Đầu tuần, thời tiết tại Bắc Bộ chủ yếu quang mây, ban ngày trời nắng. Nền nhiệt thấp nhất tại đồng bằng phổ biến 10-13 độ C, vùng núi 6-9 độ C và vùng núi cao dưới 5 độ C. Các khu vực như Sa Pa, Mẫu Sơn khả năng cao xảy ra băng giá và sương muối.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trạng thái rét khô sẽ còn duy trì tại Bắc Bộ đến hết ngày 12/12. Thời gian này, nền nhiệt giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn, độ ẩm thấp. Người dân cần chú ý giữ ấm cơ thể, uống nhiều nước để tăng cường sức đề kháng.
Dự báo thời tiết khu vực Hà Nội trong các ngày 10-14/12. Ảnh: Mỹ Hà. |
Cùng lúc, Trung Bộ cũng duy trì kiểu thời tiết ít mưa, ngày nắng. Ban đêm, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mức nhiệt thấp nhất là 16-19 độ C. Riêng Thanh Hóa và Nghệ An, nền nhiệt dao động trong khoảng 12-15 độ C, vùng núi 9-11 độ C.
Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên ít mưa, ban đêm trời trở rét với mức nhiệt xuống ngưỡng 14 độ C, ban ngày hửng nắng. Tại Nam Bộ, nền nhiệt ban đêm dao động 19-23 độ C, ban ngày nhích lên 31 độ C.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước đỉnh triều tại các vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai tiếp tục lên theo kỳ triều cường ngày Rằm (Âm lịch). Đỉnh triều có thể xuất hiện vào ngày 12-14/12.
Trong đợt triều cường này, mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long dưới mức báo động 1. Trạm Phú An, Nhà Bè đạt mức 1,5-1,55 m với khả năng xuất hiện đỉnh triều cao vào các khung giờ 4h-6h và 17h-19h.
TP.HCM có nguy cơ xảy ra triều cường trong các ngày 12-14/12, mực nước đạt đỉnh vào khung giờ 4h-6h và 17h-19h. Ảnh: An Huy. |
Về thời tiết biển, trong tuần này cơ quan khí tượng dự báo Biển Đông chưa ghi nhận sự xuất hiện của các xoáy thuận nhiệt đới có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của không khí lạnh khiến khu vực bắc và giữa Biển Đông, phía tây của nam Biển Đông, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động mạnh.
Từ ngày 10/12, cường độ gió đông bắc trên các vùng biển giảm xuống cấp 5.