Metaverse, công nghệ nổi tiếng một thời khi CEO Mark Zuckerberg vẽ ra tương lai nơi hàng tỷ người sẽ sống, làm việc và vui chơi trong thế giới kỹ thuật số, gần như đã "chết" sau khi bị giới kinh doanh bỏ rơi, theo nhận định của Business Insider.
Tháng 10/2021, Facebook đổi tên thành Meta và chuyển hướng sang xây dựng vũ trụ ảo. Sau màn ra mắt được nhiều người biết đến, metaverse lập tức trở thành cơn sốt đối các nhà đầu tư ở Phố Wall.
Tham vọng vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg bị bỏ rơi trước làn sóng AI. Ảnh: Chris Delmas. |
Tuy nhiên, sự cường điệu không thể cứu được metaverse. Việc thiếu tầm nhìn nhất quán cho sản phẩm cuối cùng đã dẫn đến sự suy tàn của vũ trụ thế giới ảo.
Trong bối cảnh giới công nghệ đang chuyển dịch sang một xu hướng mới, đầy tiềm năng hơn như AI tạo sinh, số phận của metaverse đã được định sẵn.
Mơ mộng hão huyền của Zuckerberg
Metaverse đang trên đường tới "nghĩa địa" những ý tưởng thất bại trong ngành công nghệ. Vòng đời ngắn ngủi của vũ trụ ảo này cũng là lời cảnh tỉnh cho giới công nghệ về cách mà một dự án hão huyền bị thổi phồng lên.
Ngay từ thời điểm mới được công bố, CEO Zuckerberg đã tuyên bố rằng metaverse sẽ là tương lai của Internet.
Đoạn video quảng cáo hào nhoáng, đi kèm với thông báo đổi tên công ty thành Meta đã mô tả một tương lai nơi người dùng có thể tương tác liền mạch trong thế giới ảo, "giao tiếp bằng mắt" và "cảm thấy như đang ở ngay trong phòng cùng nhau".
Mark Zuckerberg từng tuyên bố rằng metaverse sẽ là tương lai của Internet. Ảnh: Meta. |
Thời điểm đó, Zuckerberg khẳng định metaverse mang đến cho mọi người cơ hội tham gia vào trải nghiệm "nhập vai". Những lời hứa hoành tráng này lập tức tạo nên những kỳ vọng cao ngất trời với metaverse.
Các phương tiện truyền thông ngất ngây trước khái niệm mới mẻ này. Ngay sau thông báo ra mắt, The Verge liền xuất bản một cuộc phỏng vấn dài gần 5.000 từ với Zuckerberg và gọi đó là "một tầm nhìn bao quát, sâu sắc về Internet".
Khởi đầu đầy hứa hẹn của metaverse dường như đặt nó trên con đường toàn những lời khen ngợi. Tuy nhiên, thực tế là vũ trụ ảo chưa bao giờ thực hiện được những lời hứa này trong suốt vòng đời ngắn ngủi của nó.
Meta và Mark Zuckerberg đang xây dựng một nền tảng vũ trụ ảo, nhưng đồ họa thường xuyên bị đánh giá kém chất lượng.
Trong một cuộc phỏng vấn về thực tế ảo với CBS, hình đại diện của Zuckerberg và người dẫn chương trình Gayle King trên Horizon Workrooms, không gian làm việc thực tế ảo hiện lên với chất lượng rất thấp, trái ngược hoàn toàn hình nhân vật ấn tượng trong video quảng cáo của Meta.
Bên cạnh đó, một vấn đề lớn khác của metaverse là khủng hoảng danh tính nghiêm trọng. Zuckerberg viết về metaverse là "tầm nhìn bao trùm nhiều công ty" và "sự kế thừa của Internet di động", nhưng vị CEO hoàn toàn thất bại trong việc trình bày các vấn đề kinh doanh cơ bản mà công nghệ này sẽ giải quyết.
Khái niệm về thế giới ảo, nơi người dùng tương tác với nhau bằng hình đại diện thực tế đã xuất hiện từ cuối những năm 1990 với các trò chơi nhập vai trực tuyến nhiều người chơi.
Để trải nghiệm vũ trụ ảo, người dùng cần kính thông minh cồng kềnh và đắt đỏ. Ảnh: VR Stockholm. |
Metaverse được cho là xây dựng dựa trên những ý tưởng này bằng công nghệ mới. Tuy nhiên, sản phẩm thực tế của Zuckerberg là nền tảng Horizon Worlds, lại bắt buộc người dùng trang bị kính thực tế ảo Oculus rất cồng kềnh.
Xuất hiện trên chương trình của CNBC, Mark Zuckerberg tuyên bố một tỷ người sẽ dùng metaverse và sẵn sàng chi hàng trăm USD ở đó.
Tuy nhiên, CEO Meta lại không thể cho người dùng lý do để đeo một chiếc kính ảo thực tế ảo cồng cồng kềnh và đắt đỏ chỉ để tham dự một buổi hòa nhạc thực tế ảo có chất lượng hình ảnh thấp.
Sự sụp đổ tàn khốc
Bất chấp nhiều vấn đề về tương lai của metaverse, dường như mọi công ty lớn đều đầu tư vào những sản phẩm về vũ trụ ảo này.
Từ Microsoft, Roblox cho đến cả những ông lớn không trong ngành công nghệ như Walmart hay Disney tuyên bố tham gia, mặc dù chính họ cũng không rõ đó là gì hoặc tại sao nên làm như vậy.
Ở thời điểm mới được công bố, các khoản đầu tư vào đất ảo và dự án trong metaverse bùng nổ, với nhiều lô đất kỹ thuật số được bán với giá cả triệu USD. Ảnh: Cointelegraph. |
Giới phân tích ở Phố Wall cũng cố gắng đưa ra dự đoán về sự tăng trưởng của metaverse. Gartner tuyên bố 25% dân số sẽ dành ít nhất một giờ mỗi ngày cho metaverse vào năm 2026. Wall Street Journal nhận định "metaverse sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc mãi mãi".
Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey dự đoán rằng metaverse có thể tạo ra giá trị lên tới "5 nghìn tỷ USD", đồng thời cho biết thêm khoảng 95% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng metaverse sẽ "tác động tích cực đến ngành của họ" trong vòng 5-10 năm.
Không chịu thua kém, Citi đưa ra báo cáo lớn tuyên bố metaverse sẽ là một cơ hội trị giá 13 nghìn tỷ USD.
Bất chấp những dự báo về một công nghệ thần kỳ, metaverse chưa bao giờ đạt đến tầm vóc ấy. Thực tế, mọi ý tưởng kinh doanh hay dự báo về một thị trường màu hồng đều được xây dựng dựa trên những lời hứa mơ hồ của Mark Zuckerberg.
Theo Insider, Decentraland, một trong những nền tảng metaverse nổi tiếng nhất với các lô đất ảo hàng triệu USD, hiện chỉ còn ghi nhận khoảng 38 người dùng hoạt động hàng ngày trong "hệ sinh thái trị giá 1,3 tỷ USD".
Một địa điểm bên trong nền tảng Decentraland. Ảnh: Decentraland. |
Decentraland lập tức phản đối con số này, tuyên bố rằng có khoảng 8.000 người dùng hoạt động hàng ngày trên nền tảng. Mặc dù vậy, đây vẫn là một con số ảm đạm, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với hàng trăm nghìn người chơi mỗi ngày của các tựa game nổi tiếng như Fortnite.
Đến tháng 10/2022, báo cáo Mashable của cho thấy Horizon Worlds hiện có ít hơn 200.000 người dùng hoạt động hàng tháng, con số thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 500.000 mà Meta đã đặt ra cho cuối năm 2022.
Nguồn tin của The Verge còn chỉ ra rằng metaverse có lỗi nhiều đến mức ngay cả nhân viên của Meta cũng không muốn dùng.
Bất chấp sức mạnh của một công ty trị giá hàng nghìn tỷ USD khi đó, Meta không thể thuyết phục người dùng sử dụng sản phẩm mà công ty đã đặt cược tương lai vào đó.
Mọi chuyện càng tệ hơn với metaverse khi nền kinh tế tăng trưởng chậm và sự xuất hiện của cơn sốt từ những công cụ AI tạo sinh như ChatGPT. Đến lúc này, những ông lớn từng tham gia cơn sốt vũ trụ ảo cũng nhận ra sai lầm.
Đầu năm 2023, Microsoft chính thức đóng cửa nền tảng không gian làm việc ảo AltSpaceVR, sa thải 100 nhân sự thuộc nhóm phát triển metaverse công nghiệp và thực hiện một loạt đợt cắt giảm với mảng sản xuất kính thực tế hỗn hợp Hololens.
Metaverse ngày càng mờ nhạt khi cơn sốt về các công cụ AI tạo sinh bất ngờ nổi lên. Ảnh: India Times. |
Đến tháng 3, Disney tuyên bố đóng cửa mảng metaverse. Walmart cũng theo chân khi chấm dứt các dự án metaverse trên nền tảng Roblox.
CEO Meta Mark Zuckerberg tuyên bố không từ bỏ metaverse, ngay cả khi bộ phận quản lý các dự án thực tế ảo và thực tế tăng cường của công ty lỗ 4 tỷ USD trong quý I/2023.
Tuy nhiên, đến chính cha đẻ vũ trụ ảo dường như cũng không còn niềm tin vào nó. Insider cho biết Meta thậm chí đã ngừng giới thiệu metaverse cho các đối tác quảng cáo, sau khi đã chi hơn 100 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển.
"Zuckerberg đã đánh lừa mọi người, đốt hàng chục tỷ USD và sau đó giết chết nó ngay khi một ý tưởng khác bắt đầu được Phố Wall quan tâm. Không có tương lai cho Meta với Mark Zuckerberg", Ed Zitron, Giám đốc Điều hành của EZPR, một công ty truyền thông về kinh doanh và công nghệ nhận xét về cái kết của metaverse.
Hiểu về metaverse để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai
Trong "Metaverse - Vũ trụ kỹ thuật số" , tác giả cuốn sách đem đến hiểu biết cơ bản về metaverse, tầm quan trọng của nó đối với con người cùng các ngành công nghiệp khác nhau.