Mùa hè 2006, MU vừa kết thúc mùa giải thứ ba liên tiếp không vô địch Premier League. Họ chưa bao giờ chịu cảnh trắng tay lâu đến thế kể từ khi giải đấu này ra đời vào năm 1992. Và Sir Alex Ferguson quyết định phải làm điều gì đó.
Thế nhưng tất cả những người hâm mộ Quỷ đỏ đều thất vọng khi chỉ một cầu thủ duy nhất được mua về. Là Michael Carrick. Mặc dù có cái giá 18,6 triệu bảng, đắt thứ 5 lịch sử CLB ở thời điểm đó, song Carrick không được đánh giá cao.
Theo quan niệm của các manucian, MU cần một ai đó giống như Roy Keane, người rời đội vào tháng 11/2005. Đó là mẫu tiền vệ con thoi tràn đầy năng lượng, bùng nổ và hiếu chiến. Còn Carrick, anh ta quá “tĩnh” với dáng vẻ thư sinh.
Michael Carrick trong ngày ra mắt MU năm 2006. |
Tuy nhiên, không hề có sự trùng hợp ngẫu nhiên khi vinh quang lại ùa về Old Trafford kể từ sau sự xuất hiện của cầu thủ sinh ra ở miền Đông Bắc nước Anh. Thậm chí có thể nói, 7 năm từ 2006 đến 2013 là giai đoạn huy hoàng nhất của Sir Alex ở MU, với 5 chức vô địch Premier League, 3 lần vào chung kết Champions League và chiến thắng một trong số đó, cùng 8 danh hiệu khác nữa.
Trong một thời gian, Sir Alex đã luôn tìm kiếm một tiền vệ trung tâm nhưng Juan Sebastian Veron, Eric Djemba-Djemba, Kleberson và thử nghiệm Alan Smith đều thất bại. Carrick, người ít mang các phẩm chất của Keane nhất, té ra lại thành công rực rỡ.
Vào năm 2012, HLV người Scotland nói: “Bóng đá ngày nay có những đòi hỏi rất khác so với trước đây. Bây giờ, yếu tố quan trọng hàng đầu là dự đoán tình huống và đọc trận đấu. Đây là những kỹ năng mà Michael đặc biệt thành thạo”.
Suốt 11 năm qua, Carrick là một quý ông sang trọng ở khu trung tâm. |
Không phải mẫu “cầu thủ đường phố”, tiểu xảo, quyết liệt và dữ dội, Carrick là một quý ông sang trọng ở khu trung tâm, điềm tĩnh, lịch thiệp và kiểm soát trận đấu bằng cái đầu bác học. Nếu Italy có Andrea Pirlo, và trước đó Argentina có Fernando Redondo, Tây Ban Nha có Josep Guardiola, thì Anh có thể tự hào với Carrick.
Huyền thoại Bryan Robson từng nhận xét, thành công của MU được tạo ra bởi Carrick. Anh ta mang đến sự cân bằng, che chắn cho hàng thủ bởi trí thông minh, các pha đánh chặn chứ không phải tắc bóng điên cuồng. Anh cũng cung cấp nền tảng cho hệ thống tấn công, trong khi bản thân quán xuyến mọi vấn đề còn lại.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải những điều tuyệt vời nhất. Trong những năm gần đây, thể lực không còn cho phép Carrick chơi bóng thường xuyên nhưng anh vẫn là nhân tố không thể thiếu. Đó là vì khả năng lãnh đạo cả trong phòng thay đồ cũng như trên sân cỏ.
Mùa trước ở mọi mặt trận, MU thắng 83% số trận, đồng thời bất bại nếu có Carrick, trong khi chỉ thắng 36%, thua 36% nếu thiếu anh. (Theo MUTV). |
“Carrick là đội trưởng của tôi và truyền đạt tốt nhất triết lý của tôi cho những người khác”, Van Gaal nói vào cuối năm 2014, dù khi ấy Wayne Rooney vẫn là thủ quân. Ander Herrera thì ca ngợi: “Carras là chứng minh sống động cho tuyên bố của Marcelo Bielsa: Nhà lãnh đạo thực thụ không bao giờ nói nhiều, song khi họ nói, tất cả đều lắng nghe”.
Trong bối cảnh MU bây giờ gồm rất nhiều cầu thủ trẻ và số cựu binh rơi rụng dần, vai trò của Carrick càng nổi bật. Người cuối cùng của thế hệ 2007/08 kết nối các đồng đội với truyền thống và thổi vào họ khát khao chiến thắng. Không phải tự nhiên mà Sir Alex nói vào năm ngoái, trong đội hình MU hiện tại chỉ có Carrick, bên cạnh Rooney và De Gea, mang tinh thần của một Quỷ đỏ.
11 năm trước khi biết rằng các thỏa thuận chuyển đến MU đã hoàn tất, Carrick lập tức lên xe, chỉ mang theo một vài bộ quần áo, phóng ra đường M1 dẫn tới Manchester và không bao giờ ngoái lại phía sau. Ở tuổi 35, thời gian của Carras không còn nhiều. Nhưng với chiếc băng đội trưởng chính thức trên tay, hãy tin rằng anh vẫn chiến đấu như những ngày đầu khoác áo MU.
Tốp 3 chuyền bóng nhiều nhất Premier League 16/17 của MU (theo Whoscored). |
Premier League 16/17, dù ra sân không nhiều nhưng Carrick vẫn đứng thứ 3 trong đội về số đường chuyền mỗi trận (54,9), đồng thời ăn đứt 2 người xếp trên, Paul Pogba và Herrera về tính chính xác (89%).