Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Miền Trung những ngày lũ lịch sử

Nửa tháng trôi qua, khi đang oằn mình chống chọi với cơn lũ lịch sử, miền Trung lại chuẩn bị hứng chịu thêm cơn bão ngoài biển Đông.

MIỀN TRUNG NHỮNG NGÀY LŨ LỊCH SỬ

Nửa tháng trôi qua, khi đang oằn mình chống chọi với cơn lũ lịch sử, miền Trung lại chuẩn bị hứng chịu thêm cơn bão ngoài biển Đông. Nhưng mỗi ngày, hàng nghìn tấn lương thực thực phẩm từ khắp mọi miền tổ quốc đổ về để hỗ trợ đồng bào qua những ngày tháng khó khăn này.

Sống chung với lũ

Người dân miền Trung đã quen với việc năm nào cũng có mưa bão về, nhưng từ mùa lũ kỷ lục năm 1983, hay gần hơn là năm 1999, dù có ngập họ không nghĩ có ngày phải dỡ cả mái nhà để gọi cứu hộ. Sau một đêm tỉnh dậy, người nông dân tay trắng.

lu lut o mien Trung anh 1

Từ ngày 8/10, nước bắt đầu dâng cao ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, sau đó mưa lớn cùng với ảnh hưởng của thuỷ điện xả lũ khiến các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh chìm trong biển nước. Mực nước nhiều nơi vượt lũ lịch sử năm 1983 (4,58 m) 0,11 m.

Những người dân miền Trung như ông Phan Văn Minh ở xóm Cồn (xã Hải Định, Hải Lăng, Quảng Trị) không đo mức nguy hiểm của nước lũ bằng "mét", "báo động 1" hay "báo động 2". Ông biết mình đang nguy khốn đến đâu khi nhìn nước dâng lên theo tường nhà.

lu lut o mien Trung anh 6

"Khi nước ngập vào sân thì chứng tỏ ngoài ngõ đã ngập ngang hông. Nước ngập vào nền nhà thì ngoài sân ngang hông, ngoài ngõ đến cổ", lão nông chia sẻ.

Cứ thế, từng cao độ trong nhà dần dần "thất thủ" khi lũ về. Nước ngập nền thì trèo lên giường. Chân giường lúc đó phải kê ít nhất 3 tầng gạch "táp lô" để tối ưu chiều cao. Rồi khi giường cũng ngập thì trèo lên tra.

"Tra" là từ địa phương chỉ tầng xép nhỏ được làm bằng những tấm ván bắc qua 2 xà ngang của dãy nhà 3 gian. Người nông dân Quảng Trị thường sử dụng tra để chứa thóc lúa. Đến mùa mưa lũ, nó trở thành nơi tránh trú hiệu quả của cả gia đình. Vậy nên, nước ngập đến tận tra thì lũ năm đó phải to kỷ lục.

Cây búa được ông Minh chuẩn bị sẵn để nếu nước ngập đến tra thì ông sẽ đập mái ngói, trèo lên nóc nhà. Đó cũng là đường lùi cuối cùng của con người trước cơn hồng thủy ác nghiệt.

lu lut o mien Trung anh 9
lu lut o mien Trung anh 12

Không bỏ ai ở lại

"Có ai còn đói không? Có ai muốn ra ngoài không?", tiếng gọi của đội quân tiếp tế ở rốn lũ huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vang lên ở khắp các ngõ xóm nhiều ngày nay.

Là một trong những rốn lũ của miền Trung, có nhiều thôn làng nằm khuất sâu khó tiếp cận vì sóng to gió lớn, thuyền bè có thể bị lật bất cứ lúc nào. Lực lượng chức năng phải dùng cano chuyên dụng để di chuyển.

Người già, trẻ em được ưu tiên đưa ra ngoài tránh lũ, những người ở lại tập trung tại nhà cao nhất trong thôn, một số người vẫn bám trụ ở nhà hy vọng bảo vệ được chút tài sản ít ỏi.

lu lut o mien Trung anh 13

Thượng tá Ngô Hữu Tình nhớ lại đêm đi cứu nạn người dân. 2h sáng 19/10, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) quyết định hạ xuồng đi giải cứu dân. Hai đội chia nhau đi các ngả, bằng mọi cách cứu nạn người dân. Thượng tá Tình gọi đây là "ngoại lệ" trong trường hợp khẩn cấp bởi theo nguyên tắc, các đội cứu hộ, cứu nạn trong lũ thường không đi làm nhiệm vụ vào buổi tối để đảm bảo an toàn.

lu lut o mien Trung anh 14


Dựa theo cuộc gọi của bà con và lấy đèn nhấp nháy làm tín hiệu nhận biết, đội cứu hộ đi đến từng nơi để giải cứu những người dân có nhà bị lũ nhấn chìm, đưa họ đến chỗ cao hơn, đặc biệt ưu tiên người già và trẻ nhỏ.

Đêm đó, toàn bộ 38 cán bộ, chiến sĩ tại Bộ Chỉ huy quân sự thị xã Ba Đồn thức trắng. Trên chiếc xuồng bập bềnh giữa dòng nước lũ, họ men theo từng cột điện, từng nóc nhà, cẩn trọng di chuyển tới thôn, hẻm để cứu nạn người dân. Cuộc giải cứu kéo dài không nghỉ đến tận chiều tối ngày 19/10.

Những chiếc thuyền cứu hộ như ngọn hải đăng cho biết bao căn nhà đang bị chìm nghỉm giữa biển nước.

Những ngày này, các chuyến xe từ khắp mọi miền đất nước chở thực phẩm, quần áo, đồ dùng cá nhân nườm nượp tập kết tại dọc quốc lộ 1 qua huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Các đoàn xe cứu trợ đưa cơm, nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ.

Chưa đến Tết nhưng nhiều nơi đã đỏ lửa nấu bánh chưng. Người góp cân gạo, người góp miếng thịt, người góp công gói. Những chiếc thuyền mau chóng được đưa đến vùng lũ. Nhiều người bỏ cả công việc để đến hỗ trợ miền Trung.

Bà Thủy từ Quảng Trị mang quần áo, mì gói đến điểm tập kết hàng viện trợ trưa 21/10. "Rất xót xa khi bà con sống cảnh màn trời chiếu đất. Mọi người cần có thức ăn, quần áo mặc. Chúng tôi quyết không để người dân Lệ Thủy đói, rét", bà Thủy xúc động chia sẻ.

lu lut o mien Trung anh 17
lu lut o mien Trung anh 22

Nhằm góp phần tiếp thêm sức mạnh giúp đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn mùa lũ, thương hiệu bia Huda tổ chức chương trình cứu trợ “Luôn đồng hành cùng miền Trung yêu thương".

Ngày 23/10,1.000 phần quà của Huda đã được vận chuyển tới tận tay những người dân vùng rốn lũ tại Thừa Thiên - Huế. 4.000 phần quà khác cho Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam sẽ được thương hiệu đưa đến các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trong điều kiện đảm bảo an toàn cho người dân và đoàn cứu trợ.

lu lut o mien Trung anh 23


Sau cơn mưa trời lại sáng

Nửa tháng trôi qua, người dân xóm Cồn (xã Hải Định, Hải Lăng, Quảng Trị) phải chống chọi với 4 cơn lũ. Cả xóm 60 hộ dân bị cô lập, chỉ có thể đi lại bằng thuyền.

Ở những vùng sâu xa, nước cao sóng lớn khiến đoàn cứu trợ khó tiếp cận, vì thế nhiều người dân mừng rỡ khi những đoàn tự thiện không quản vất vả mang từng gói mì tôm, chai nước đến cho bà con vùng lũ.

Không đi chợ mua đồ ăn được, chăn màn ướt hết nên bà Quy không giấu được sự xúc động khi được cơm và chăn ấm.

lu lut o mien Trung anh 28

Ông Phạm Văn Phách, đại diện nhân dân xóm Cồn tặng túi ốc vừa bắt được cho đoàn từ thiện. Tấm lòng bà con vùng lũ, chỉ giản dị như vậy nhưng chứa đựng biết bao sự biết ơn tới tất cả người dân mọi miền tổ quốc đã chung tay đồng hành cùng miền Trung những ngày này.

lu lut o mien Trung anh 29

- Bác có cần gì nữa không ạ?

- Chúng tôi có đồ ăn rồi, bên kia còn có người kẹt lại đó.

Ông Hải hồ hởi giơ trên tay gói mì tôm được đoàn cứu trợ vừa gửi đến. Trong cơn lũ, người dân vẫn nhẫn nại, nhường nhịn, bao bọc nhau. Họ chờ đến lượt để được tiếp tế lương thực, không tranh giành hay đòi hỏi.

lu lut o mien Trung anh 30

Những đôi chân trắng bệch vì ngâm nước lâu ngày, những đôi mắt thâm đen vì thức trắng đêm canh lũ, mỗi năm, ông trời thử thách người dân miền Trung không biết bao lần. Khi là cái nắng cháy da cháy thịt, khi là cơn bão cuốn phăng đi tất cả. Nhưng sau mỗi thiên tai ấy, người dân lại đứng dậy, gây dựng lại từ đầu, con người miền Trung là thế, bản lĩnh và kiên cường trước mọi khó khăn, gian khổ. Hơn ai hết, họ đều hiểu rằng: sau cơn mưa, trời sẽ lại sáng.


lu lut o mien Trung anh 31

Nhằm góp phần tiếp thêm sức mạnh giúp đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn mùa lũ, thương hiệu bia Huda tổ chức chương trình cứu trợ “Luôn đồng hành cùng miền Trung yêu thương" với Zing News là đơn vị truyền thông. Chương trình sẽ trao 5.000 phần quà, bao gồm thực phẩm, nước sạch và các nhu yếu phẩm khác cho người dân tại 5 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam trong cuối tháng 10. Độc giả có thể xem thêm thông tin về chương trình cứu trợ tại đây

Quỳnh Trang - Giang Uyển Nguyên

Ảnh: Nhóm PV

Bạn có thể quan tâm