Chiều 27/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đi khảo sát khu vực xây dựng cảng biển Sóc Trăng. Vị trí đoàn khảo sát tại khu bến cảng Trần Đề thuộc huyện Trần Đề.
Tại đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trình bày các hướng tuyến kết nối giao thông đường bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến cảng biển Sóc Trăng. Hiện, tỉnh này kết nối với 5 trục đường chính là Quốc lộ 1, Nam Sông Hậu (91C), Quốc lộ 60, 61B và Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Thủ tướng khảo sát khu vực xây dựng cảng biển Sóc Trăng. Ảnh: Nhật Tân. |
Sóc Trăng cũng có 5 công trình trọng điểm liên vùng là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, cầu Đại Ngãi và cảng Trần Đề.
Trong đó, dự án cầu Đại Ngãi được Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư đường từ cầu đến Quốc lộ 60 khoảng 1.390 tỷ đồng; cầu vượt biển ra cảng ngoài khơi ở cửa Trần Đề dài 18 km có vốn đầu tư khoảng 9.900 tỷ đồng, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 70% (khoảng 6.930 tỷ đồng); hỗ trợ Sóc Trăng 550 tỷ đồng đầu tư đường sau cảng và nút giao thông từ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng xuống Quốc lộ 91C.
Theo quy hoạch của Trung ương, cảng Trần Đề có chỉ tiêu quy hoạch tổng thể rộng 7.900 ha, 15 bến cảng, đê chắn sóng 10 km và cầu vượt biển ra cảng ngoài khơi dài 18 km. Quy hoạch giai đoạn 1 của cảng này gồm có cầu vượt, 7 bến cảng, đê chắn sóng 5,6 km với tổng diện tích khoảng 385 ha.
Cửa biển Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Nhật Tân. |
Cảng này là một trong gần 40 dự án được tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư. Khu bến Trần Đề có vai trò cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó khu hậu cần cảng, logistics 4.000 ha, tiếp nhận tàu đến 5.000T, công suất 50 triệu tấn mỗi năm. Khu cảng ngoài khơi cửa Trần Đề 1.000 ha, tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000 DWT, công suất dự kiến khoảng 150 triệu tấn một năm.
Cảng biển Sóc Trăng có chức năng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo; có các bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của doanh nghiệp đầu tư.