Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi là ba địa phương trọng điểm cung cấp lao động cho các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ.
Mong tìm được công việc khi về quê
Sau nhiều năm lao động ở TP.HCM, chị Nguyễn Thị Hạnh, (ngụ TP Tuy Hòa) vừa trở lại quê nhà sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát.
"Nhiều năm qua, tôi phải thuê ở tạm nhà trọ để làm công nhân tại TP.HCM nên cuộc sống thiếu trước hụt sau… Do vậy, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, tôi và một số người thân được đón trở về Phú Yên tránh dịch", chị Hạnh tâm sự.
Chị Hạnh là một trong 16.000 công dân được Phú Yên đón từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê trên hàng trăm "chuyến xe nghĩa tình", vừa giúp người dân địa phương tránh dịch, vừa giải tỏa áp lực cho đô thị lớn.
Chị Hạnh tâm sự dịch Covid-19 kéo dài khiến cuộc sống người lao động xa quê lâm cảnh kiệt quệ. Giờ đây, chị chỉ mong được tạo cơ hội việc làm trên chính mảnh đất quê hương.
Ông Trần Hữu Thế (trái), Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Ảnh: M.H. |
Ông Trần Văn Anh (ngụ huyện Tuy An) ví chương trình đón công dân về quê của tỉnh Phú Yên như "phao cứu sinh" cho người lao động tha hương. Trong tình cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh thế này, người dân được đón về nhà an toàn là niềm may mắn lớn đối với bản thân và gia đình.
Trao đổi với Zing về vấn đề này, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết các ngành, các cấp đang vào cuộc đồng bộ để cùng nhau thực hiện khát vọng “an cư lạc nghiệp” cho người dân về quê tránh dịch.
Qúa trình tổ chức đón công dân về quê tránh dịch, địa phương này khảo sát nhu cầu, trình độ, độ tuổi, giới tính… để xây dựng kế hoạch cụ thể chuẩn bị cơ hội việc làm, an sinh xã hội cho họ.
Địa phương sẽ quan tâm hỗ trợ cơ chế chính sách khi sức chống chịu của doanh nghiệp suy giảm. Phú Yên cam kết sẽ đồng hành cùng họ để giải quyết bài toán khó này, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và an sinh xã hội cho người dân.
Hàng nghìn lao động ở Khu công nghiệp VSIP (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) trở lại nhà máy làm việc sau thời gian giãn cách. Ảnh: M.H. |
"Chúng tôi đặt mục tiêu nâng quy mô khu công nghiệp, mở rộng nhà xưởng làm sao thu hút nhiều công nhân nhất, để người lao động phổ thông có được việc làm ổn định trên địa bàn. Tỉnh sẽ mở hướng đào tạo nghề cho số lao động phổ thông nhằm giúp họ trở thành công nhân lành nghề, có thu nhập cao hơn", ông Thế nói.
Người đứng đầu UBND tỉnh Phú Yên, cho biết thêm địa phương này cũng có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu giúp người dân có nhu cầu quay lại TP.HCM cũng như các tỉnh khác làm việc.
Bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động
Trở về từ TP.HCM sau hai tháng, anh Nguyễn Văn Thành (ngụ huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), chia sẻ mình rời quê làm nhân viên nhà hàng chưa được bao lâu thì phải nghỉ việc vì dịch Covid-19.
"Thời gian đầu lâm cảnh thất nghiệp, chúng tôi cố gắng bám trụ lại thành phố với hy vọng dịch bệnh sớm qua để đi làm trở lại. Tuy nhiên dịch ngày càng căng thẳng nên chúng tôi buộc phải tìm cách về quê. Từ nay đến Tết, tôi hy vọng có việc làm để kiếm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày, sau đó tính tiếp", anh Thành thổ lộ.
Thống kê sơ bộ của Bình Định, từ tháng 6 đến nay, hơn 25.000 người từ TP.HCM và các tỉnh về quê tránh dịch Covid-19 (địa phương tổ chức đón về theo kế hoạch và về tự phát), trong đó có khoảng 15.000 người trong độ tuổi lao động.
Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội Bình Định, cho biết hết thời gian cách ly, các ngành, địa phương sẽ sắp xếp, kêu gọi doanh nghiệp ưu tiên tạo việc làm cho người lao động về quê tránh dịch.
Theo ông Quang, sau đợt dịch này một số nhà máy sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực do người lao động nghỉ việc đi kiếm việc khác. Do đó, số lao động về quê tránh dịch nếu ở lại quê làm sẽ bù đắp lại nguồn lao động cho các nhà máy khi hoạt động trở lại.
Trong khi đó, ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay địa phương sẽ áp dụng những cơ chế chính sách phù hợp, nếu cần thiết phải bổ sung thêm chính sách để hỗ trợ người lao động về quê tránh dịch.
Khi doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam hoạt động sản xuất trở lại bình thường, Bình Định luôn tạo điều kiện để bà con trở lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đi làm. Nếu họ có nhu cầu ở lại quê nhà làm việc, tỉnh sẽ có chính sách, cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm cho người lao động.
Còn tại Quảng Ngãi, liên tục hai tháng qua, hơn 18.000 lao động ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội Quảng Ngãi, khẳng định đơn vị đang phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp rà soát, lập phương án mở ra cơ hội việc làm cho người dân về quê tránh dịch Covid-19.
"Chúng tôi sẽ yêu cầu các địa phương thu thập thông tin, tìm hiểu nhu cầu của người dân tìm việc làm nơi quê nhà để có phương án đào tạo nghề, giới thiệu công việc phù hợp tại các nhà máy ở Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp của tỉnh. Đây là giải pháp căn cơ nhằm giúp họ sớm có cuộc sống ổn định ngay trên mảnh đất quê hương mình", bà Lan nhấn mạnh.