4h sáng 16/10, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía đông nam, cách bờ biển các tỉnh Đà Nẵng - Khánh Hòa khoảng 510 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới đi theo hướng tây tây bắc với vận tốc 25-30 km/h và có khả năng mạnh thêm.
Chiều 16/10, tâm áp thấp nhiệt đới cách đất liền các tỉnh Đà Nẵng - Khánh Hòa khoảng 160 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9.
Sau đó, hình thái này giữ nguyên hướng di chuyển và vận tốc, đi vào đất liền các tỉnh Trung Bộ rồi suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Chiều 17/10, trung tâm vùng áp thấp nằm ngay trên khu vực nam Lào.
Như vậy, cơ quan khí tượng đã loại trừ khả năng áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão. Kể từ khi tiến vào Biển Đông đến khi đổ bộ đất liền, hình thái này chỉ tồn tại trong 48 giờ.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai. |
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định trong 10 ngày tới, 2 dạng hình thái nguy hiểm ảnh hưởng đến nước ta.
Thứ nhất, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông. Dù không thể mạnh thành bão, hình thái này vẫn gây gió giật mạnh cấp 6-7 ở khu vực giữa và nam Biển Đông.
Thứ hai, không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ và nhiễu động gió đông trên cao, đồng thời gió mùa Tây Nam cũng đang hoạt động mạnh. Đây là tổ hợp các hình thái thiên tai điển hình gây mưa lớn diện rộng ở miền Trung.
Ông Khiêm cảnh báo từ ngày 16/10 đến 21/10, mưa lớn quay trở lại Trung Bộ, trọng tâm vào các ngày 17-19/10 và tâm điểm mưa ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lượng mưa ghi nhận được tại đây phổ biến 500-800 mm/đợt, có nơi trên 800 mm.
Tại khu vực Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, mưa phổ biến 300-500 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Trong khi đó, mưa tại các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên dao động 200-300 mm, có nơi trên 350 mm.
Sau ngày 21/10, các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài. Từ đêm nay (16/10), mưa mở rộng ra khu vực Tây Nguyên với lượng phổ biến 100-200 mm.
Chuyên gia lo ngại tình trạng mưa lớn những ngày tới gây ra các loại hình thiên tai cực đoan ở miền Trung. Khu vực vừa trải qua đợt mưa lớn trong các ngày 6-13/10, các hồ đã tích thêm nước, đất đã bão hòa nên nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn. Miền Trung có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng kèm theo tình trạng ngập úng diện rộng.
Ông Khiêm nhận định từ nay đến hết năm 2020, Biển Đông có thể xuất hiện thêm 4-6 áp thấp nhiệt đới hoặc bão, trong đó có 2-4 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Vì vậy, mưa, lũ còn diễn biến phức tạp, đặc biệt từ nay đến tháng 11.