Rạng sáng 31/7, vùng áp thấp cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 310 km về phía đông. Sau 1 ngày đi vào Biển Đông, hình thái này vẫn giữ nguyên sức gió dưới cấp 6.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ tới, vùng áp thấp đi theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h và mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Rạng sáng 1/8, tâm áp thấp nhiệt đới nằm ngay trên khu vực phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Lúc này, sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Những giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới giữ nguyên hướng đi và vận tốc, có khả năng mạnh lên cấp 7. Theo nhận định ban đầu, sau khi vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, hình thái này sẽ tiếp tục di chuyển và có 20-30% khả năng mạnh lên thành bão.
Với 70-80% khả năng còn lại, áp thấp nhiệt đới sẽ quần thảo trên Biển Đông với sức gió mạnh cấp 6-7 và ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ. Rạng sáng 2/8, tâm áp thấp nhiệt đới nằm ngay trên khu vực phía nam Vịnh Bắc Bộ.
Dự báo đường đi của vùng áp thấp trên Biển Đông trong 48 giờ tới. Ảnh: NCHMF. |
Hiện, vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới nằm ở phía đông kinh tuyến 110 độ kinh đông và phía bắc vĩ tuyến 15 độ vĩ bắc. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng hình thành trong hôm nay, Biển Đông có mưa dông mạnh.
Cụ thể, phía bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao 2-3,5 m; biển động. Giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 6-7. Sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh.
Cơ quan khí tượng cảnh báo toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và phía nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ chịu tác động cao của gió giật và lốc xoáy.
Trên đất liền, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sẽ gây ra một đợt mưa rất lớn cho Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế trong các ngày 1-5/8. Tổng lượng mưa cho cả đợt lên đến 200-400 mm, có nơi trên 500 mm.
Trao đổi với Zing, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết miền Bắc có thể hứng một đợt mưa lớn dài nhất từ đầu năm nay với thời gian mưa là 10 ngày. Cao điểm mưa bắt đầu từ đêm 31/7 tại đồng bằng Bắc Bộ, sau đó mở rộng lên Tây Bắc và Việt Bắc.
Cùng lúc, Tây Nguyên và Nam Bộ lại chịu ảnh hưởng gió mùa tây nam tăng cường nên cũng có mưa rất to. Lượng mưa cả đợt dự kiến là 200-250 mm, riêng phía bắc Tây Nguyên có thể lớn hơn 300 mm.
Chuyên gia khí tượng cảnh báo vào đầu tháng 8, những hình thái cực đoan xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước bao gồm lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ do mưa lớn.