trọng tài cho Ai Cập được hưởng quả phạt đền sau khi hậu vệ của Congo phạm lỗi trong vòng cấm.
Đứng trước cơ hội bằng vàng, Salah đã không bỏ lỡ cơ hội chấm dứt 28 năm không biết mùi World Cup của Ai Cập. Hình ảnh Salah được công kênh sau trận dưới ánh đèn chói lòa được ghi nhận là hình ảnh được truyền đi rộng rãi nhất về bóng đá Ai Cập trong suốt hơn nửa thập kỷ qua, kể từ thảm họa khiến 74 người chết, 1000 người bị thương trong trận đấu giữa Al-Masry và Al-Ahly hồi tháng 2/2012.
LĐBĐ Ai Cập sau thảm họa ấy đã có lúc đình chỉ các hoạt động bóng đá tại nước này vô thời hạn trước khi rút lại quyết định ấy sau đó. Trong chiến dịch vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Phi, Salah ghi 5/8 bàn cho Ai Cập, anh là họng pháo duy nhất trong đội hình thiên về phòng ngự của Hector Cuper.
Tại Ai Cập, Salah được gọi là “Kim tự tháp thứ 4”, những bức hình Salah được vẽ lên khắp các bức tường trên đường phố. Với người dân Ai Cập, Salah còn hơn cả một người hùng.
Sinh ra tại ngôi làng Nagrig ở al-Gharbiya, ở khu vực đồng bằng sông Nile trong một gia đình nghèo, Salah đã phải vượt qua vô vàn khó khăn để trở thành một cầu thủ bóng đá. Khi còn trẻ, Salah phải đạp xe, bắt 3 chuyến xe bus, mất hơn 4 tiếng di chuyển mỗi ngày để đi từ ngôi làng của mình tới CLB El Mokawloon ở thủ đô Cairo tập bóng. Khi Salah về nhà cũng là lúc trời tối mịt.
“Bóng đá từng là giấc mơ không tưởng”, Salah thừa nhận trong một bài phỏng vấn khi còn khoác áo Roma. Với những cậu bé sinh ra ở phía Bắc Ai Cập như Salah, cầu thủ bóng đá không phải một nghề nghiệp.
Thậm chí, một quả bóng da khi ấy cũng là phi thực tế. Salah và chúng bạn bắt đầu những ý niệm đầu tiên với trái bóng bằng kora sharab, một “quả bóng” bằng những chiếc tất nhồi. Chặng đường để Salah đi từ đó tới vị thế như hiện tại quả thực phi thường.
Nhưng Salah chưa từng quên mình là ai. Anh đã xây hẳn một trường học, một siêu thị cung cấp thực phẩm miễn phí trong tháng Ramadan tại ngôi làng Nagrig. Sau khi giúp Ai Cập lọt vào World Cup, một tỷ phú đã muốn tặng Salah căn biệt thự xa hoa. Anh từ chối và xin quy đổi căn biệt thự ra tiền mặt để trợ giúp trẻ em nghèo ở quê nhà.
Những người Ai Cập bây giờ theo bước Salah trên mọi chặng đường. Họ chờ đợi những trận đấu của Liverpool để ngóng chờ những bàn thắng của anh. Khi Salah sút tung lưới Roma mở tỷ số cho Liverpool trong chiến thắng 5-2 tại bán kết lượt đi Champions League, một đoạn video đã được đẩy lên mạng xã hội trong đó ghi lại một quán cafe tại Ai Cập chật như nêm, hàng chục người khoác chiếc áo đỏ của Liverpool hét lên sung sướng khi Salah ghi bàn.
"Chúng tôi không cổ vũ cho Liverpool, chúng tôi cổ vũ cho Salah. Nếu HLV rút Salah khỏi trận đấu, chúng tôi sẽ chuyển kênh bởi trận đấu lúc đó coi như đã kết thúc với chúng tôi", một cổ động viên khẳng định.
Ở tuổi 25, ảnh hưởng của Salah đã vượt xa sân cỏ. Anh giờ là đại diện cho người dân Ai Cập, anh hàn gắn thành công những mâu thuẫn chính trị lớn ở quốc gia này bằng những mà trình diễn ấn tượng trên sân cỏ cùng những động thái quyên góp tiền ủng hộ cho trẻ em nghèo.
Messi không tạo ra hòa bình khu vực Nam Mỹ, Ronaldo không hàn gắn những mâu thuẫn chính trị tại Bồ Đào Nha, nhưng Salah đã làm được cả hai với Ai Cập. Thậm chí trong cuộc bầu cử hồi cuối tháng 3 tại Ai Cập, đã hơn một triệu người không hài lòng với các ứng viên. Họ gạch hết tất cả để rồi điền tên Salah cho vị trí tổng thống.
Người ta đang nói về việc Salah sẽ giành “Quả bóng vàng” nếu cứ tiếp tục phong độ này trong màu áo Liverpool và ĐT Ai Cập tại World Cup, qua đó chấm dứt chuỗi ngày thống trị của Ronaldo-Messi.
Nhưng với một người ái quốc như Salah, chuyện giành “Quả bóng Vàng” có lẽ không quan trọng bằng việc anh dùng ảnh hưởng của mình để thay đổi quê hương như thế nào.
“Tôi muốn chia sẻ nó với tất cả những trẻ em châu Phi và Ai Cập. Tôi muốn nói với chúng rằng đừng bao giờ ngừng mơ ước, đừng bao giờ mất niềm tin", Salah phát biểu sau khi đoạt danh hiệu “Cầu thủ hay nhất châu Phi”.
Sẽ có bao nhiêu đứa trẻ sinh ra tại Ai Cập trong suốt những năm qua có tên là Mohamed, lấy cảm hứng từ tên của Salah? Sẽ có bao nhiêu ước mơ của những đứa trẻ tại Ai Cập được trở thành sự thật với những giúp đỡ từ Salah? Con số ấy thật khó thống kê, nhưng tất cả đều biết rằng nó đã và đang diễn ra.
Ai Cập đang thay đổi từng ngày bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của Salah. Điều ấy sau cùng, có khi còn có giá trị hơn cả “Quả bóng vàng”.