Trong cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ dịch Covid-19, hàng loạt giải đấu phải tạm hoãn kéo theo thu nhập của các CLB giảm sút. Một trong những cách để tồn tại qua thời gian khó khăn này là cắt giảm chi phí hoạt động, trong đó có tiền lương các cầu thủ, vốn cao hơn nhiều so với mặt bằng xã hội.
Barcelona của Messi có quỹ lương lớn nhất giới thể thao toàn cầu. Ảnh: Zuma. |
Lương bổng khiến các CLB dễ bị tổn thương
Hồi tuần trước, Juventus lên tiếng công bố đội hình một của CLB này đồng ý giảm một phần lương để cùng chung tay vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Theo tính toán, Ronaldo và đồng đội nhận mức đãi ngộ thấp hơn trong tháng 4 giúp "Lão phu nhân" tiết kiệm tới 90 triệu euro. Cá nhân ngôi sao người Bồ Đào Nha đồng ý giảm 3,8 triệu euro tiền thu nhập nhận từ "Bà đầm già" thành Turin.
Barcelona của Messi cũng công bố biện pháp tương tự. Hôm 30/3, các cầu thủ của đội bóng xứ Catalunya đồng loạt công bố thông tin giảm 70% lương lên mạng xã hội. Atletico Madrid đang có bước đi tương tự và các cầu thủ tại Bayern Munich, Borussia Dortmund cũng sẽ có thu nhập giảm 20% so với trước đây.
Hàng loạt động thái nói trên khiến cây viết Liam Tyler của RT đặt vấn đề liệu bong bóng lương trong giới bóng đá có bị vỡ sau sự kiện lần này. "Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã dạy cho chúng ta nhiều điều, nhưng về mặt bóng đá, có lẽ chúng ta sẽ nhận ra tất cả sẽ chỉ là sự lố bịch của việc rửa tiền", anh viết.
Cây viết này đưa ra ví dụ điển hình: Barcelona là đội bóng có quỹ lương lớn nhất thế giới. Mức lương trung bình của một cầu thủ tại đây lên tới 12,28 triệu USD/năm. Real Madrid và Juventus cũng nằm trong số những đội thể thao trả lương nhiều nhất thế giới, theo khảo sát mức lương thể thao toàn cầu 2019 .
"Có bất ngờ gì không, khi các CLB phải đối mặt với viễn cảnh doanh thu giảm sút, mất thu nhập từ bản quyền truyền hình và việc mùa giải không thể hoàn thành, số tiền bán vé bằng 0 và cả việc cắt giảm tài trợ. Chúng ta đang thấy Barca và các đội bóng khác làm mọi thứ để cắt giảm chi tiêu, ngay cả trong trường hợp cuộc khủng hoảng ngắn hạn", bài viết trên RT có đoạn.
"Chắc chắn đại dịch Covid-19 đang tấn công vào nền kinh tế thế giới, đẩy các doanh nghiệp vào thế khó khăn một cách nhanh chóng. Nó không giống những gì chúng ta đã thấy trước đây. Một sự kiện bất khả kháng cực kỳ khó giảm thiểu. Song, với số tiền lương quá lớn, nhiều CLB đang cho thấy họ dễ bị tổn thương tới mức nào".
Những ngôi sao như Ronaldo sở hữu khối tài sản kếch xù, vượt xa nhiều lần so với mặt bằng chung. Ảnh: FCBN. |
Bong bóng lương trong giới bóng đá
Liam Tyler cho rằng bóng đá sau này sẽ không còn điên rồ như thời kỳ Neymar chuyển nhượng sang PSG hồi 2017 và 250 triệu USD được chuyển trong một ngày. Kỷ nguyên của những bản hợp đồng bản quyền và tài trợ có giá trị lớn sẽ sớm kết thúc.
"Bóng đá, loại hình kinh doanh béo bở đã gặp nhấm những thứ giàu có trong thời gian dài, khiến nó bị thổi phồng như một quả bong bóng mà giờ đây đã sẵn sàng để nổ tung một cách ngoạn mục", cây viết này nêu quan điểm.
"Nếu những đội bóng như Juve và Barca tỏ ra tuyệt vọng, hãy tưởng tượng những nỗi sợ của các CLB ở các giải đấu thấp hơn trên khắp thế giới sẽ như thế nào. Nhiều cá nhân - trong đó có Messi và Ronaldo - đã quyên góp bằng vốn tài chính cá nhân. Song, số tiền đó không là gì so với sự giàu có của họ, vốn bắt nguồn từ việc chơi bóng".
Theo Tyler, vấn đề không hoàn toàn nằm ở việc giới cầu thủ nhận được số tiền đó như thế nào và họ không đáng phải nhận những lời phàn nàn về mức thu nhập khủng đó. "Họ có quyền tiêu tiền của bản thân. Song, điều đó ít nhiều khiến mọi người nhìn vào họ (đôi khi là một phần nhỏ trong số họ) và thấy sự xa hoa trong bối cảnh hàng triệu người trên thế giới đang chật vật vì virus corona", anh viết.
"Trong khi đó, những anh hùng thực sự của cuộc khủng hoảng này, nhiều nhân viên y tế tuyến đầu, phải đối mặt với nguy cơ từ virus corona hàng ngày. Sự giàu có đáng kinh ngạc của giới bóng đá, đặt trong bối cảnh đó, dường như càng trở nên vô lý".
Kết luận, Tyler cho rằng, đây là lúc để chúng ta cần tính toán lại và những khoản tiền kếch xù đầu tư vào bóng đá phải được kiểm soát.