Đó là cách Mộ phần tuổi trẻ bắt đầu, với những cái tên mang tính lịch sử cùng một nhân vật “ba tôi” không tên. Nó gợi nhắc đến những tác phẩm hậu hiện đại, khi mà con người vô danh được cắt ghép vào những mảng lịch sử khổng lồ và bí ẩn.
Và như phần còn lại của cuốn tiểu thuyết, cảnh mở đầu này không chỉ là cảnh trên bàn tiệc, bởi mỗi miếng ăn vào miệng một nhân vật lại mở ra một phân đoạn quá khứ hay tương lai - những miếng ông Nhu nhai trệu trạo vì thèm thuốc là dấu hiệu của một nền chính trị sau này sẽ bị đục khoét đến mọt rỗng bởi á phiện, hay cái thủ lợn giữa bàn là điềm báo trước cảnh hành quyết tổng thống và ông cố vấn giữa kinh đô ngụy quyền.
Và khi ông Thiệu cho miếng chả giò giòn rụm vào miệng thì - chuyển cảnh - ta đang ngồi giữa chợ Bến Thành nhiều năm sau đó nghe ông phát biểu trên truyền hình. Xuyên suốt Mộ phần tuổi trẻ là thứ ngôn ngữ văn chương đậm màu sắc điện ảnh như vậy, với nhiều yếu tố hậu hiện đại như cấu trúc phi tuyến tính, tính rời rạc và tính liên văn bản.
Cuốn tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ của Huỳnh Trọng Khang. |
Cuốn sách hơn hai trăm trang không một lần ngắt chương, nhưng di chuyển liên tục giữa nhiều mốc thời gian khác nhau mà không báo trước. Chỉ cần một yếu tố chuyển cảnh, như cuốn chả giò của ông Thiệu, như cổ tay của cô thiếu nữ - nhuốm máu trong quá khứ và đã thành sẹo trong hiện tại, là đủ để đưa người đọc đến một không gian khác, một thời điểm khác.
Những con người của Sài Gòn thập kỷ 1960 không bị trói buộc vào không gian Sài Gòn của những năm ấy tháng ấy, mà kết nối với những chiều không gian thời gian khác bằng trải nghiệm của mình.
Bản thân thời gian ấy, không gian ấy chẳng có nghĩa lý gì với những người trẻ tuổi chiêm nghiệm triết học hiện sinh, như những nhân vật của Mộ phần tuổi trẻ, chỉ có những liên kết tự tạo giữa những trải nghiệm khác nhau, những con người khác nhau mới định nghĩa được cuộc sống của họ mà thôi.
Rộng hơn, cả cuốn sách này cũng tự tạo ra những kết nối với các tác phẩm khác để định nghĩa bản thân. Liên tưởng từ văn học, âm nhạc, điện ảnh chất đầy câu chuyện tình yêu của nhân vật chính (con trai tướng quân) với Neige, cô gái được ví von với Lolita, với Juliet, với con chim bị sơn của Jerzy Kosinsky. Còn những mẩu tin từ BBC, từ CNN thì chất đầy bức tranh lớn hơn bên ngoài về tình hình chính trị và chiến tranh.
Mang những thứ có ý nghĩa xác định với toàn nhân loại vào những mẩu chuyện tưởng như chỉ là thờ ơ vô nghĩa của mình, để từ đó thổi hồn cho cả hai phía, đó cũng là cách cuốn sách chọn để đặt câu hỏi về ý nghĩa thời đại.
Có nghĩa gì khi con chim bị sơn thì dĩ nhiên phải chịu những đối xử tàn nhẫn của đồng loại, nhưng con người thì phải được sơn phết đẹp đẽ mới nhận được những lời tán dương? Bản thân những tác phẩm vĩ đại nhất cũng không tự sản sinh ra ý nghĩa, chỉ cần trong bối cảnh khác là đã mang nghĩa khác, huống chi là những mẩu vụn vặt trong đời một ai.
Bên cạnh sự song hành của từng cảnh với các tác phẩm khác, còn có sự song hành đúng chất điện ảnh của những cảnh có thể coi là rời rạc. Chẳng hạn như ở dinh tổng thống, bên ngoài là bạo động, bên trong là “tôi” và Neige bên nhau trong một buổi sáng bình yên.
Hai cảnh xen kẽ nhau, như một khung hình chia đôi. “Tôi chải tóc cho Neige. Chiếc dùi cui đánh tới tấp vào cơ thể co rút của một thanh niên. Tôi chải tóc cho Neige. Máu phun ra từ những cái đầu nứt vỡ. Tôi chải tóc cho Neige.” Ngôn từ bình thản, để sức mạnh hình ảnh nói lên tất cả.
Hay đôi khi là sức mạnh của âm thanh, trong lúc “tôi” ngồi nghe hát nhạc Trịnh còn bên ngoài là cảnh chém giết. Những khung cảnh lệch pha ít nhiều siêu thực trên phản ánh sự tan rã từ bên trong của nhân vật “tôi” khi phải sống trong thế giới mục rũa của Sài Gòn trước 1975, phải hiện sinh cùng với sự vô nghĩa và đứt đoạn của tuổi trẻ không có lối thoát.
Những yếu tố điện ảnh này đáng ra phải khiến Mộ phần tuổi trẻ rất thật, rất giống cuộc đời, so với những tiểu thuyết gọt giũa chi li có đầu có cuối có cao trào thắt nút mở nút. Không phải phần lớn chúng ta vẫn sống những cuộc đời là những cảnh rời rạc, lộn xộn, không rõ ràng ý nghĩa đó sao?
Nhưng tất nhiên, là một cuốn tiểu thuyết, Mộ phần tuổi trẻ đến phút cuối vẫn phải có cao trào và ý nghĩa. Chỉ tiếc rằng cuốn sách không tận dụng được sức mạnh hình ảnh đến chung cuộc, mà vẫn nhấn quá mạnh vào lời lẽ, vào triết lý mà nhân vật chính, chàng sinh viên ban Triết, biết quá rõ là trống rỗng.
“Giữa những cuộc chiến là tình yêu,” hay cũng có thể là hận thù, như nhân vật “tôi” đã tự luận giải, nhưng nhìn kỹ hơn, chẳng ý nghĩa nào tồn tại được giữa chiến tranh, như ấn tượng về những mảnh rời rạc trong Mộ phần tuổi trẻ để lại cho người đọc.