Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#MeToo ở Thái Lan bế tắc

Cáo buộc cưỡng hiếp, tấn công tình dục nhằm vào một chính trị gia nổi tiếng Thái Lan làm dấy lên hy vọng muộn màng cho phong trào #MeToo ở quốc gia này.

Prinn Panitchpakdi (44 tuổi) đã từ chức Phó chủ tịch đảng Dân chủ hôm 14/4. Theo SCMP, cựu nhân viên ngân hàng được đào tạo ở Anh và là con trai của cựu quan chức Tổ chức Thương mại Thế giới hiện phải đối mặt với 3 cáo buộc tấn công tình dục và cưỡng hiếp.

Prinn được tại ngoại vào cuối tuần trước. Nhưng dự kiến số lượng nạn nhân tiếp tục tăng với ít nhất 15 phụ nữ được cho đang chuẩn bị hành động pháp lý chống lại Prinn.

Cựu phó chủ tịch đảng Dân chủ phủ nhận mọi hành vi sai trái và tuyên bố sẽ tự mình rửa sạch tên tuổi. Thế nhưng, việc từ chức của ông đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị đang lên và khiến đảng Dân chủ rơi vào hỗn loạn.

metoo thai lan anh 1

Prinn Panitchpakdi từ chức Phó chủ tịch đảng Dân chủ vì hàng loạt cáo buộc tấn công tình dục. Ảnh: Reuters.

Trong nhiều năm qua, phong trào #MeToo vẫn chưa thể chạm đến Thái Lan. Những cáo buộc tấn công tình dục nhằm vào những người đàn ông quyền lực thường xuyên xuất hiện nhưng cuối cùng luôn bị dập tắt bởi các cuộc dàn xếp bên ngoài tòa án.

Tuy nhiên, số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc chống lại Prinn đã mở ra cuộc tranh luận mới về mối quan hệ giữa đàn ông, quyền lực và tình dục ở xứ chùa Vàng.

#StandWithYouToo

Anna Vidhyaphum cáo buộc Prinn cưỡng hiếp cô vào năm ngoái. Sau khi đưa vụ việc ra ánh sáng, người phụ nữ 30 tuổi này được nhiều nạn nhân khác liên hệ, nhờ tư vấn cách bắt đầu quá trình tố tụng.

"Dư luận cũng là nguồn sức mạnh của tôi. Tôi biết ơn những người đã liên hệ với tôi để chia sẻ câu chuyện của họ. Bây giờ tôi đã lên tiếng và tin tưởng rằng công lý sẽ được thực thi".

Vidhyaphum cho biết cô đang có kế hoạch khởi động một chiến dịch truyền thông xã hội mới có tên #StandWithYouToo để thay đổi cách xã hội nhìn nhận về tấn công tình dục cũng như kết thúc việc đổ lỗi, chế giễu các nạn nhân.

metoo thai lan anh 2

Anna Vidhyaphum là một trong những người đầu tiên lên tiếng tố cáo Prinn Panitchpakdi. Ảnh: anna_vidh.

Sau khi lên tiếng, Vidhyaphum cho biết cô cũng bị chế nhạo trên mạng bởi những người mang giọng điệu bảo thủ. Một số cáo buộc cô bịa đặt câu chuyện. Điều này làm nổi bật khoảng cách về giá trị giữa thế hệ trẻ và những người lớn tuổi ở Thái Lan.

"Công khai câu chuyện có lẽ là quyết định đúng đắn nhất của tôi. Giờ đây, công chúng và xã hội đang có cách nhìn khác về tấn công tình dục", Vidhyaphum nói.

Vụ bê bối của Prinn đã khiến lãnh đạo đảng Dân chủ Jurin Laksanawisit từ chức chủ tịch một ủy ban thúc đẩy bình đẳng giới. Đây là ví dụ hiếm hoi về trách nhiệm giải trình công khai ở Thái Lan.

"Tôi muốn nhân cơ hội này để xin lỗi công chúng vì tất cả những gì đã xảy ra liên quan đến Prinn Panitchapakdi. Với tư cách là người đứng đầu đảng, tôi phải chịu trách nhiệm", ông Jurin trả lời báo chí.

Luật pháp và tư duy

Các nhà vận động cho biết #MeToo - phong trào công khai những bê bối tấn công, quấy rối tình dục bắt đầu ở Mỹ vào năm 2017 - vẫn chưa được chú ý ở Thái Lan là do vấn đề cơ cấu quyền lực.

Đa số vụ việc bị chôn vùi trong những phiên tòa kéo dài. Các nhà quan sát cho biết việc đe dọa nạn nhân, đặc biệt là những người yếu thế, cũng rất phổ biến.

Cindy Sirinya Bishop, nữ diễn viên Thái Lan vận động chống bạo lực tình dục, cho biết: "Đây có phải là một phong trào hay không còn phụ thuộc vào cách nhà chức trách xử lý các vụ việc. Rất nhiều phụ nữ đang muốn lên tiếng nhưng điều gì sẽ xảy ra. Tôi nghĩ họ chỉ có thể chờ xem liệu câu chuyện có bị chôn vùi trong bóng tối hay không".

metoo thai lan anh 3

Người biểu tình bên ngoài trụ sở của đảng Dân chủ ở Bangkok, sau khi cáo buộc lạm dụng tình dục đối với Prinn được phơi bày. Ảnh: AFP.

Theo Jaded Chuwilai, giám đốc của tổ chức thúc đẩy tiến bộ giới, phụ nữ hiếm khi khai báo tội phạm tình dục vì thói quen đổ lỗi cho nạn nhân, hỏi tội bị cáo. Đặc biệt nếu người bị cáo buộc là đàn ông giàu có, "giữ gìn thể diện" còn được coi trọng hơn việc bảo vệ người bị hại.

"Những kẻ phạm tội hiếp dâm thường là đàn ông quyền lực, giàu có. Nếu nó xảy ra trong gia đình, người mẹ sẽ bênh vực chồng và con trai thay vì bảo vệ nạn nhân là con hoặc cháu gái", Chuwilai cho biết.

Năm 2019, tổ chức này đã phân tích 333 bản tin về tấn công tình dục và phát hiện ra rằng "hiếp dâm" chiếm gần một nửa, với số lượng nạn nhân nhiều nhất đến từ nhóm 11-15 tuổi. Nhưng Chuwilai lo ngại nhiều vụ tấn công vẫn đang diễn ra nhưng không bị trừng phạt.

Các nhà nữ quyền cho rằng cần phải thay đổi tư duy để chấm dứt cách nghĩ hiếp dâm, hành hung và lạm dụng phụ nữ là "vấn đề riêng tư" trong xã hội Thái Lan.

"Chế độ gia trưởng ăn sâu vào xã hội và sự thiếu kiềm chế, buông thả bản thân của một số đàn ông là những nguyên nhân khiến phong trào #MeToo chưa bao giờ có chỗ đứng tại Thái Lan. Nhưng tôi nghĩ thế hệ trẻ, những người ít nhân nhượng với tội phạm tình dục và đang tự giải quyết vấn đề, sẽ góp phần thay đổi", Chuwilai nhận định.

Đối diện án tù 5 năm vì tố cáo kẻ quấy rối tình dục

Zaira, một nữ luật sư tại Bangladesh, đang đối mặt với 2 lựa chọn khó khăn: rút đơn kiện kẻ quấy rối mình hoặc bị bỏ tù vì tội phỉ báng trực tuyến.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm