Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mệt mỏi khi cuộc sống 2 năm qua chỉ xoay quanh dịch bệnh

Suốt hơn hai năm từ khi dịch bùng phát, Hạnh Trần thấy mệt mỏi khi các chủ đề trò chuyện đều xoay quanh những cụm từ gây ám ảnh như "xét nghiệm", "dương tính", "cách ly".

Đầu năm 2022 là khoảng thời gian Hạnh Trần (25 tuổi, nhân viên truyền thông làm việc tại TP.HCM) thực sự khủng hoảng vì dịch Covid-19 khi em trai và mẹ cô ở quê lần lượt trở thành những người đầu tiên trong nhà nhiễm bệnh.

“Lo lắng, sợ hãi, cuống cuồng và bất lực vì đang làm ở xa là những cảm xúc mình trải qua khi nghe tin. Từng sống giữa tâm dịch, căng thẳng và buồn chán khi phải ở trong nhà gần nửa năm, nhưng khi người thân nhiễm bệnh, mình vẫn khó bình tĩnh đón nhận”, cô gái quê Nghệ An nói với Zing.

Không phải đến khi người thân nhiễm bệnh, mà suốt hơn hai năm từ khi dịch bùng phát, Hạnh Trần đã thấy mệt mỏi khi các chủ đề trò chuyện đều xoay quanh những cụm từ gây ám ảnh như “xét nghiệm”, “dương tính”, “cách ly”, “phong tỏa”, “ngừng bay”, “mắc kẹt”...

"Mình mệt mỏi vì hai năm qua chỉ nói về dịch bệnh", cô bày tỏ.

hai nam dai dich anh 1

Nhiều người trải qua căng thẳng khi mọi câu chuyện xung quanh mình đều liên quan đến dịch bệnh. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Giống như Hạnh, nhiều người cũng đối mặt căng thẳng, rối loạn khi suốt thời gian dài, mọi câu chuyện trong cuộc sống, từ gia đình, bạn bè đến công việc đều xoay quanh chủ đề lớn nhất là dịch bệnh.

Vượt qua khủng hoảng

Hạnh kể em trai cô vừa nhận công việc tại công ty mới chưa được một tuần thì nhiễm bệnh. Cậu chưa nhận được lương nên cô phải gửi thêm tiền để em chi tiêu ăn uống và mua thuốc điều trị.

Em vừa có kết quả âm tính mấy ngày, mẹ cô ở quê gọi điện báo tin đã dương tính, triệu chứng ho, khó thở và mệt mỏi nhiều.

“Mình đã quen với việc sống giữa rất nhiều F0 trong thành phố, ngay thời kỳ dịch đạt đỉnh, sẵn sàng với chuyện có thể nhiễm bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nghe tin người nhà bị lại là một chuyện khác. Đặc biệt là bố mẹ đều đã lớn tuổi và không có con cái ở gần”, cô bày tỏ.

Hơn 2 tuần nay, mỗi ngày Hạnh đều gọi điện cho em và mẹ để theo dõi tình hình, hỏi thăm và hỗ trợ từ xa. Cô nói rằng chỉ có thể động viên họ giữ tâm thế lạc quan, suy nghĩ tích cực.

Hạnh cho biết sau 2 năm đại dịch, nhiều lần phải nghỉ ở nhà, cô đã rất khó khăn mới học được cách làm quen với mọi diễn biến bất ngờ. Năm ngoái, tròn một năm cô không được về thăm nhà, sống một mình ở Sài Gòn và tự lo liệu mọi thứ.

“Có thời gian mình đã né tránh những số liệu, thống kê về dịch bệnh. Con hẻm mình ở từng có nhiều người mất vì dịch. Vì thuê trọ một mình nên mình thường xuyên liên lạc với bạn bè, gia đình ở quê, để họ an tâm rằng mình ổn”.

Khi TP.HCM bước vào bình thường mới, Hạnh hy vọng tương lai sẽ khả quan hơn. Tuy nhiên, bắt đầu năm đại dịch thứ 3, cô vẫn còn gặp nhiều cú sốc.

Mức lương không đổi, giá cả tiêu dùng ở thành phố tăng cao, còn phải hỗ trợ cho gia đình nên các khoản dự trữ của cô đang thâm hụt nhanh chóng.

Ám ảnh tinh thần sau 2 năm đại dịch

Hồng Anh (sinh năm 2000, TP.HCM) thừa nhận suốt hơn hai năm qua luôn ám ảnh bởi dịch bệnh nhưng ít khi thể hiện nỗi sợ đó cho người xung quanh biết.

“Trong những tháng giãn cách xã hội, mình sống trong sợ hãi khi mẹ mắc bệnh, dù những triệu chứng của mẹ không nặng và chóng hết. Mỗi ngày, mình đều phải vật lộn với suy nghĩ tiêu cực, tự vẽ ra viễn cảnh xấu nhất rồi ngồi khóc. Một phần bởi khi đó số ca tử vong trong thành phố quá cao, mình không thể lạc quan nổi”.

hai nam dai dich anh 4

Hồng Anh trải qua giai đoạn căng thẳng tâm lý khi mẹ và bạn bè xung quanh nhiễm bệnh. Ảnh: NVCC.

Hiện tại, đa số người dân đều đã tiêm 3 mũi vaccine và mọi người nghĩ rằng “trở thành F0 cũng chẳng có gì ghê gớm lắm”, thậm chí nói vui khi nhiễm bệnh rằng “cuối cùng cũng 2 vạch”.

Song Hồng Anh còn lo lắng bởi công việc của cô đòi hỏi ra ngoài tiếp xúc và giao tiếp nhiều người, không biết khi nào sẽ thành F0. Trong nhà có 3 người trên 50 tuổi, em trai 11 tuổi, nếu nhiễm bệnh, cô sẽ làm ảnh hưởng tới mọi người.

“Hiện tại, nhóm bạn chơi thân của mình đã lần lượt nhiễm bệnh. Các bạn cứ trêu mình nên thành F0 để khỏi thấp thỏm, nhưng bản thân mình không mong như thế, thành ra khá áp lực”.

Dịch bệnh đã khiến Hồng Anh bị ám ảnh về việc rửa tay. Đi đâu ra ngoài cô đều mang theo một chai dung dịch xịt khuẩn to.

“Mình rửa tay liên tục, chạm vào cái gì cũng phải rửa tay ngay. Mình còn gay gắt nếu mọi người không chịu rửa cùng, sợ người ta cầm nắm linh tinh lây bệnh cho mình. Thói quen đó là kết quả của chuỗi ngày sống trong căng thẳng quá mức vì dịch bệnh”.

Không chỉ sinh hoạt hàng ngày mà cả những kế hoạch, dự định của cô nàng sinh viên năm cuối cùng đã bị đảo lộn trong 2 năm qua.

Học online và ở nhà nhiều khiến cô có thời gian mất kết nối với bạn bè, rơi vào buồn chán.

Hồng Anh đã lên kế hoạch trong năm cuối thời sinh viên sẽ đi phượt Tây Bắc trước Tết Nguyên đán. Nhưng cô không thể thực hiện vì lịch trình dự kiến đúng thời điểm Hà Nội và các tỉnh miền Bắc trở thành điểm nóng dịch bệnh. Chuyến đi Thái Lan mà cô ấp ủ cũng không thể tiến hành.

“Giờ mình cố tình ngó lơ các thông tin, số liệu thống kê tình hình dịch bệnh để đỡ stress, như vậy mới dần dần trở về cuộc sống bình thường được. Giờ ai nhắc hay bàn chuyện dịch là mình thấy mệt lắm, nếu là bạn thân chắc chắn sẽ bảo bạn đừng nói nữa, còn không thân thì mình lơ sang chuyện khác”.

Kế hoạch đảo lộn

Đầu năm 2020, Hoàng Phúc (29 tuổi, nhân viên kinh doanh) dự định tổ chức đám cưới với bạn gái cùng tuổi vào cuối năm. Kế hoạch của cả hai dang dở vì dịch bệnh, và cuối cùng chia tay vì phải yêu xa do lệnh giãn cách.

hai nam dai dich anh 5

Những ảnh hưởng từ dịch bệnh và lệnh phong tỏa trong 2 năm đại dịch đã khiến kế hoạch của nhiều người bị đảo lộn. Ảnh: Việt Linh.

“Lúc đó, mình làm việc ở Hà Nội, bạn gái vẫn làm ở TP.HCM. Trước dịch, chúng mình thường xuyên bay ra, bay vào gặp nhau, cùng đi du lịch. Mình dự định kết hôn xong sẽ sắp xếp để chuyển vào trong đó, tìm việc mới để ở bên vợ. Sau khi hoãn cưới vì dịch, suốt năm 2021, chúng mình gần như không gặp được lần nào, thường xuyên cãi vã và cô ấy đã nói chia tay”.

Anh nói rằng dịch bệnh và xa cách chỉ là chất xúc tác thổi bùng những mâu thuẫn vốn có trong mối quan hệ của hai người. Phúc cho biết anh đã trải qua khoảng thời gian khó khăn vì đổ vỡ tình cảm.

“Dịch bệnh kéo dài cũng ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển việc của mình. Giữa tình hình này, mình khá ngại khi phải chuyển sang một môi trường mới, đối phó với tình trạng bấp bênh”.

Phúc cũng từng là F0, trải qua thời gian khủng hoảng tâm lý khi phải cách ly điều trị một mình.

Anh chàng 29 tuổi nói rằng hai năm qua là khoảng thời gian khó khăn với anh cả về sức khỏe thể chất, tinh thần lẫn tiền bạc. Hiện tại, anh vẫn né tránh khi đề cập đến những rắc rối đã trải qua khi có người hỏi tới.

Từ đầu tháng 3, Bộ Y tế đã có nhiều đề xuất đề xuất trong giai đoạn diễn biến mới của dịch Covid-19, chuyển từ nguyên tắc “phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả.

Bộ Y tế cũng kiến nghị đối với F0 không có triệu chứng trong thời gian cách ly, các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.

Từ 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch. Về cơ bản, du khách quốc tế đến Việt Nam đã không còn gặp vấn đề liên quan đến cách ly. Ngoài ra, công dân 13 quốc gia cũng được miễn thị thực trở lại dù thời gian còn khá ngắn (15 ngày).

Con ở thành phố nhận đồ tiếp tế từ bố mẹ trong thời bão giá

"Mẹ không gửi nhiều đâu" là câu cửa miệng của mẹ mỗi khi đóng thùng, gửi thức ăn lên TP.HCM cho Linh. Nhưng lần nào cô cũng nhận được cả thùng lớn thịt, cá, trái cây, rau, trứng.

Đào Phương

Bạn có thể quan tâm