Sáng 30/3, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên bắt đầu bước vào đợt mưa lớn do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông.
Trong 1-2 ngày tới, rãnh áp thấp tiếp tục dịch chuyển dần lên phía bắc, trong khi vùng áp thấp hoạt động mạnh dần và có xu hướng dịch chuyển về phía đất liền nước ta.
Kết hợp với không khí lạnh tăng cường, các hình thái trên gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Trung Bộ kéo dài đến hết ngày 2/4. Lượng mưa được phân bổ cho từng khu vực.
Cụ thể, Nghệ An có thể ghi nhận lượng mưa 50-100 mm; trong khi khu vực Hà Tĩnh và Quảng Bình mưa lớn 200-250 mm. Đáng lưu ý, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế khả năng có lượng mưa lớn 200-300 mm, có nơi trên 400 mm.
Tại Nam Trung Bộ, Đà Nẵng và Quảng Nam, mưa xuất hiện trong những ngày tới với lượng 200-300 mm, có nơi trên 350 mm. Mưa giảm dần khi dịch dần về phía nam nên khu vực Bình Định đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có lượng mưa 100-150 mm, một số nơi trên 200 mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo với lượng mưa lớn trút xuống trong những ngày tới, nhiều nơi vùng núi nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở; vùng trũng, thấp, ven sông có thể ngập úng cục bộ. Người dân đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trước đó vào ngày 26/3, hai trận mưa đá trút xuống khu vực huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) kèm theo gió giật. Ảnh: P.T.H. |
Cùng ngày, mưa dông cũng xuất hiện ở nhiều nơi thuộc miền Bắc. Rạng sáng 30/3, một số nơi ghi nhận lượng mưa trên 50 mm chỉ trong vòng 3 giờ, tập trung ở Lai Châu, Bắc Giang....
Những giờ tới, các khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh, được dự báo mưa phổ biến 30 mm, có nơi trên 50 mm. Người dân miền núi thuộc các địa phương trên cần đề phòng nguy cơ sạt lở đất và ngập úng cục bộ trong sáng nay.
Tại Hà Nội, mưa nhỏ xuất hiện từ sáng sớm nay. Lúc 8h, nhiệt độ tại thủ đô là 20 độ C, trời lạnh. Cơ quan khí tượng dự báo mưa dông có thể duy trì đến hết ngày 1/4, sau đó khu vực hửng nắng.
Do không khí lạnh tăng cường yếu và lệch đông nên Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố Bắc Bộ xuất hiện sương mù vào buổi sáng. Chất lượng không khí tại thủ đô suy giảm xuống mức có hại ở một số nơi thuộc quận Cầu Giấy, Ba Đình, Hai Bà Trưng...
Riêng điểm quan trắc tại khu vực Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) và Xuân Đỉnh (quận Tây Hồ), chỉ số AQI đạt mức 203 đơn vị, ngưỡng rất có hại cho sức khỏe con người. Đây là hai khu vực có chất lượng không khí kém nhất Hà Nội trong hôm nay.