Ngày 11/5, miền Bắc tiếp diễn đợt mưa dông sau khi trải qua một ngày có mưa lớn ở nhiều nơi gây sạt lở, ngập lụt. Thời tiết khu vực duy trì trạng thái nhiều mây, âm u với nền nhiệt phổ biến 25-32 độ C.
Từ đêm nay (11/5) đến ngày 15/5, vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục bước vào đợt mưa mới với lượng 150-300 mm/đợt. Một số nơi mưa trên 400 mm. Đây là lượng mưa tương đối lớn khi khu vực thậm chí chưa bước vào thời kỳ mưa bão.
Bản đồ dự báo Windy cho thấy mưa dông những ngày tới tiếp tục tập trung ở vùng núi Đông Bắc như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng... Người dân đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở do các khu vực trên đã mưa lớn nhiều ngày qua; vùng trũng thấp có thể ngập úng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong đợt này, Hà Nội và Đồng bằng Bắc Bộ có mưa chủ yếu về chiều tối và đêm, cục bộ mưa to. Các hiện tượng nguy hiểm có thể xảy ra như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Đáng lưu ý, vào đêm 14/5, đợt không khí lạnh tràn xuống có thể khiến thời tiết diễn biến xấu hơn khi mưa đi kèm gió mạnh, nền nhiệt giảm. Đồng bằng ghi nhận mức nhiệt thấp nhất 21-23 độ C, trong khi vùng núi chuyển lạnh với nhiệt độ 16-18 độ C.
Từ khoảng ngày 15-16/5, mưa dông có khả năng dịch chuyển xuống khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.
Ngày 10/5, đường 279 đoạn qua khu vực đèo Bén (Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn) bị nước lũ cuốn hư hỏng lớp bê tông nhựa. Ảnh: Tiến Đạt. |
Trước đó vào ngày 10/5, mưa lớn xuất hiện ở nhiều nơi như Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng... Từ 7h đến 19h, lượng mưa các khu vực trên phổ biến 60-80 mm, có nơi mưa trên 150 mm. Riêng Cẩm Phả (Quảng Ninh) mưa tới 276 mm và Bắc Sơn (Lạng Sơn) mưa 225 mm chỉ trong vòng 12 giờ.
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến tối 10/5, mưa lũ lớn khiến một người chết, 10 nhà sập đổ, 257 nhà bị ngập và thiệt hại. Đồng thời, 7 trường học ở Bắc Giang bị ngập nặng.
Về nông nghiệp, hơn 1.700 ha lúa và hoa màu bị ngập. Một số tuyến đường giao thông bị sạt lở, gây khó khăn khi di chuyển. Các thiệt hại trên tập trung ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Bắc Giang.
Trước diễn biến mưa cực đoan tiếp diễn những ngày tới, đơn vị chức năng địa phương được yêu cầu rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn; kiểm tra khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống.
Địa phương sẵn sàng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.