Mở rộng quốc lộ 1, thêm 20 trạm thu phí, thu gấp 3,5 lần
Khi các dự án mở rộng dọc tuyến Quốc lộ 1 hoàn thành vào năm 2016 sẽ có thêm gần 20 trạm thu phí với mức thu tăng từ 1,5 - 3,5 lần.
Ngày 26/3, dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 1A (QL1) đoạn Nghi Sơn (Thanh Hoá) – Cầu Giát (Nghệ An) theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) đã được khởi công.
Đây là dự án BOT thứ hai được khởi công trong vòng một tuần qua, đoạn qua Quảng Nam được khởi công trước đó hai ngày.
Dự án mở rộng Quốc lộ 1 có gần 20 dự án thành phần được thực hiện theo hình thức BOT. |
Để hoàn vốn cho dự án, nhà đầu tư sẽ được thu phí tại các trạm Quỳnh Lưu (với dự án Nghi Sơn – Cầu Giát) và trạm Tam Kỳ cho dự án mở rộng QL1 qua Quảng Nam. Mức phí chung cho cả hai trạm là gấp 3,5 lần so với mức quy định của Bộ Tài chính hiện nay đối với các trạm xây dựng từ vốn ngân sách.
Và không chỉ với hai trạm nói trên mà trên toàn tuyến QL1, sau khi cơ bản hoàn thành mở rộng vào năm 2016, sẽ có khoảng 20 trạm BOT như thế. Theo báo cáo ngày 25/3 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về dự án mở rộng QL1, có gần 20 dự án thành phần được thực hiện theo hình thức BOT (trong đó có hai dự án theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao) kết hợp BOT là hầm Đèo Cả và đoạn từ đầu tỉnh Phú Yên đến Sông Cầu), còn 17 đoạn đầu tư theo hình thức BOT.
Báo cáo này cũng cho biết, trong tổng chiều dài 1.050km thì đầu tư theo hình thức BOT 100% vốn nhà đầu tư, nhà đầu tư được thu phí để hoàn vốn là 492km với tổng mức đầu tư 36.400 tỉ đồng. Còn lại 558km với tổng mức đầu tư 42.300 tỷ đồng là từ nguồn vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Đến nay, các dự án BOT nói trên đã hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư để chậm nhất là khởi công trong năm 2013. Còn theo Thứ trưởng bộ GTVT Trương Tấn Viên, có thể sớm hơn là vào tháng 5 tới sẽ khởi công đồng loạt để có thể hoàn thành trong năm 2016 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Điều này cũng có nghĩa, khi các dự án này hoàn thành thì dọc tuyến QL1 sẽ có thêm gần 20 trạm thu phí BOT (trong đó có nhiều trạm hiện đang là bán quyền thu phí sau khi hết hạn sẽ được trao cho nhà đầu tư thành trạm BOT) với mức thu cao gấp 1,5 - 3,5 theo quy định của Bộ Tài chính ban hành (năm 2004). Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc vào tháng 11/2012 sau khi bộ GTVT kiến nghị, thực hiện cả với QL1 lẫn QL14.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các nhà đầu tư đã chọn mức cao nhất trong khung này. Ví như với đoạn Nghi Sơn – Cầu Giát vừa được khởi công ngày 26/3, để hoàn vốn, nhà đầu tư được sử dụng trạm thu phí Hoàng Mai trên QL1 thuộc địa phận huyện Quỳnh Lưu để thu phí trong 20 năm với mức thu cao gấp 3,5 lần.
Tương tự, với dự án mở rộng QL1 qua Quảng Nam, nhà đầu tư sẽ được sử dụng doanh thu trạm thu phí Tam Kỳ để hoàn vốn cho dự án với mức thu cao gấp 3,5 lần theo quy định của Bộ Tài chính, và sau ba năm được điều chỉnh một lần, mỗi lần 15%, với thời gian thu hơn 24 năm.
Ngày 26/3, trao đổi với phóng viên, một Thứ trưởng bộ GTVT trấn an rằng, khác với việc thu phí của các trạm BOT tuyến tránh trước đây là nhà đầu tư được thu phí ngay cả trước khi khởi công, thì nay, các trạm phí BOT thuộc các dự án mở rộng QL1 lần này chỉ được phép thu từ năm 2016, tức sau khi dự án cơ bản hoàn thành.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị