'Miếng bánh' Sacombank đã bị phân chia
Cuối tuần vừa qua, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2011 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), người có quyền lực cao nhất đã chính thức nhường “miếng bánh” cổ phần cho nhóm cổ đông mới.
>> Hội đồng quản trị Sacombank chuyển giao quyền lực
>> Thực hư việc Sacombank, ACB, Eximbank sắp hợp nhất
Sau nhiều sóng gió để đi đến một Đại hội thường kỳ, ngày 26/5 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2011 của Sacombank đã chính thức được tổ chức.
Tại ĐHĐCĐ, 5 thành viên HĐQT đương nhiệm đã có đơn xin từ nhiệm, cụ thể: bà bà Huỳnh Quế Hà (Phó chủ tịch thứ nhất), ông Nguyễn Châu (Phó chủ tịch), ông Phạm Duy Cường (Ủy viên), ông Nguyễn Ngọc Thái Bình (Ủy viên), ông Lim Peng Khoon (thành viên độc lập).
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2011 của Sacombank được công bố cùng ngày, Sacombank cũng quyết định bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị - Ban kiểm soát (nhiệm kỳ 2011-2015). ĐHĐCĐ thống nhất trong nhiệm kỳ 2011- 2015, sau khi bầu bổ sung, số lượng thành viên HĐQT là 10 người, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập và số lượng thành viên Ban kiểm soát là 4 người.
Dù ông Đặng Văn Thành vẫn được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT, nhưng Sacombank đã thực sự đã có cuộc chuyển giao quyền lực khi người đại diện theo pháp luật của ngân hàng đã được thay đổi từ người sáng lập ra ngân hàng (ông Đặng Văn Thành- Chủ tịch HĐQT Saocmbank) bằng Tổng giám đốc mới là ông Trần Xuân Huy.
Không chỉ vậy, “miếng bánh” Sacombank đã bị “chia năm sẻ bảy” bằng số lượng thành viên HĐQT từ 7 lên 10 thành viên, trong đó chỉ còn lại hai cha con là ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh là thành viên HĐQT cũ của Sacombank.
ĐHĐCĐ đã bầu bổ sung thành viên HĐQT và BKS, gồm phần lớn là các thành viên Southern Bank và Eximbank. Trong đó có: ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phương Nam - Southern Bank đại diện cho nhóm cổ đông lớn ; ông Phạm Hữu Phú, người vừa từ nhiệm ở Hội đồng Quản trị Eximbank để chuyển sang làm đại diện phần vốn góp và ứng cử vào Hội đồng Quản trị Sacombank ; ông Trần Xuân Huy (hiện là Tổng giám đốc Sacombank) ; ông Trầm Khải Hòa (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Phương Nam, và là con trai ông Trầm Bê) ; ông Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Southern Bank, hiện là Phó tổng giám đốc Sacombank, bà Dương Hoàng Quỳnh Như, từng là thành viên Hội đồng Quản trị Southern Bank ; ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt (DVS), có cổ đông sáng lập là Eximbank;
Thành viên HĐQT độc lập là ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước). Thành viên Ban kiểm soát là ông Nguyễn Vạn Lý (thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Rồng Việt).
Hội đồng quản trị mới của Sacombank. Ông Đặng Hồng Anh đứng ngoài cùng bên trái, ông Đặng Văn Thành đứng thứ hai từ bên trái sang. |
Quản trị, giờ mới chú trọng!
Có được Sacombank như ngày hôm nay, người đáng được nhắc tới nhiều nhất là ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT. Khởi đầu cho một hệ thống Sacombank hùng mạnh, ông Đặng Văn Thành đã là một trong số ít người tiên phong thành lập từ việc hợp nhất 4 tổ chức tín dụng. Sacombank cũng là một trong những ngân hàng đi trước trong việc mời gọi cổ đông nước ngoài, trong đó phải kể đến những cổ đông lớn như IFC, Dragon Capital, ANZ…
Trong nhiều năm, Sacombank liên tiếp giữ vị trí là ngân hàng lớn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Từ năm 2011 - 2010, Sacombank tăng trưởng với tốc độ bình quân đạt 64%/năm. Hiện tại, Sacombank đã có 408 điểm giao dịch trong và ngoài nước và có tới 751 máy ATM.
Trong năm 2011, tình hình hoạt động của Sacombank tuy có chững lại nhưng vẫn được đánh giá là khá tốt, với mức lợi nhuận trước thuế tăng 13% so năm 2010, đạt 101% kế hoạch. Nợ quá hạn và nợ xấu được ngăn chặn có hiệu quả, lần lượt ở mức 0,86% và 0,56% trên tổng dư nợ cho vay, trong khi mức bình quân toàn ngành là 3,4%, đồng thời đảm bảo hầu hết các chỉ số an toàn tài chính theo đúng quy định.
Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) 14,6%; tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROA) 1,44%; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) 11,66%.
Dù có đà tăng trưởng tốt, nhưng vấn đề quản trị tại Sacombank thực sự đã "lỏng lẻo" tới mức không thể kiểm soát nổi trước sự "thèm muốn" của nhiều cổ đông lớn khác. Trước ĐHĐCĐ, Eximbank, đại diện cho cổ đông lớn, sở hữu 9,73% vốn điều lệ tại Sacobank, đã thu gom các nhóm cổ đông khác để được ủy quyền (trên 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) để đưa ra văn bản đề nghị một số nội dung bổ sung vào chương trình ĐHĐCĐ, trong đó có việc bầu lại toàn bộ HĐQT, Ban kiểm soát... Sự việc này đã khiến cuộc đua giành quyền kiểm soát tại Sacombank càng "nóng" hơn.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ Sacombank vừa công bố, trong năm 2012, Sacombank đưa mục tiêu an toàn là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu. Đồng thời, Sacombank cũng chú trọng cần phải tập trung đổi mới quyết liệt về tư duy và phương pháp quản trị ngân hàng, đặc biệt là quản trị rủi ro và quản trị tài chính.
Mục tiêu cụ thể được Saocombank đặt ra là phải tăng khoảng 18% tổng số tài sản so với năm 2011 lên khoảng 165.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt khoảng 143.500 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay đạt khoảng 91.500 tỷ đồng, tăng khoảng 17% so với năm 2011.Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt trên 9% và kiểm soát tỷ lệ nợ quá hạn không quá 2,5%.
Theo VnMedia