Microsoft vừa đưa ra một gói hỗ trợ khác đặc biệt nhắm đến những người đang dùng bản Office lậu. Hãng khổng lồ phần mềm giảm giá 50% gói Office, hiện có tên Microsoft 365 Personal hoặc Family cho những người đã dùng phần mềm bẻ khóa.
gHacks chia sẻ hình chụp màn hình của một người dùng, với một quảng cáo hiện lên trên màn hình phần mềm Excel lậu. "Nhận giảm giá tới 50%. Trong một khoảng thời gian, bạn có thể tiết kiệm tới 50% khi mua Microsoft 365 thực thụ", quảng cáo này mời chào người dùng.
Thông báo giảm giá 50% gói Microsoft 365 hiện lên trên cửa sổ Excel của người dùng bản bẻ khóa. Ảnh: gHacks. |
Khi bấm vào quảng cáo, người dùng sẽ được dẫn tới trang web của Microsoft giải thích các tác hại của việc dùng phần mềm lậu. Trang web này cũng có nút mua hàng, với mức giảm giá 50%. Gói Microsoft 365 Family (chia sẻ cho nhiều người dùng) giảm một nửa còn 50 USD/năm, còn gói Microsoft 365 Personal còn 35 USD/năm.
Theo gHacks, đường dẫn này sẽ không khả dụng với những người đang dùng bản Office "xịn". Người chia sẻ thông tin này với gHacks xác nhận đã mua được gói Microsoft 365 với giá giảm 50%.
Tuy nhiên, trang web này cũng lưu ý người dùng bản bẻ khóa đã tải bản cài đặt một lần. Bản cài đặt một lần mới nhất hiện nay là Office 2021, có giá 150 USD. Vài năm gần đây, Microsoft đẩy mạnh việc bán bản Office theo dạng thuê bao theo năm. Người mua sẽ phải trả mức phí hàng năm để sử dụng bản quyền, đồng thời được đảm bảo luôn nhận được bản cập nhật mới nhất.
Trước đây, khi người dùng sử dụng phần mềm bẻ khóa bộ Office, đôi lúc ứng dụng sẽ hiện lên thông báo khuyến khích họ mua phần mềm có bản quyền. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên hãng đưa ra khuyến mãi để người dùng nâng cấp. Theo số liệu công bố cuối tháng 4, Microsoft 365 có hơn 50 triệu người dùng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Vào đầu tuần này, công ty bảo mật Red Canary cũng cảnh báo phần mềm KMSPico, thường được dùng để bẻ khóa Windows và Office, có phiên bản giả mạo. Phiên bản này được cài đặt mã độc Cryptbot, có thể đánh cắp thông tin truy cập ví tiền mã hóa của người dùng.
Do bản thân KMSPico thường được các ứng dụng quét virus và mã độc nhận định là chương trình độc hại, người dùng bẻ khóa phần mềm thường sẽ yêu cầu ứng dụng bảo mật "bỏ qua" KMSPico. Điều đó khiến bản giả mạo càng dễ tấn công hệ thống, lấy cắp thông tin của người dùng.