Trên Đảo Yến có một ngôi mộ cổ, dân trong vùng truyền khẩu đó là mộ của danh tướng ngày xưa chung lưng đấu cật với Lê Lợi - Nguyễn Trãi cho nghiệp khởi nghĩa Lam Sơn giải phóng dân tộc khỏi giặc phương Bắc.
Những lão ông như cụ Lê Thanh Khành (78 tuổi) cho chúng tôi biết, đó là mộ của danh tướng Trần Đạt. Người Quảng Đông dẫn ngôn, dường như có tương truyền, khu đất khu vực núi Rồng và đất trong thung lũng đảo Yến là hai thế đất đẹp.
Mộ giản dị của danh tướng Trần Đạt. |
Nơi có mộ cổ trên đảo Yến chúng tôi đặt chân đến có khu đất thoai thoải, thấp dần theo hướng đông nam, cả vùng đảo khoảng 10km2 thì ở đảo chính có một mô đất thịt như phun ra từ các vỉa đá xung quanh.
Ngày xưa, khi chưa có các đơn vị khoanh nuôi yến từ Khánh Hòa ra thì dân trong vùng lùa trâu bò bơi qua biển, ra đảo Yến rong thả, hết mùa vỗ béo lại cho về để bán. Trong vùng này, có ngôi mộ cổ, tương truyền đó là mộ của danh tướng Trần Đạt. Trước ngôi mộ là giếng nhỏ, khơi nguồn nước ngọt duy nhất ở đảo.
Trước mộ danh tướng Trần Đạt có giếng nước ngọt. |
Tìm hiểu thêm các sách vở lịch sử để lại, thì gia tộc của danh tướng Trần Đạt có nhiều người được phong khanh hầu, quận công, nhiều người khoa bảng, danh cao vọng trọng từ mấy trăm năm nay.
Nhà thờ họ của vị danh tướng này hiện dựng ở làng Thuận Bài, xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch. Quảng Thuận nằm ở phía Bắc cầu sông Gianh, đây là một miền quê trù mật, giàu lòng yêu nước. Ông Trần Hùng Sơn, hiện là Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình, xác thực mộ cụ Trần Đạt nằm ở đảo Yến.
Ông Sơn cho biết: “Tôi là cháu đằng nội của cụ Trần Đạt đời thứ 21. Theo những di ngôn của các bô lão kể lại, hơn 500 năm trước khi dẹp xong giặc Minh, cống hiến cho triều đình, lúc mất xuống, theo di nguyện của cụ, triều đình đã chuyển cụ về táng tại đảo Yến từ đó cho đến nay cũng ngót nghét mấy trăm năm”.
Vậy là người Quảng Đông được đón hai vị tướng cách nhau chừng 500 năm, công lao hiển hách. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm phía bờ, ở điểm cao 110m của núi Rồng, nhìn ra đảo Yến, trên đó có mộ của danh tướng Trần Đạt có công đánh bại quân Minh khắp vùng từ Bắc Quảng Bình ra đến Hà Tĩnh-Nghệ An…
Tiếng gà trưa thanh thản
Tính đến nay đã tròn 16 ngày, đất Vũng Chùa-Đảo Yến (Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào lòng.
16 ngày giữa sóng vỗ rì rào, giữa ánh trăng tà bảng lãng, giữa Hoành Sơn rợp bóng, giữa tiếng thuyền chài vỗ lưới, giữa đàn cá tung tăng bơi lội, giữa bầy chim niệc bên bãi vảy rồng, giữa hàng cây phi lao tỏa bóng, giữa những hạt cát trắng mịn tinh khiết, giữa tiếng gà trưa bên kia núi Rồng của người Thọ Sơn nuôi nấng.
Một khung cảnh mộc mạc, hồn hậu. Người dân quê khoai sắn có nhau, mỗi ngày vẫn hương khói bên bóng mộ chí Đại tướng của nhân dân với tất cả tấm lòng thành kính vô biên.
Người làng Thọ Sơn hay toàn xã Quảng Đông từ ngày đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đến nay, chưa ngày nào đứt quảng khói hương trong tấm lòng của họ. Việc chăm lo chu đáo mộ chí Đại tướng do một tiểu đội 25 chiến sĩ biên phòng canh gác ngày đêm thuộc đồn biên phòng Roòn phụ trách. Nhưng người dân Thọ Sơn, nơi có vũng Chùa-Đảo Yến, nơi có núi Rồng tịnh giấc thiên thu của Đại tướng vẫn khói hương mộ chí. Dù trong mưa nắng, trong mưu sinh thường nhật với sắn khoai ở vùng đất khô cằn sỏi đá họ vẫn dành những cành hoa huệ, những bó nhang nghi ngút dâng lên mộ chí Đại tướng.
Chúng tôi đến làng Thọ Sơn khi tiếng gà trưa đang gáy, dường như người cao tuổi nào ở phía lưng núi Rồng cũng đứng phía sân nhà lúc đứng bóng, vái vọng qua núi Rồng.
Cụ ông Lê Thanh Khành nói: “Với tui, khi gà gáy tiếng đứng bóng, tui ra sân vái vọng lên núi, cầu cho cụ thanh thản yên giấc. Tui sức khỏe chống gậy, mỗi tuần cố ra mộ cụ một lần, nhờ con cháu dắt bộ. Còn sáng sớm rồi trưa, rồi tối, tui lại vái vọng. Cụ vì nước, vì dân, về với chòm xóm quê tui, không chê vùng đất nghèo khó, cụ nghỉ ở đây, dân tui vinh hạnh vô cùng, thương cụ vô cùng”.
Mua đài nghe tin Đại tướng
Những ngày này, đi về phía Quảng Đông, nhà nào cũng ngưỡng vọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo cách riêng. Có nhà, đưa hình Đại tướng với dòng chữ giản dị: “Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn là thầy giáo dạy sử”. Những câu chuyện ở làng quê khoai sắn lúp xúp dưới bóng Đèo Ngang như bất tận của suối nguồn chảy mãi.
Cụ Lê Thanh Khành. |
Cụ Lê Thanh Khành kể: “Ngày 13/10 an táng Đại tướng, nhưng nói thiệt dân tui đến ngày 12/10 mới biết tin bác Giáp qua đời. Cũng vì quê nghèo, cũng vì trận bão số 10 quá nặng nề khiến cả làng lúc đó còn mất điện, không có điện coi ti vi, nên chẳng ai hay. Tui ứa nước mắt, thương bác Giáp, dân tui tủi thân, ở mãi Đèo Ngang nên biết muộn quá. Đến khi cán bộ xã về thông báo ngày 13/10 an táng bác ở đây, dân tui mới biết được.
Tui tức tốc nhờ cháu trong xóm chở lên huyện mua cái đài 250.000 đồng về nghe tin Đại tướng tới chừ. Lúc đó nghe cả ngày, chừ nghe tin dân cả nước về thăm mộ Đại tướng. Lúc đó cả làng đi mua mấy cái đài, cứ nghe mãi, nghe mà nước mắt chảy rơi, nhưng mừng là cụ về với dân, cụ không chê dân tui nghèo, không chê dân tui khổ, không chê dân tui hạt lúa của khoai, không chê dân tui con mắm, con cá nồng nồng mùi biển. Rứa là dân biết ơn cụ lắm. Cụ mất mà vì dân vì nước nữa”.
Những buổi trưa của hôm nay như bao buổi trưa của ngàn vạn buổi trưa mấy trăm năm trước, tiếng gà trưa vẫn văng vẳng phía núi. Cánh chim yến vẫn chao liệng giữa trời xanh.