Lâu nay, khi nhắc đến Hoa hậu Hoàn vũ, người ta liền nghĩ ngay đến hình ảnh những cô nàng bốc lửa, gợi cảm, phong thái đầy tự tin và cá tính, luôn làm dậy sóng dư luận bởi những phát ngôn sốc, chiêu trò hậu trường. Tuy nhiên, kể từ khi thuộc về chủ mới là IMG, cuộc thi có nhiều thay đổi trong tiêu chí, nhấn mạnh đến giá trị và quyền lực của người phụ nữ, thay vì vẻ đẹp lý tưởng về ngoại hình như dưới thời của Donald Trump.
Bình mới, rượu mới
Khi cuộc thi thuộc quyền sở hữu của tập đoàn WME/IMG, nó mở ra cơ hội rất lớn để người chiến thắng có thể gắn kết với một lượng lớn khán giả toàn cầu, cũng như tận dụng được lợi thế với các mối quan hệ trong lĩnh vực giải trí. Bởi vì tập đoàn này là nơi sản xuất ra những chương trình lớn của nước Mỹ và trên thế giới.
Phó chủ tịch của hãng IMG - Michael Antinoro chia sẻ với Business Insider về định hướng tương lai của cuộc thi: "Chúng ta có một cộng đồng rất lớn quan tâm đến cuộc thi, và có thể tận dụng điều đó cả 365 ngày một năm. Thành thật mà nói thì trong quá khứ, khi người ta nhìn vào cách thức tổ chức của Hoa hậu Mỹ hay Hoa hậu Hoàn vũ, mỗi năm một lần và chỉ có vỏn vẹn 3 giờ đồng hồ trên TV. Đó là điều duy nhất họ nghĩ về nó".
Nhưng WME/IMG muốn thay đổi cách nghĩ về ý nghĩa của danh hiệu Hoa hậu Mỹ hay Hoa hậu Hoàn vũ. Antinoro mong muốn thông qua cuộc thi để nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ và sự dấn thân của họ vào việc cùng nhau nâng cao nhận thức về các vấn đề không chỉ liên quan đến nữ giới, mà còn là các vấn đề xã hội khác của thế giới.
Hoa hậu Mỹ 2016 - Deshauna Barber trong bộ quân phục. Ảnh: GB |
Tại cuộc thi Hoa hậu Mỹ 2016, ban tổ chức dành hẳn một ngày để đến thăm quê nhà của từng thí sinh và quay lại cảnh sinh hoạt của họ, biết thêm về công việc, gia đình và những những thứ khác ngoài những kỹ năng trên sân khấu. Và tân Hoa hậu Mỹ - Deshauna Barber, một sĩ quan dự bị- đã để lại ấn tượng cho khán giả bởi câu trả lời bảo vệ cho quyền phụ nữ được phép tác chiến thực địa ở các vai trò trong quân đội. Điều này hoàn toàn khác xa với những kiểu câu hỏi sáo rỗng, những câu trả lời trừu tượng của các thí sinh trong quá khứ.
Câu khẩu hiệu mới của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ là "Đẹp một cách tự tin" (Confidently Beautiful).
Những thay đổi có thể thấy
Ở Hoa hậu Hoàn vũ 2015 và Hoa hậu Mỹ 2016, cả 2 người chiến thắng đều không phải là ứng cử viên sáng giá nhất, với độ tuổi 26-27 tuổi là quá già (đều sinh năm 1989), gương mặt khi đăng quang bị "ném đá" là kém xinh. Nhưng họ đã thuyết phục được khán giả và ban giám khảo bằng sự thông minh, khéo léo, quan trọng hơn là thần thái tự tin từ ánh mắt, nụ cười, cách trình diễn và đặc biệt là biết được họ đang theo đuổi mục tiêu gì trong cuộc sống.
Đó chính là lý do tại sao ban tổ chức đã kéo dài thời gian phát sóng chỉ với mục đích cho khán giả thấy rõ hơn về cuộc sống hàng ngày, cũng như giới thiệu quá trình trưởng thành từ bé đến khi được đứng trên "sân khấu của cuộc đời" trong phần giới thiệu 52 thí sinh Hoa hậu Mỹ 2016 hoặc như chia sẻ về những mục tiêu mà các cô mong muốn đạt được và hướng cộng đồng đến vai trò lớn hơn của phụ nữ như đã thấy với Top 15 tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015.
Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2015. Ảnh: GB |
Có cô chia sẻ về việc vượt lên định kiến mà tôn giáo cấm cản để hoàn thành ước mơ trở thành hoa hậu như thí sinh Indonesia, chiến thắng nỗi sợ hãi bản thân và khuyến khích chấm dứt tình trạng bạo lực học đường như của hoa hậu Cộng hòa Dominicana. Thời thơ ấu khó khăn của một trẻ em di dân rời bỏ quê hương vì chiến tranh và muốn giúp đỡ những hoàn cảnh tương tự như hoa hậu Australia hay hoa hậu Philippines muốn được mang về chiếc vương miện Hoa hậu Hoàn vũ về cho tổ quốc sau hơn 40 năm chờ đợi nên đã không bỏ cuộc khi đã thất bại 3 lần ở cuộc thi cấp quốc gia...
Đó chính là những điều mà Hoa hậu Hoàn vũ muốn nhìn thấy ở các thí sinh trong tương lai, khi biết sống có mục đích và tự lấy bản thân mình ra làm hình mẫu cho giới trẻ, khuyến khích xã hội tốt đẹp hơn với những việc làm cụ thể; không chỉ đơn thuần là đi thăm, giúp đỡ trẻ em mồ côi hay người già neo đơn, làm chủ yếu để lấy lệ như ở Việt Nam. Vì vậy, các thí sinh từng có kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với các tổ chức từ thiện hoặc chương trình nhân đạo cụ thể sẽ có rất nhiều lợi thế để ghi điểm trong mắt ban giám khảo, và ban tổ chức tương lai của Hoa hậu Hoàn vũ.
Cá tính hay nữ tính
Kể từ năm 2010 đến nay, các thí sinh đến từ khu vực châu Á, đặc biệt là Philippines và Indonesia nổi lên với những thành công liên tiếp là một điều đáng ghi nhận. Điểm chung ở họ là chiều cao có thể thấp bé (dưới 1,73 m) nhưng thân hình săn chắc, số đo 3 vòng rõ ràng và nhất là làn da nâu khỏe khoắn. Ngay đến các á hậu Hoàn vũ khác như La Tử Lâm (Trung Quốc - 2011) hoặc thí sinh vào Top 10 như Ariana Miyamoto (Nhật Bản - 2015) và Aniporn Chalermburanawong (Thái Lan - 2015) đều là những cô gái có làn da sậm màu bị chính dân nước họ không mấy ưa thích.
Ngay sau khi Phạm Hương thất bại tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015, người ta mổ xẻ nhiều nguyên nhân về cô, trong đó nhiều ý kiến cho rằng cô đã sai lầm khi tắm trắng để có làn da sáng mượt. Tương tự như đối với các ứng cử châu Á viên sáng giá khác dù rất đẹp, nổi bật nhưng làn da quá trắng của các cô lại không hợp nhãn với vẻ đẹp khỏe khoắn, năng động, cá tính theo tiêu chí của cuộc thi, nên dễ dàng bị đánh trượt như Deborah Priya Henry (Malaysia - 2011) hay Urvashi Rautela (Ấn Độ - 2015).
Chúng ta dễ dàng nắm bắt được phần nào tiêu chí mới của cuộc thi trong tương lai sẽ hướng đến những người phụ nữ có sắc vóc khỏe mạnh, tính cách độc đáo, thần thái tự tin và phải thực sự là một hình mẫu để người khác noi theo hơn là những cô gái điệu đà, ẻo lả trước máy quay.