Ngày 29/1, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật làm việc với UBND TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang về đề xuất miễn, giảm giá vé cho các phương tiện qua trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, trạm T1 và T2.
Sẽ tiếp tục giảm cho 2.000 phương tiện
Ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, đề xuất giảm 80-90% cho ôtô không kinh doanh dưới 9 chỗ và xe tải dưới 1 tấn tại phường Ba Láng, Lê Bình và Thường Thạnh (quận Cái Răng).
Đối với xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), địa phương đề xuất giảm 50% cho ôtô từ 10 chỗ và xe tải trên 1 tấn có kinh doanh; giảm 50% đối với cá nhân, doanh nghiệp có hợp đồng vận chuyển (trên 3 tháng), có sử dụng quãng đường 3 km.
Tài xế dừng xe phản ứng mức thu phí tại BOT Cần Thơ - Phụng Hiệu vào ngày 5/1. Ảnh: Minh Anh. |
Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Vụ đối tác Công tư, doanh nghiệp cùng địa phương khảo sát, xem xét các đề xuất miễn giảm cho người dân.
Liên quan đến vị trí đặt trạm T2 (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) thuộc dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 theo hình thức BOT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết Bộ GTVT đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến tránh Long Xuyên. Khi tuyến tránh này hình thành, trạm T2 sẽ không còn tác dụng.
Bộ GTVT cũng thống nhất với phương án giảm giá cho các phương tiện, giao Tổng cục Đường bộ cùng nhà đầu tư, địa phương rà soát, chốt lại danh sách. Cụ thể, miễn phí cho các phương tiện nằm trong bán kính 3 km, giảm 50% cho phương tiện trong bán kính 5 km.
Đại diện nhà đầu tư BOT 91 cho biết từ ngày 1/9/2017 đã giảm giá cho hơn 1.100 phương tiện. Sắp tới, nhà đầu tư tiếp tục giảm theo đề xuất của An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ cho hơn 2.000 phương tiện.
Xe kéo của Tổng cục Đường bộ đậu nhiều ngày tại BOT Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường. |
Cố tình gây rối thì sẽ xử lý nghiêm
Cùng ngày, ông Nguyễn Nhật cũng có buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về một số vấn đề liên quan đến trạm thu giá trên quốc lộ 1 ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện, tình hình tại trạm thu giá BOT Sóc Trăng hiện vẫn chưa ổn. Vừa qua, các xe gây mất trật tự, ùn tắc giao thông nên tỉnh đã có báo cáo với Bộ GTVT, đề nghị trạm ghi nhận lại các hình ảnh những phương tiện gây rối qua camera để cung cấp cho cơ quan chức năng khi cần. Công an cũng đã cử lực lượng túc trực tại trạm để đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự khu vực khi có xảy ra gây rối.
Theo ông Chuyện, có nhiều người dân không qua tuyến tránh, đặc biệt là người dân TP Sóc Trăng phản ứng quyết liệt về việc thu phí chưa hợp lý này. Từ ngày 20/1 đến nay, do lực lượng chức năng xử lý mạnh đối với những tài xế gây rối nên tình hình tại trạm thu giá đã tạm ổn, địa phương chỉ cố gắng làm sao để bảo đảm tốt trật tự an ninh trật tự.
"UBND tỉnh ủng hộ chủ trương đầu tư theo hình thức BOT nhưng để làm sao bảo đảm an ninh trật tự thì Bộ GTVT cần có những điều chỉnh và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng để giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh để kéo dài và bảo đảm trật tự từ nay cho đến qua Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018", ông Chuyện nói.
Đại tá Lê Minh Quang, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết đơn vị đã mời các doanh nghiệp, đặc biệt là những cá nhân liên quan đến việc gây rối. Qua làm việc, họ đã thừa nhận lỗi của mình.
"Sau khi đã làm việc nếu họ hay các doanh nghiệp cố tình gây rối thì sẽ xử lý nghiêm", người đứng đầu Công an Sóc Trăng phát biểu tại buổi làm việc.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, sau khi xảy ra vụ việc gây rối tại trạm thu giá BOT Sóc Trăng, Bộ GTVT đã họp và xem xét lại tổng thể phương án, cần có những cân nhắc để theo sát với tình hình thực tế.
Hiện trạm thu giá BOT Sóc Trăng thực hiện thu giá trong 18 năm 2 tháng và khi giảm thì sẽ tăng thời gian lên 23 năm 10 tháng. Khi địa phương đề xuất tiếp tục giảm giá, Bộ GTVT đang xem xét, nếu giảm sâu quá thì thời gian thu phí sẽ kéo dài ra và ảnh hưởng lớn thì ngân hàng sẽ không đồng ý.
Từ đó, Bộ GTVT rà soát và xem xét lại các phương án để có tính toán cho hợp lý, xem các hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng lân cận có phủ hết chưa để tiếp tục xem xét hướng xử lý sắp tới.
"Việc giảm giá phải công bằng, làm sao bớt thiệt hại và tăng tính công bằng cho người dân, các trạm thu phí được giảm giá vé phải hài hòa lợi ích giữa người dân, chủ đầu tư", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.