Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EUIPO) vừa mở một cổng thông tin dành cho các tác phẩm không rõ bản quyền.
Trang Dosdoce nhận định ở các nước Liên minh châu Âu, nhiều thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ tài liệu và viện quản lý di sản văn hóa hiện nay có hàng triệu tác phẩm không xác định rõ tác giả và chủ sở hữu bản quyền. Trong số đó, nhiều tác phẩm hữu ích, có thể phục vụ độc giả trong việc nghiên cứu, giáo dục; một số khác lại phù hợp cho mục đích giải trí.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tác phẩm “mồ côi” rơi vào cảnh “không nơi nương tựa” về chủ sở hữu vì nhiều nguyên nhân như tác giả đó chưa bao giờ được công chúng biết tới, tác phẩm không được phát hành chính thức hoặc do các thông tin về tác giả bị mai một theo thời gian.
Nhiều tác phẩm không rõ tác giả đang nằm trong các thư viện. Ảnh: Lilit Marcu - Conde Nast Traveler. |
Bên cạnh đó, một số tác phẩm cũng được gọi là “mồ côi” vì mang tính chất sở hữu tập thể, thường xuất hiện trên môi trường trực tuyến như các blog, trang mạng không chính thống và khó xác định đích danh tác giả.
Chỉ thị 2012/28/EU của Nghị viện châu Âu và Hội đồng ngày 25/10/2012 về việc cho phép sử dụng một số tác phẩm không rõ tác giả, đã đưa ra quy tắc chung nhằm thực hiện các bước số hóa và hiển thị trực tuyến chúng một cách hợp pháp.
Theo đó, điều 3 và 6 của Chỉ thị nêu: EUIPO là đơn vị chịu trách nhiệm thiết lập và quản lý cơ sở dữ liệu trực tuyến phục vụ mục đích truy cập công khai duy nhất đối với các tác phẩm này.
Tuy nhiên, việc thiếu dữ liệu về quyền sở hữu của tác giả gây ra một số khó khăn về mặt pháp lý, là trở ngại cho việc số hóa và cung cấp các ấn bản đó ở dạng trực tuyến.
Để hỗ trợ các tổ chức di sản hoàn thành sứ mệnh tạo nên một nền văn hóa phong phú cho châu Âu, Chỉ thị 2019/790/EU đưa ra khung pháp lý để hỗ trợ trong việc quảng bá xuyên biên giới các tác phẩm này.
Với sự trợ giúp đó, cổng thông tin vừa hoàn thành và đưa vào hoạt động trong tháng 6. Độc giả khi truy cập có thể thực hiện tìm kiếm các tác phẩm này dựa theo tiêu đề (nếu biết), chủ đề, nội dung, thể loại...
Mục đích chính của cổng thông tin là cung cấp quyền truy cập cho độc giả, giúp chúng ta tiếp cận được với những tác phẩm chưa từng được tung ra thị trường, đồng thời tạo điều kiện để tác giả của các tác phẩm này thực hiện các quyền của họ dễ dàng hơn; góp phần cải thiện khả năng tiếp cận di sản văn hóa châu Âu.
“Những câu chuyện bị lãng quên một lần nữa có thể trở thành lịch sử nhờ sự tập hợp và chia sẻ của chúng tôi”, trang EUIPO nhận định.